Đầu tư ESG - Sự lựa chọn “không thể thua” trước đại dịch COVID-19

Trang Nhi| 16/07/2021 10:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

"Bạn sẽ không thể thua khi nắm trong tay một rổ các tài sản là cổ phiếu của các công ty phát triển theo hướng bền vững (ESG). Sẽ có thêm cả nghìn tỷ USD đổ vào loại tài sản này. Nếu không có gì bất thường, giá của chúng sẽ tăng lên".

Đó là nhận định của ông Piyush Gupta, CEO ngân hàng lớn nhất Singapore DBS tại Hội nghị CNBC Evolve Global Summit.

Nhiều quỹ đầu tư tại Việt Nam tiên phong áp dụng ESG

Sự phát triển nhận thức về các vấn đề mang tính hệ thống như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng… đã thúc đẩy xu hướng đầu tư theo tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) hay đầu tư bền vững trong những năm gần đây, nhất là từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

esg-1.jpeg
 ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G)

Thực tế trên thế giới, các chính sách và hoạt động ESG là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên giá trị lâu dài của doanh nghiệp. Thông tin ESG rất quan trọng để nắm bắt và hiểu rõ hơn về quản trị, chiến lược và chất lượng quản lý của doanh nghiệp. Đây cũng là lý do chính khiến các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp hướng đến và ESG nhanh chóng trở thành xu hướng, nhất là khi có những nghiên cứu chỉ ra rằng, quản trị công ty tốt có liên quan tới kết quả hoạt động tốt.

Đại dịch COVID-19 thậm chí còn đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp gần đây cũng quan tâm nhiều hơn đến ESG, không chỉ bởi các quy định của luật pháp, mà còn bởi đó chính là xu hướng và thông lệ tốt trên thế giới. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thậm chí đã bắt đầu truyền thông rộng rãi khái niệm này từ cách đây 10 năm. Tundra Frontier, quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường cận biên cũng tập trung vào đầu tư ESG ngay từ khi thành lập. Mới đây nhất, Quỹ AFC Vietnam Fund thông tin sẽ bắt đầu áp dụng tám tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp kể từ năm 2021. Dragon Capital đã cải tiến chính sách ESG và phát triển khung đánh giá ESG mới dành cho các công ty niêm yết. Quỹ thành lập bộ phận chuyên môn về ESG, các chuyên viên phân tích thường xuyên theo dõi các công ty trong danh mục đầu tư, cập nhật danh sách kiểm tra và xếp hạng ESG…

Với kỳ vọng tạo ra một thước đo mới cho thị trường chứng khoán, chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index – VNSI) được Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) chính thức giới thiệu vào tháng 7/2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực thành ESG tốt nhất. Theo kết quả công bố của HoSE, năm 2020, Vinamilk là công ty hiện đạt tổng điểm ESG 90%, cao hơn 58% so với điểm trung bình ngành, đồng thời cao gấp rưỡi các doanh nghiệp thuộc VN100.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các công ty quan tâm đến ESG thường tạo ra kết quả vượt trội so với đối thủ cạnh tranh trong dài hạn. Những lợi ích của việc thực hiện tốt ESG bao gồm giảm chi phí vốn, giảm thiểu rủi ro kinh doanh, tăng cường vị thế cổ đông, cơ hội tiếp cận nguồn vốn dài hạn, nâng cao hiệu quả hoạt động và danh tiếng doanh nghiệp…

ESG - Khoản đầu tư có giá trị trước COVID-19

Kể từ khi Việt Nam có ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 2/2020 và đợt bùng phát dịch lần thứ 4, diễn biến của dịch bệnh hết sức khó lường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp về vấn đề tài chính, dự báo, nguồn cung ứng, nhân lực, thị trường, thậm chí là khả năng hoạt động liên tục. Tất nhiên, COVID-19 cũng ảnh hưởng đến các hoạt động ESG của nhiều doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Ðiều hành Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) từng chia sẻ, mức độ ảnh hưởng của COVID-19 đến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ESG thấp hơn so với các doanh nghiệp khác. Chỉ số này bao gồm cổ phiếu của các công ty có điểm phát triển bền vững cao nhất được niêm yết trên HOSE.

esg-2.jpeg
Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư theo tiêu chí ESG.

Thực tế hoạt động tại một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiết yếu cho thấy, trong thời kỳ COVID-19, các thủ tục thông quan khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài tăng lên, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng lên. Tuy nhiên, nhờ sự đầu tư đúng hướng vào hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhãn mác sản phẩm cũng như đảm bảo nền kinh tế tuần hoàn từ trước khi COVID-19 xuất hiện, nên doanh nghiệp này không gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa.

Đa số các nhà lãnh đạo đều thừa nhận rằng ESG là một đòn bẩy cho sự chuyển đổi cùng với các đòn bẩy khác như số hóa và quốc tế hóa. Ngày càng nhiều DN điều chỉnh chiến lược đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu giảm lượng khí thải, tăng khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng với sự gián đoạn do biến đổi khí hậu hoặc đại dịch trong tương lai. Ngoài ra, các công ty đang sử dụng các tiêu chí ESG không chỉ để đánh giá rủi ro và xác định các cơ hội tạo ra giá trị mà còn để quản lý danh mục đầu tư.

Ở một diễn biến khác, một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ tài chính đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm, dịch vụ. Theo đó, khách hàng có thể tìm hiểu và mua sản phẩm qua website mà không phải trực tiếp đến quầy giao dịch, qua đó tránh được rủi ro nhiễm bệnh. COVID-19 chính là lý do để doanh nghiệp này thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tốc độ gia tăng tài sản tại các quỹ/công ty ESG sẽ nhanh hơn trong năm 2021. IIF cũng chỉ ra rằng 80% các chỉ số chứng khoán của các quỹ tuân thủ các tiêu chí ESG vượt các chỉ số của các quỹ không tuân thủ ESG trong các đợt bán tháo do đại dịch.

Tập đoàn đầu tư nổi tiếng BlackRock dự báo dòng đầu tư sẽ liên tục chảy vào các tài sản bền vững trong quá trình chuyển đổi dài hạn hướng tới một thế giới ít ô nhiễm hơn.

Có thể nói, ESG trở thành một công cụ hiệu quả góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi của khu vực, sang các hoạt động bền vững hơn. Trên cơ sở định hướng phân loại tiêu chuẩn ESG, các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ lương hưu và kế toán hướng tới thực thi các tiêu chuẩn toàn cầu dựa trên các khuôn khổ, nguyên tắc và thực tiễn tốt nhất.

ESG tập trung vào ba yếu tố chính gồm: Môi trường (E), Xã hội (S), Quản trị công ty (G). Tiêu chí Môi trường xem xét các khía cạnh về năng lượng, chất thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phúc lợi động vật… Tiêu chí Xã hội xem xét công ty trong các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu, mong đợi của các bên liên quan như: Quan hệ với cộng đồng, quan hệ với đối tác, nhà cung cấp, khách hàng… cùng các khía cạnh về điều kiện làm việc và an toàn sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên. Tiêu chí Quản trị đánh giá về phương pháp kế toán, tính minh bạch và quyền lợi biểu quyết của cổ đông trong các vấn đề quan trọng, quản lý xung đột lợi ích…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư ESG - Sự lựa chọn “không thể thua” trước đại dịch COVID-19