Con em bướng quá”, “cháu không biết nghe lời” là những câu than phiền chúng ta vẫn thường nghe thấy trong cuộc sống.
Tuy nhiên cha mẹ không biết rằng một đứa trẻ bướng bỉnh, không biết nghe lời chính là kết quả từ những ứng xử của người lớn hằng ngày. Cha mẹ thường có thói quen và lối suy nghĩ “bé tí thì biết gì” để lớn lên hãy dạy mà không biết rằng ngay từ khi 6 tháng tuổi bé đã hình thành nhận thức và chính lối hành xử của người lớn sẽ tác động tích cực hay tiêu cực đến hành vi của một đứa trẻ khi lớn lên.
Từ 6 tháng tuổi bé có thể bắt đầu học hành vi
Theo nghiên cứu của GS.BS. Gardner, ĐH Oxford, Anh Quốc, cho thấy, các bé từ 6 tháng tuổi có thể bắt đầu học hành vi, hầu hết các bé trước 5 tuổi đều bắt chước, nắm bắt thành thạo hành vi của cha mẹ và có thể hiểu được hành vi tốt hay xấu nếu được dạy đúng cách.
GS. Gardner còn nhấn mạnh, việc giáo dục hành vi trước 5 tuổi là một điều quan trọng vì một số hành vi nền tảng trong tính cách bé sẽ được hình thành, phụ thuộc vào mức độ tình huống diễn ra, và tính cách này sẽ tồn tại đến khi bé trưởng thành đặc biệt là hành vi ứng xử của mẹ (người chăm sóc) và cách xử lý tình huống của cha mẹ (người chăm sóc) sẽ ảnh hưởng đến hành vi của bé trước 5 tuổi.
Bác sỹ Gardner cho biết, mọi hành vi xấu hoặc tốt của cha mẹ (người chăm sóc bé) sẽ được bé tiếp thu không chọn lọc và bắt chước cực kì chính xác. Thời điểm học hỏi nhanh là khi bé bước qua 10 tháng tuổi. Bé có thể nhìn vào nét mặt (mắt và chân mày bạn) để đoán hành vi của bạn.
Trong việc hình thành hành vi nhận thức, mặc dù bạn nói “không” với một món đồ nào đó, nhưng bé vẫn tiếp tục đòi, thậm chí nằm lăn ra sàn hoặc đập đầu ăn vạ, và bạn để bé không khóc đã “thỏa hiệp”, lấy món đồ đó đưa cho bé đó là hành vi sai lầm.
Trong tình huống này, GS.BS. Penny, Trung tâm phát triển hành vi trẻ nhỏ Anh Quốc khuyên cha mẹ:”Khi đã nói “không” với bé, bạn nên cất món đồ đó đi (ra khỏi tầm mắt bé) và khuôn mặt bạn nghiêm túc nhưng đừng quát tháo bé. Điều này làm bé hiểu điều bạn nói với hành vi dứt khoát của bạn. Tất nhiên khi bạn làm thế bé sẽ khóc liền ngay sau đó (mà không đòi nữa), bạn nên để bé khóc 1, 2 phút sau đó hướng bé đến món đồ chơi khác hoặc hoạt động khác, điều này giúp bé hiểu được rằng hành vi vòi vĩnh không phải là một hành vi đúng”.
Hãy dạy bé chịu trách nhiệm và biết tự chủ
Rèn luyện tính tự chủ và chịu trách nhiệm cho bé cũng cần phải có sự hành xử đúng đắn của cha mẹ. Khi bé chạy bị ngã hoặc đụng trúng đồ vật nào đó làm bé ngã, bé bắt đầu khóc và khóc to hơn khi thấy bạn gần đó.
Trong tình huống này bạn không nên chạy đến bế bé dậy và “đánh chừa” vào vật dụng làm bé ngã. Bạn xử lý như vậy làm sai lầm bởi đây là một cách dạy đổ lỗi công khai cho người khác, bé sẽ hiểu rằng bé không bao giờ sai.
Đừng nghĩ rằng cách xử lý tình huống thế này là vô hại, đó là cách dạy cho bé hành vi thiếu tự tin trong các tình huống của cuộc sống. Trẻ em dưới 5 tuổi cần sự khuyến khích yêu thương của cha mẹ nhưng không phải ở dạng bé luôn được bảo vệ.
Trong tình huống này GS. Kelly, chuyên gia phân tích não bộ Baby Center (Mỹ) khuyên bạn hãy đến bên bé ngay khi bé ngã, nhưng tạo cho bé có thời gian để tự đứng dậy (2-3 phút), dùng lời nói khuyến khích bé đứng hoặc ngồi dậy.
Nếu bé vẫn không ngồi dậy thì bạn đến đỡ bé dậy, cố để bé dùng lực bản thân để ngồi dậy. Khi bé ngồi dậy, bé thường chỉ vào vật dụng làm bé ngã hoặc khóc lớn hơn. Bạn không để ý đến vật dụng bé chỉ, mà xoa dịu bé để bé không khóc. Khi bé dừng khóc, bạn dẫn bé (không bế bé) đến bên cái ghế và nói với bé với khuôn mặt nghiêm nghị: "lần sau con đi/chạy nhớ chú ý đến cái ghế nằm đây nhé, nếu không chú ý, con lại bị ngã đau nữa".
Làm tốt 2 điều này sau 1 vài lần, bạn sẽ ngạc nhiên là tại sao: bé bạn khi té chỉ khóc 1-2 tiếng và tự đứng dậy, bé cũng ít nhõng nhẽo hơn vì bé đã học được hành vi tự điều chỉnh cảm xúc cho bản thân của bé.