Bên lề Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, phóng viên Báo Công lý đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về các biện pháp triển khai thực hiện công tác chuyên môn và phong trào thi đua năm 2019 do TANDTC phát động.
Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh Ung Thị Xuân Hương: Tăng cường trách nhiệm, kỷ cương để giải quyết được tốt nhất yêu cầu của người dân
Năm 2018, mặc dù rất nhiều khó khăn như tình hình án tăng ngày càng phức tạp, biên chế phải tinh giản 10% theo chủ trương chung. Trong bối cảnh áp lực lớn, toàn bộ cán bộ công chức, đặc biệt là Thẩm phán TAND hai cấp TP.Hồ Chí Minh đã hết sức nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Đã có 5 đơn vị TAND quận/huyện được TAND, và TAND quận 7 được Chính phủ.
Trong năm 2019, qua Hội nghị triển khai công tác thi đua và phát động thi đua của TANDTC, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh đã đề ra nhiều biện pháp để trong năm 2019 có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thứ nhất, chúng tôi sẽ đưa ra các chỉ tiêu để giảm án hủy/sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán để nâng cao chất lượng xét xử. Thứ hai, chúng tôi đặt ra mục tiêu phải giảm án tạm đình chỉ, đặc biệt là án tạm đình chỉ lâu năm chưa được giải quyết, bởi vì có rất nhiều án tạm đình chỉ trên 10 năm nay do rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi đặt ra rất nhiều mục tiêu và giao chỉ tiêu hàng tháng cho các Thẩm phán phải có kế hoạch để giải quyết án tạm đình chỉ, nếu như án tạm đình chỉ đó thực sự khó khăn, vướng mắc, không giải quyết được thì cũng phải báo cáo để chúng tôi xem xét, có nghiên cứu và nếu cần thiết thì xin ý kiến nghiệp vụ của TANDTC để tháo gỡ.
Trong năm 2019 TAND TP. Hồ Chí Minh sẽ phát động phong trào thi đua sâu rộng và sẽ kịp thời nhân rộng các điển hình tiên tiến để học tập cũng như kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các vi phạm.
Chánh án TAND TP. Hải Phòng Nguyễn Thị Mai: Đề ra giải pháp tổ chức phong trào, mô hình thi đua phù hợp với tình hình
Trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2018, TAND TP Hải Phòng luôn là một đơn vị tòa án địa phương được TANDTC biểu dương, ghi nhận có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước. Kinh nghiệm của chúng tôi là tập thể lãnh đạo hội đồng thi đua khen thưởng phải tìm giải pháp tổ chức phong trào thi đua và tìm ra các mô hình thi đua để phù hợp với tình hình địa phương.
Hải Phòng có một mô hình thi đua mà chúng tôi đã tự sáng tạo và thực hiện trong nhiều năm nay đó là mô hình xây dựng đơn vị tập thể mẫu; tập thể mẫu tiêu biểu xuất sắc, gương cá nhân tiêu biểu, gương cá nhân tiêu biểu xuất sắc với các tiêu chí cụ thể.
Chúng tôi xây dựng 10 tiêu chí cho tập thể mẫu và 12 tiêu chí cho tập thể mẫu tiêu biểu xuất sắc. Tiêu chí cho gương cá nhân tiêu biểu, gương cá nhân tiêu biểu xuất sắc cũng được xây dựng rất cụ thể. Để bình xét được tiêu chí này, chúng tôi thành lập Hội đồng để chấm điểm. Các đơn vị phải đăng ký từ đầu năm và cuối năm chúng tôi tổ chức Hội đồng để xét lại các đơn vị đạt được bao nhiêu tiêu chí, từ đó bình xét. Mỗi tiêu chí được bình xét đều có những phần thưởng khích lệ để cho các đơn vị và cá nhân thực hiện.
Năm 2018, chúng tôi tiếp tục tổ chức phát động phong trào thi đua theo mô hình mới. Đó là mô hình đẩy nhanh tiến độ xét xử và nâng cao chất lượng xét xử các vụ án. Đặc biệt là thực hiện chỉ đạo của TANDTC về tổ chức thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm. TANDTC giao mỗi địa phương, mỗi Thẩm phán phải tổ chức 1 phiên tòa rút kinh nghiệm mỗi năm thì ở Hải Phòng chúng tôi giao Thẩm phán gấp đôi chỉ tiêu của TANDTC. Để đạt được chỉ tiêu này chúng tôi phải phát động phong trào thi đua, khích lệ.
Chúng tôi cũng nghĩ ra mô hình phiên tòa rút kinh nghiệm loại tốt, phiên tòa rút kinh nghiệm loại xuất sắc.Tiêu chí cho từng loại phiên tòa rút kinh nghiệm đều có cả. Chúng tôi đăng ký kế hoạch này với TANDTC và phát động nếu Thẩm phán nào thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm loại xuất sắc sẽ được Hội đồng thi đua khen thưởng trình Chánh án TANDTC tặng Bằng khen. Đồng chí Thẩm phán nào tổ chức phiên tòa đạt loại tốt sẽ được tặng giấy khen của Chánh án TAND TP Hải Phòng. Chúng tôi thành lập Hội đồng tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và chấm điểm theo các tiêu chí, bỏ phiếu để chấm điểm.
