Đâu là lý do khiến Boeing B787 Dreamliner là niềm tự hào của Boeing?

Đức Cương| 08/12/2019 11:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Dòng máy bay Boeing 787 Dreamliner ra đời được ví như một cuộc cách mạng trong lịch sử hàng không, tăng cảm giác thoải mái cho hành khách và nhiều giải pháp thân thiện với môi trường.

Trong đó, phiên bản 787-9 Dreamliner là một trong những “niềm tự hào” của tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới này.

Hoàn cảnh ra đời

Cuối những năm 1990, do dòng Boeing 767 và 747-400 không đạt được doanh số như kỳ vọng, Tập đoàn Boeing đã đề xuất 2 mẫu máy bay mới gồm: 747X - phiên bản kéo dài thân của 747-400 với hiệu suất cải tiến, và Sonic Cruiser - mẫu máy bay với lượng nhiên liệu tiêu thụ tương đương Boeing 767 nhưng có khả năng đạt được tốc độ cao hơn 15% (xấp xỉ 0,98 Mach). Sonic Cruiser khi đó đã nhận được sự ủng hộ của nhiều hãng hàng không tại Mỹ dù chi phí vận hành cao hơn.

Tuy nhiên, vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ cùng tình trạng giá dầu tăng cao đã khiến các hãng hàng không quan tâm hơn tới hiệu quả nhiên liệu, thay vì tốc độ máy bay. Dòng Sonic Cruiser cũng trở nên kém hấp dẫn hơn. Do đó, Boeing đã hủy dự án Sonic Cruiser vào tháng 12/2002 và chuyển sang dự án khả thi hơn vào tháng 1/2003, mang tên 7E7 - tên gọi ban đầu của Boeing 787 Dreamliner.

Chữ “E” được Boeing giải thích là E = Eight (số 8). Tháng 7/2003, Boeing đã tổ chức một cuộc thi đặt tên cho dự án 7E7, và Dreamliner chính là cái tên được lựa chọn qua 500.000 lượt bình chọn online.

Cải tiến về chất liệu và thiết kế

Một trong những điểm hấp dẫn đầu tiên của 787 Dreamliner là nó được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu nhẹ, gồm 50% là vật liệu composite, 20% nhôm, 15% titanium, 10% thép và 5% hỗn hợp. Nhôm được dùng cho cánh, rìa tiến cánh đuôi ngang; titan dùng cho động cơ và các thành phần gia cường; thép được sử dụng ở nhiều khu vực khác nhau.

Đâu là lý do khiến Boeing B787 Dreamliner là niềm tự hào của Boeing?

 Thiết kế ban đầu của Boeing 787 Dreamliner

787 Dreamliner là chiếc máy bay đầu tiên có thân, cánh và nhiều thành phần trong khung máy bay làm bằng vật liệu composite. Mỗi chiếc 787 chứa đến 35 tấn polymer gia cường sợi carbon (CFRP) trong đó dùng đến 23 tấn sợi carbon. Đồng thời, dòng máy bay này cũng nhẹ hơn nhờ vật liệu tổng hợp sợi carbon có tỉ lệ độ cứng-trọng lượng cao hơn so với các vật liệu chế tạo máy bay thông thường.

Boeing 787 Dreamliner có thiết kế mũi thoai tròn, đầu cánh vuốt cong hướng lên. Máy bay sử dụng 2 mẫu động cơ mới: Trent 1000 của Rolls-Royce và General Electric GENx. 787 Dreamliner tiết kiệm hơn 20% nhiên liệu so với máy bay cùng cỡ là 767 và được lắp đặt các thiết bị giảm tiếng ồn.

Layout ghế có thể được sắp xếp theo nhiều kiểu, nhìn chung đều có 3 dãy ghế nhưng thiết lập ghế mỗi hàng có thể khác nhau. Hạng ghế khoang hạng nhất và doanh nhân có thể thiết lập theo sơ đồ 1-2-1, 2-2-2 hoặc 2-3-2. Hạng ghế phổ thông có các tùy chọn thiết lập như 3-2-3, 2-4-2 hoặc 3-3-3. Máy bay có sức chở từ 210-330 hành khách.

Theo thống kê của Boeing, kể từ khi được đưa vào hoạt động năm 2011, gia đình 787 Dreamliner đã khai thác hơn 1.900 đường bay trên toàn cầu. Nhờ sự xuất hiện của dòng máy bay này, thế giới đã có thêm tới 235 đường bay đơn chặng mới.

Khi Boeing nhận giải thưởng Collier Troppy 2011 cho sự đổi mới trong ngành hàng không và du hành vũ trụ Mỹ, đại diện Hãng từng chia sẻ: “787 đã thay đổi cách con người di chuyển bằng đường hàng không một cách ngoạn mục, đây chính là dòng máy bay nổi bật nhất của năm”.

Boeing 787-9 Dreamliner

Nằm trong số các thành viên tân tiến và hiện đại nhất của gia đình 787, Boeing 787-9 Dreamliner là máy bay thân rộng với độ linh hoạt và động cơ đôi rất lớn. Với chiều dài 63m (dài hơn 6m so với 787-8 Dreamliner), chiều cao 17m và độ dài sải cánh 60m, máy bay có thể chở tới 296 hành khách trên quãng đường 7.530 dặm (13.950 km) – xa hơn so với khoảng cách 6.345 dặm (11.750km) của Boeing 787-10.

Boeing 787-9 Dreamliner có cửa sổ lớn hơn nhiều so với các máy bay chở khách khác. Ghế hạng Thương có thể ngả thành giường, mang đến sự thoải mái tối đa trong chuyến bay. Đây cũng là dòng máy bay thân rộng được rất nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới khai thác như: United Airlines, Air Canada, British Airways, Quatas, Japan Airlines, Thai Airways…

Đâu là lý do khiến Boeing B787 Dreamliner là niềm tự hào của Boeing?

Máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của British Airways

Nhằm vụ phục kế hoạch mở rộng mạng bay và cung cấp dịch vụ bay đẳng cấp tới hàng triệu khách hàng trong nước và quốc tế, tháng 12/2019, hãng hàng không Bamboo Airways sẽ đón máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner đầu tiên tại sân bay quốc tế Nội Bài. Sự kiện được kì vọng mở màn cho loạt máy bay thân rộng sẽ liên tục gia nhập đội bay của Hãng vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, đưa Bamboo Airways chính thức trở thành hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam khai thác máy bay thân rộng.

Thông tin thêm về lộ trình này, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways cho biết đến tháng 1/2020, Bamboo Airways sẽ vận hành 4 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, trong đó có 2 máy bay thuộc thỏa thuận với Boeing.

Đâu là lý do khiến Boeing B787 Dreamliner là niềm tự hào của Boeing?

Bamboo Airways đón Boeing 787-9 Dreamliner trong tháng 12/2019

Dự kiến, Boeing 787-9 Dreamliner trong thời gian đầu sẽ được Bamboo Airways điều phối khai thác trên các đường bay nội địa như Hà Nội – TP.HCM và Hà Nội/TP.HCM – Đà Nẵng. Trong thời gian tiếp theo, đây sẽ là dòng máy bay chủ lực khai thác các đường bay tầm trung và dài của Bamboo Airways tới châu Á, châu Âu, châu Mỹ, kết nối các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Séc, Úc, Mỹ...

Boeing 787-9 Dreamliner đáp ứng lý tưởng các yêu cầu về dịch vụ định hướng 5 sao mà Bamboo Airways đề ra, đồng thời phù hợp hơn cho các chặng bay đường dài mà chúng tôi đang xây dựng, bao gồm cả các đường bay vượt châu lục”, ông Đặng Tất Thắng nói.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đâu là lý do khiến Boeing B787 Dreamliner là niềm tự hào của Boeing?