Đầu tư cho ngư dân: Góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Phương Nam| 06/06/2014 14:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tàu nhỏ thô sơ, thiếu trang thiết bị, máy móc, những khó khăn đó đã khiến ngư dân gặp nhiều trở ngại, nguy hiểm khi bám biển, đặc biệt là khi bị tàu Trung Quốc ngăn cản, đâm húc.

Việc đầu tư cho ngư dân bám biển không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Đột phá trong chính sách tín dụng

 

Sự việc tàu ĐNa 95102 bị tàu Trung Quốc đâm chìm khi đang đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận những ngày gần đây. Trên thực tế, chiếc ĐNa 95102 chỉ là chiếc tàu bị đâm mới nhất chứ không phải duy nhất. Nhiều tàu cá của Việt Nam đã bị tàu của Trung Quốc to lớn, vững chắc hơn hung hăng đâm húc. 

 

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 117.000 tàu cá, trong đó tàu có công suất trên 90 CV chiếm hơn 23,1%; thành lập 3.750 tổ, đội sản xuất trên biển với trên 145.000 lao động. Lực lượng này đã góp phần đáng kể trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, có đến 99% số tàu là vỏ gỗ, trang bị thô sơ.

 

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết cho biết, dự thảo về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Bộ NN-PTNT gấp rút soạn thảo và xin ý kiến các bộ ngành, địa phương ven biển và ngư dân. Về điều kiện cho vay, ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần sẽ được sử dụng chính những tài sản này để thế chấp vay vốn. Về vốn vay đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, ngư dân được vay đến 90% tổng giá trị con tàu trong 10 năm, đóng tàu vỏ gỗ là 70% (gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong 7 năm. “Lãi suất dự kiến sẽ chỉ 3%/năm và thời gian ân hạn 1 năm, còn lại ngân sách trung ương, địa phương sẽ hỗ trợ phần lãi suất chênh lệch” - ông Tuấn cho biết.

 

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các ngân hàng thương mại có thể dành ra một nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay đến ngư dân từ phía ngân hàng khoảng 5%, ngoài ra Chính phủ sẽ hỗ trợ thêm 2%. Nghĩa là ngư dân chỉ phải trả 3%, ngoài ra chính quyền địa phương các cấp, từ nguồn ngân sách của mình có thể hỗ trợ thêm cho ngư dân trong tỉnh mình thêm nữa thì sẽ càng tạo điều kiện hơn cho ngư dân.

 

Đầu tư cho ngư dân: Góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tàu đánh cá vỏ thép lưới rê do Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (SBIC) đóng

 

Tất cả các con tàu đóng mới này đều được bảo hiểm. Chính phủ sẽ hỗ trợ 70% chi phí bảo hiểm cho ngư dân. Ngoài chủ trương chung như vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu đối với các mô hình có thể quản lý tốt, thì có thể cho ngư dân vay đến 0% lãi suất. 

 

Ông Bình hy vọng rằng, với tình hình diễn biến trên Biển Đông hiện nay cũng như với sự nỗ lực của các Bộ, ngành thì nghị định này sẽ sớm ra đời để có thể trực tiếp giải ngân được đến ngư dân. “Chúng tôi khẳng định rằng nguồn vốn đó đã sẵn sàng và có thể giải ngân bất cứ lúc nào khi có đầy đủ cơ sơ pháp lý của Chính phủ” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

 

Về phía các ngân hàng thương mại, gần đây đã có những hành động cụ thể hỗ trợ ngư dân và đội tàu đánh cá. Ngày 30/5, Chi nhánh Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tại Quảng Ngãi (Vietcombank Quảng Ngãi) và Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá tiếp cận nguồn vốn vay tại Vietcombank Quảng Ngãi giai đoạn 2014 - 2018. Chương trình được thực hiện với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 3.000 đoàn viên của 7 nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh và các ngư dân của Quảng Ngãi tiếp cận với nguồn vốn vay của Vietcombank Quảng Ngãi được nhanh gọn, thuận lợi hơn, giúp đoàn viên các nghiệp đoàn đóng mới, hoán cải, nâng cấp, sửa chữa tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ và trang trải phí tổn cho các chuyến đi biển kịp thời, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Từ giữa năm 2012 đến cuối tháng 5/2014, doanh số cho vay phát triển kinh tế biển của Vietcombank tại Quảng Ngãi đạt trên 310 tỉ đồng. 