Tới đây, chúng tôi sẽ triển khai Hội nghị triển khai công tác năm, phát động phong trào thi đua năm 2019. Năm 2019, ngoài phong trào thi đua TANDTC, Thành ủy, HĐND, UBND địa phương chỉ đạo; TAND TP Hải Phòng vẫn duy trì 2 phong trào thi đua, đó là: Xây dựng tập thể mẫu tiêu biểu, tập thể mẫu tiêu biểu xuất sắc, gương cá nhân tiêu biểu, gương cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Cùng với đó là tập trung vào thực hiện giải pháp tập trung đột phá, nâng cao kỹ năng điều hành của Chánh án, chủ tọa phiên tòa; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm tốt, phiên tòa rút kinh nghiệm xuất sắc theo tinh thần chỉ đạo của TANDTC.
Chánh án TAND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Duy Hữu: Chất lượng mọi mặt công tác ngày càng phải được nâng cao
Là người vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, tôi rất vui mừng và phấn khởi, đó không chỉ là phần thưởng của cá nhân mà còn là phần thưởng chung cho toàn đơn vị, bởi trong những năm vừa qua không chỉ có riêng cá nhân tôi không ngừng nỗ lực cố gắng hết mình trong công việc mà anh em trong đơn vị cũng rất cố gắng và đã đạt được những thành công đáng kể.
Năm 2019 chúng tôi đã chuẩn bị các phong trào thi đua để giữ gìn thành tích. Để đảm được việc đó, chúng tôi đưa ra một số giải pháp để triển khai thực hiện, chẳng hạn như án rút kinh nghiệm. Chúng tôi đã triển khai trước về án rút kinh nghiệm từ năm 2012, nhưng lúc bấy giờ mới chỉ là án hình sự, hiện giờ chúng tôi sẽ triển khai ở cả án dân sự và án hành chính, nếu có đủ các điều kiện theo tinh thần cải cách tư pháp.
Năm 2018, chúng tôi đã tổ chức được 174 phiên tòa rút kinh nghiệm, với Thẩm phán nhiệm kỳ 2 chúng tôi giao chỉ tiêu một năm tổ chức 2 phiên tòa, còn với Thẩm phán bổ nhiệm lần đầu thì một năm tổ chức một vụ. Chúng tôi xác định việc tự nâng cao kỹ năng, trình độ không có trường lớp nào bằng tự học; cho nên phiên tòa rút kinh nghiệm rất được chú trọng.
Tôi cũng đã dự nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm của cấp dưới, đánh giá trách nhiệm của anh em rất lớn, rất nặng nề. Tôi cho rằng nếu tổ chức được các phiên tòa rút kinh nghiệm thì kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp của cán bộ ngày càng nâng cao.
Năm vừa qua, TAND tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là một trong những đơn vị có tỉ lệ bản án đăng tải trên cổng thông tin điện tử rất tốt. Hầu hết các bản án theo đúng quy định, chúng tôi đều đăng. Chỉ có một số bản án đăng, nhưng sau đó bị gỡ do sai sót kỹ thuật, chúng tôi cũng đã cử cán bộ để theo dõi trực tiếp, hàng ngày về việc này.Tuy nhiên, hiện cũng có khó khăn chung đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin lạc hậu. Do đó, nếu được quan tâm đầu tư thêm thì kết quả tốt hơn nhiều.
Chánh án TAND tỉnh Sơn La Nguyễn Hồng Nam: Công bố bản án, quyết định của Toà án là một chủ trương rất đúng đắn
Việc công bố bản án, quyết định của Toà án tại Cổng thông tin điện tử của Tòa án là một chủ trương rất đúng đắn của lãnh đạo TANDTC. Sơn La cũng là một trong những đơn vị thực hiện tốt và có đồng chí đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi cho rằng, việc công bố bản án và quyết định của Tòa án nâng đã cao trách nhiệm của Thẩm phán. Khi viết bản án sẽ viết cẩn thận, rõ ràng hơn và có sức thuyết phục cao khi các cá nhân, người dân và các tổ chức khác tiếp cận bản án. Việc công bố bản án tạo điều kiện cho tất cả người dân, các cơ quan, tổ chức giám sát hoạt động xét xử của Tòa án và tạo nên sự công bằng, bình đẳng; thể hiện sự dân chủ của chế độ ta.
Với cương vị là Chánh án TAND tỉnh, tôi luôn yêu cầu Thẩm phán hàng tháng phải kiểm tra, rà soát loại toàn bộ bản án quyết định của mình giải quyết trong tháng và yêu cầu phải công bố ngay trong tháng để đảm bảo tránh để lại và công bố chậm. Trước khi chuẩn bị phiên tòa xét xử, Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ hồ sơ để khi giải quyết xong có bản án và quyết định thuyết phục đối với nhân dân.
