Sáng 1/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng)- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm liên quan đến chọn sách giáo khoa.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy dẫn thông tin "Báo chí nêu theo báo cáo tài chính của Công ty Phương Nam (một công ty con của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam), chỉ chưa đầy hai năm đã chi gần 100 tỉ đồng để phát triển thị trường và tập huấn. Không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung chi này chưa?".
Bà Thúy cảnh báo: “Nếu không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này thì có ngày hối không kịp, giống vụ Việt Á hoặc các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục”.
Theo bà Thuý “nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng. Thậm chí, nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên".
Từ thực tế này, bà Thúy kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của thông tư 25.
Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập. “Việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan vừa không khuyến khích sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, vừa có thể khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh. Từ đó dần làm sai lệch chủ trương xã hội hóa, thậm chí xóa bỏ việc xã hội hóa trong lĩnh vực này, trở lại tình trạng độc quyền như cũ” - Bà Thuý lo ngại.
Đề cập đến các sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, bà Thúy nêu: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách khoa học tự nhiên lớp 6 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. “Nhưng theo phản ánh của giáo viên, sách chưa được thay bằng sách mới”- bà Thúy nói.
Nghiêm trọng hơn, bà Thúy lo ngại “79% sách giáo khoa mà nhà xuất bản báo cáo Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu?".
Theo bà, “Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam báo cáo trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng ngày 10/5, thì tính đến ngày 30/4/2023, tỉ lệ in sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%. Nhưng thực tế ngày 5/5, nhà xuất bản mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Thời gian mở thầu là 9h ngày 21/5”.
Bà Thúy chỉ rõ: "Muốn biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ: Nếu sách được sửa chữa thì việc sửa chữa diễn ra vào thời gian nào, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và biên bản của Hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không?".