 

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hôm 3/6 đã công bố chương trình tín dụng 3.000 tỉ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm hỗ trợ chủ tàu là ngư dân, doanh nghiệp để đóng/mua mới, cải hoán, nâng cấp tàu công suất lớn để khai thác, cung cấp dịch vụ hậu cần đánh bắt hải sản xa bờ. Lãi suất cho vay đối với trung dài hạn BIDV đề xuất là 2%/năm, ân hạn trong năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm (tính từ ngày giải ngân đầu tiên); Đối với vay vốn lưu động lãi suất là 5%/năm.

 

Dành nguồn lực tài chính cho ngư dân

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội dự kiến dành 16.000 tỷ đồng cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân để đáp ứng tình hình hiện nay. Tại diễn đàn Quốc hội, có ý kiến đề xuất, Nhà nước cần chủ động đóng tàu sắt công suất lớn đúng tiêu chuẩn rồi giao cho ngư dân, coi như đó là một khoản đầu tư công. Có đại biểu đề nghị bớt mua sắm, chi tiêu công, cắt giảm tối đa các buổi họp hành, tiếp khách, ăn uống, đi lại không cần thiết bằng tiền ngân sách để dành tiền đầu tư cho ngư dân. Theo tính toán, tiền mua sắm 1.700 chiếc xe công trong năm 2012 đủ để đóng cả hạm đội tàu sắt cho ngư dân vươn khơi. 

 

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: Với tình hình như hiện nay, những tác động về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước chưa phải là vấn đề lớn phải bàn. Tuy nhiên để giữ vững chủ quyền của đất nước, chúng ta đang đặt ra nhiều vấn đề như đóng tàu cho kiểm ngư, cảnh sát biển, hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt hải sản đồng thời để khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa và Hoàng Sa.

 

Đầu tư cho ngư dân: Góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo

Lính đảo Trường Sa đi tuần tra

 

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp Chính phủ trình Quốc hội cho phép điều chỉnh tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên mức tối đa là 195.000 tỷ đồng để: bù hụt thu ngân sách TW 2013, thưởng các địa phương có vượt thu ngân sách 2013 và hỗ trợ bù hụt thu cho các địa phương không đạt dự toán, phần còn lại để hỗ trợ ngư dân đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ, bổ sung nguồn kinh phí cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển. Đấy là những vấn đề trước mắt.

 

Theo ông Thụ, đầu tư cho biển đảo chắc chắn là vấn đề lớn, phải giải quyết nhiều năm. Trong tài khóa của những năm tới phải tiếp tục tính toán, cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và giữ vững chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Trong điều kiện thu ngân sách năm 2013 và 2014 gặp khó khăn, nợ công tiếp tục gia tăng, việc dành ra 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân, đóng tàu cho lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển là một nỗ lực rất lớn.

 

Ông Thụ đồng tình với đề xuất Nhà nước bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho ngư dân tương tự bảo hiểm đối với cây lúa đang được thí điểm. Có thể, Nhà nước sẽ bỏ ra 40-80% số tiền mua bảo hiểm, số tiền còn lại là do ngư dân bỏ ra. Chính sách này rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay, vì vừa giúp ngư dân yên tâm bám biển do giảm được rủi ro, vừa giảm được thiệt hại cho xã hội nếu không may có rủi ro xảy ra.

 

Về ý kiến của một số đại biểu đề nghị điều chỉnh nguồn đầu tư từ những dự án, công trình chưa cần thiết để chuyển cho lĩnh vực quốc phòng an ninh, ông Bùi Đức Thụ cho rằng: Điều chỉnh cắt giảm chi đầu tư phải cân nhắc vì nhiều năm qua chúng ta đã rà soát, điều chỉnh chi đầu tư và thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng, khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn. Ngân sách năm 2014 vừa được thực hiện nên việc điều chỉnh ngay sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn. Nhiều dự án công trình đã đầu tư phải kéo dài thời gian, kém hiệu quả. Đầu tư cho lực lượng chấp pháp trên biển và hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ là cấp thiết, nhưng việc triển khai thực hiện chắc chắn không thể trong một thời điểm mà phải có lộ trình.

 

 

Tại hội nghị phát triển thuỷ sản ở Đà Nẵng gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chủ trương hoán đổi tàu cá vỏ sắt thay thế tàu vỏ gỗ cho 3.000 tàu cá đầu tiên trong tổng số hơn 130.000 tàu cá của cả nước. Tổng số vốn đầu tư cho đóng 3.000 tàu cá vỏ sắt đầu tiên là 10.000 tỷ đồng. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho ngư dân: Góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo