Ngày 6/12 tại thành phố Vinh (Nghệ An), Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội thảo Tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Chương trình tập huấn được tổ chức nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời cung cấp các chiến lược truyền thông thực tiễn truyền tải thông điệp rõ ràng, chính xác đến công chúng.
Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tham dự hội thảo có cơ hội tìm hiểu các chủ đề: ATTP và hệ thống thực phẩm; Nguyên tắc truyền thông nguy cơ hiệu quả; Thách thức của nhà báo trong truyền thông về ATTP… từ các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Trọng Đảm - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Trong chuỗi giá trị thực phẩm, vấn đề ATTP nổi lên như một chủ đề nóng, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và đặc biệt là báo chí. Thông qua hội thảo, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng mạng lưới báo chí nòng cốt, nâng cao nhận thức cộng đồng về ATTP. Hy vọng rằng, sự đồng hành chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và báo chí sẽ góp phần tạo nên những thay đổi thực chất trong lĩnh vực quan trọng này.”
Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như thực phẩm chứa hóa chất, ô nhiễm vi sinh và thông tin sai lệch về nguồn gốc thực phẩm…đã gây ra nhiều hoang mang trong dự luận. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến ngành chăn nuôi nói chung và chuỗi kinh doanh thực phẩm nói riêng.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về an toàn thực phẩm, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng chưa đầy đủ, khoa học. Vì vậy, người tiêu dùng nhiều khi chưa hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề này gây ra tâm lý hoang mang.
Tại hội thảo TS.BS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường & Phát triển bền vững, cho rằng: quá trình truyền thông nguy cơ hiệu quả giúp phòng tránh hoặc giảm thiểu sự bất bình và mất lòng tin của cộng đồng cần nhận được thông tin, số liệu đáng tin cậy, trao quyền để tự ra quyết định, được tham gia vào quá trình như là 1 thành viên chứ không phải là “khán giả”, giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe, kinh tế, xã hội v.v.
Tại đây, TS.BS. Phạm Đức Phúc đã đưa ra 5 nguyên tắc để truyền thông nguy cơ hiệu quả: cần đảm bảo tính minh bạch, hiểu và đồng cảm với đối tượng mục tiêu, truyền tải thông tin kịp thời, sử dụng bằng chứng khoa học để củng cố thông điệp, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
Buổi hội thảo cũng đã nhận được những câu hỏi về vấn đề an toàn thực phẩm cũng như những thách thức mà các nhà báo gặp phải khi truyền thông về ATTP đã tạo ra không gian trao đổi sôi nổi giữa các nhà báo, nhà khoa học và đại diện cộng đồng. Cùng với đó, phiên tọa đàm “Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông về ATTP” với 4 vị khách mời gồm: Bà Hạ Thúy Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, Phó Giám đốc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp; TS. Lưu Quỳnh Hương, Phòng Thí nghiệm tổng hợp và Bảo tồn quỹ gen, Viện Thú y; Ông Nguyễn Thành Dũng, Đội phó đội văn phòng tổng hợp BQL Chợ Vinh;Đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, cũng cần nhận thấy vai trò của chuỗi sản xuất truyền thống các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là chuỗi sản xuất thịt lợn và các giải pháp can thiệp và truyền thông phù hợp để đảm bảo an toàn thực phẩm của các chuỗi này.
Việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin xã hội. Đồng thời, cần cân nhắc những vấn đề chưa chắc chắn, còn gây tranh cãi, và xử lý thông tin tiêu cực một cách khéo léo.”