Chánh án TAND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) Nguyễn Văn Tuấn: Chất lượng cán bộ được ưu tiên hàng đầu
Trong 14 giải pháp TANDTC đã đề ra, tôi tâm đắc nhất giải pháp nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán trong giải quyết công việc. Theo tôi, đây là gốc của mọi thành công, tất cả đều do con người, và tất cả đều vì con người. Do vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực của Thẩm phán là vấn đề mấu chốt để nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác xét xử.
Trước hết cần chú trọng từ khâu đào tạo. Trong nhiều năm qua, TAND huyện Chương Mỹ đã rất chú trọng khâu đào tạo đội ngũ cán bộ Thư ký. Có nhiều đồng chí từ Thư ký trở thành Thẩm phán, và sau khi được bổ nhiệm làm Thẩm phán một thời gian, với năng lực, phẩm chất đạo đức của mình, tiếp tục được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn, vào đội ngũ lãnh đạo như Chánh án, Phó Chánh án quận/huyện. Tôi cho rằng đây là bước đột phá và TAND huyện Chương Mỹ cũng rất chú trọng đến điều này.
Trong năm 2019, lãnh đạo TANDTC triển khai nhiệm vụ công tác, nhấn mạnh 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử. Cùng với các địa phương trong cả nước, chúng tôi sẽ quán triệt tinh thần này để triển khai trong đơn vị.
Qua hai tháng đầu tiên thực hiện thí điểm hòa giải, chúng tôi đã củng cố bộ máy các hòa giải viên, các thư ký trung tâm, chuẩn bị cơ sở vật chất, chỗ ngồi, phòng làm việc. Các vụ án trung mà tâm hòa giải vừa qua đã đạt kết quả tương đối cao. Tôi nghĩ đây là mô hình tốt, nếu mô hình này thực hiện thành công và sau này quy định thành luật thì sẽ góp phần giảm tải công việc Tòa án; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Nga: Quyết tâm thực hiện 14 giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử
Trong năm vừa qua TAND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện quyết liệt song vẫn chưa đạt yêu cầu bởi vì án hành chính không đạt tỉ lệ, mặc dù chúng tôi đã giảm tối đa án hủy/sửa. Trong năm 2019, chúng tôi sẽ tập trung giải quyết án hành chính dân sự tại cấp tỉnh, vì đây đang là khó khăn, vướng mắc nhất trong năm 2018. Vừa qua TANDTC đã tăng cường 2 Thẩm phán trung cấp về tỉnh, đã góp phần tháo gỡ những khó khăn. Bên cạnh đó, TAND tỉnh Thanh Hóa đã làm việc với Thường trực tỉnh ủy để ban hành công văn chỉ đạo UBND các cấp phối hợp tốt hơn nữa với TAND tỉnh để giải quyết án hành chính, dân sự tại cấp tỉnh.
Năm 2018 là năm đầu tiên TAND tỉnh Thanh Hóa thành lập được tổ hành chính tư pháp, có quy chế và tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên theo tôi trong thời gian tới TANDTC vẫn cần có quy chế về hoạt động của bộ phận này để có thể thống nhất trong cả nước.
Về phiên tòa rút kinh nghiệm, TAND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên trong năm 2019, TAND tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục triển khai, yêu cầu tất cả các huyện phải gửi thông báo các phiên tòa rút kinh nghiệm cho TAND tỉnh để TAND tỉnh có thể theo dõi trên truyền hình trực tuyến phiên tòa.
Trong năm 2019, chúng tôi sẽ thực hiện quyết liệt hơn, và tìm mọi biện pháp để cụ thể hóa 14 giải pháp đó tại đơn vị của mình, làm sao cho phù hợp với tình hình đơn vị, quyết tâm giành được cờ thi đua của TANDTC.
Chánh án TAQS Quân khu 2 Lê Thành Nam: Thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết về công tác thi đua khen thưởng
Trong Luật Tổ chức TAND đã quy định rất rõ về các chức danh tư pháp đối với Thư ký, Thẩm tra viên, Thẩm phán có ngạch là sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Theo đó, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ làm công tác Tòa án học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ của mình thông qua thi nâng ngạch các chức danh này.
Tuy nhiên, cán bộ làm công tác Tòa án với áp lực rất cao nên cần được quan tâm hơn nữa để họ toàn tâm, toàn ý vào công việc; có cơ cở trong việc giải quyết tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, trong những năm qua, TAQS Quân khu 2 đã thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về công tác thi đua khen thưởng; trong năm 2019 chúng tôi cũng xác định rằng chấp hành những quy định này và triển khai một cách nghiêm túc trong các TAQS. Trên cơ sở triển khai này, chúng tôi cũng phát động trong TAQS với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình cao nhất của các cán bộ, đảng viên dựa trên cơ sở của các chủ đề TANDTC và quân đội đã phát động. Chúng tôi cũng giáo dục cho cán bộ, nhân viên với tinh thần cao nhất để thực hiện, hoàn thành tốt, đạt thành tích cao trong năm 2019.