Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là một trong những vấn đề luôn được người dân, doanh nghiệp quan tâm.
Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV vừa được thông qua, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với các quy định về thủ tục hành chính (TTHC), quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách thể chế, xây dựng pháp luật là trọng tâm ưu tiên, có nhiều đổi mới, mang lại kết quả tích cực.
Nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CCHC, như: Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản… Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)… Một số chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực, địa phương đã được thông qua.
Cải cách TTHC được thúc đẩy, môi trường kinh doanh có bước cải thiện: Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; 100% bộ, ngành, địa phương đã công bố danh mục TTHC nội bộ; chất lượng giải quyết TTHC có nhiều cải thiện.
Cải cách tổ chức bộ máy có nhiều nỗ lực, đạt kết quả tích cực: 100% bộ, ngành đã hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; 100% các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở ngành…
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến với địa phương cũng đánh giá: Cải cách hành chính được chú trọng, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá TTHC; Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách TTHC, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các luật. Khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ TTHC; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Dù đã có những chuyển biến tích cực, song cắt giảm, đơn giản TTHC so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn chậm. Báo cáo về rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập TTHC tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, một số quy định, TTHC tại một số văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn; quy định về thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết một số TTHC còn qua nhiều tầng nấc, khâu trung gian.
Việc cắt giảm, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương nhưng chủ yếu khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp, phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên mới được quan tâm thực hiện…
Nghị quyết Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV đã yêu cầu Chính phủ tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong quá trình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với các quy định về TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai thành công Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản dưới luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phân cấp trong giải quyết TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Mới đây, chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc; xóa bỏ xin cho, chống phiền hà, sách nhiễu…
Ưu tiên nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân, doanh nghiệp.
Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương, cải cách TTHC sẽ có bước chuyển biến mới, mang tính đột phá trong thời gian tới.