Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế: Nhiều mục tiêu vượt kỳ vọng

T.Nhi| 12/10/2020 16:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đã có 14/ 22 mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế được giao tại Nghị quyết 24 hoàn thành và dự kiến hoàn thành. Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra.

5 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể theo dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, đã có 14/ 22 mục tiêu về cơ cấu lại nền kinh tế được giao tại Nghị quyết 24 hoàn thành và dự kiến hoàn thành. Trong đó, 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra và 3/5 mục tiêu này thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách.

Bao gồm: Mục tiêu quy mô nợ công giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 56 - 57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP. Thứ hai là quy mô nợ Chính phủ giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%. Mục tiêu thứ ba là dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14% vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP. (Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng đã nâng mục tiêu này lên 45% GDP vào năm 2020).

ds

Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đạt nhiều thành quả

Trong số 7 mục tiêu không hoàn thành, có 2 mục tiêu là tỷ lệ bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đến năm 2019 đã hoàn thành. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã khiến nợ xấu gia tăng, thu ngân sách nhà nước (NSNN) có khả năng giảm trong khi chi NSNN tăng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, dẫn đến 2 mục tiêu này có khả năng không hoàn thành.

Nhìn chung có thể thấy nhiệm vụ cơ cấu lại NSNN, khu vực công được giao tại Nghị quyết 24 đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cơ cấu NSNN thay đổi tích cực về quy mô, cơ cấu thu, chi. Quy mô thu NSNN được cải thiện, cơ cấu thu bền vững hơn. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu NSNN đạt khoảng 24,36% GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 23,96% GDP), trong đó tỷ trọng thu nội địa tiếp tục được cải thiện, bình quân 5 năm 2011 - 2015 là 68,7%; năm 2016 là 80,5%; cập nhật 3 năm 2017 - 2019 là 81,08%.

Về nợ công, an toàn nợ công được đảm bảo và giảm áp lực trả nợ lên NSNN với nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ. Cụ thể như kéo dài kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ, giảm lãi suất huy động, tăng tỷ trọng vay trong nước được thực hiện.

Để tiếp tục cơ cấu lại ngân sách, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 trong đó bao gồm mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ theo hướng thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 để đảm bảo an toàn nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách, tạo dư địa tài khóa để ứng phó với nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, với rủi ro thị trường hay cú sốc vĩ mô trong bối cảnh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế: Nhiều mục tiêu vượt kỳ vọng