Đất và người Hải Phòng trước thế kỷ XX

Việt Dũng| 08/05/2015 14:21
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hải Phòng được hình thành trên miền đất cổ, với nền tảng lịch sử văn hóa – xã hội lâu đời. Ngày nay, phần lớn vùng đất Hải Phòng thuộc trấn Hải Dương và một phần thuộc trấn Quảng Yên xưa.

Trên đất Hải Phòng các nhà khảo cổ học đã phát hiện 4 di chỉ tiêu biểu xuyên suốt thời tiền sử, chứng minh sự có mặt liên tục của người Việt cổ gồm: Di chỉ Cái Bèo (huyện Cát Hải) thuộc văn hóa tiền Hạ Long; di chỉ Tràng Kênh (thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên) thuộc văn hóa Phùng Nguyên; di chỉ Việt Khê (Thủy Nguyên) và Núi Vui (An Lão) thuộc văn hóa Đông Sơn.

Đất và người Hải Phòng trước thế kỷ XX

Sông Tam Bạc xưa

Như vậy, cách đây hàng ngàn năm trên đất Hải Phòng đã có con người sinh sống. Khi nhà nước Văn Lang thành ra đời, vùng đất Hải Phòng thuộc bộ Thanh Tuyền (một trong 15 bộ của nước Văn Lang) đã có cư dân sinh sống khá đông đúc. Trong quá trình hình thành cộng đồng dân cư, Hải Phòng nổi lên hai cuộc hội cư lớn: một vào thế kỷ thứ X (sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938) và một vào đầu thế kỷ XX.

Khi cộng đồng dân cư hình thành và ổn định thì văn hóa làng xã của Hải Phòng phát triển. Theo đó, Hải Phòng có nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như: Tháp Tường Long; chùa Vân Bản; đình Hàng Kênh; đình Kiền Bái; đình Cung Chúc, đình Đôn Lương, đình Gia Lộc, đề Nghè; miếu Cựu Điện; chùa Dư Hàng; chùa Hòa Ly; chùa Mỹ Cụ…Không những vậy, Hải Phòng còn là địa phương bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian phi vật thể như, nghệ thuật múa rồi rối nước, rối cạn (Đồng Minh, Vĩnh Bảo); hát Đúm (Phục Lễ, Thủy Nguyên); chọi Trâu (Đồ Sơn)…

Tính đến đầu thề kỷ XX, vùng đất Hải Phòng có gần 100 vị thi đỗ đại khoa, trong đó tiêu biểu là: Lê Ích Mộc (Thủy Nguyên) thi đỗ Trạng Nguyên khoa Nhâm Tuất (năm 1502); Trần Tuất Văn (An Lão) thi đỗ Trạng Nguyên khoa Bính Tuất (năm 1926); Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo) đỗ trạng nguyên khoa Ất Mùi (năm 1535).

Nằm ở vị trí chiến lược, quan trọng đối với việc bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc, do vậy trên vùng đất Hải Phòng đã từng diễn ra những trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) chống quân xâm lược Nam Hán, dưới sự lãnh đạo của người Anh hùng dân tộc Ngô Quyền và cuộc chiến đánh tan quân xâm lược Nguyên – Mông (năm 1288) do Trần Hưng Đạo chỉ huy.

Năm 1872, thực dân Pháp đánh chiếm vùng đất Ninh Hải (TP. Hải Phòng ngày nay) và từ sau Hiệp ước Giáp Tuất (năm 1874) đến năm 1888 có thể được coi là thời kỳ đặt nền móng hình thành thành phố Hải Phòng. Vào thời gian đó, hải cảng, nhà cửa, phố xá, công sở được xây dựng, đại diện các hãng vận tải, hãng thương mạim các công ty tư bản lớn đã có mặt tại Hải Phòng. Cảng Hải Phòng hoạt động nhộn nhịp, đông đúc bởi tàu, thuyền nước ngoài; hoạt động xuất nhập khẩu tăng nhanh; cơ sở hạ tầng, thiết chế chính trị ban đầu cho một đô thị đã thành hình.

Do đó, ngày 19/11//1887, tỉnh Hải Phòng được thành lập, gồm một số huyện (cơ bản như hiện nay) của tỉnh Hải Dương. Năm 1888, TP. Hải Phòng được thành lập là đô thị loại I như Hà Nội và Sài Gòn. Đến tháng 1/1898, TP. Hải Phòng tách khỏi tỉnh Hải Phòng, tỉnh Hải Phòng đổi tên thành Phù Liễn (sau là Kiến An). Vua Đồng Khánh đã ký Đạo dụ chính thức chuyển Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng và Đà Nẵng là “nhượng địa” đặt dưới quyền cai trị củ thực dân Pháp.

Theo đó, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, công cuộc đô thị hóa Hải Phòng diễn ra nhanh chóng, dân số tăng nhanh. TP. Hải Phòng cùng Cảng Hải Phòng ngày nay được cuốn hút vào thị trường thế giới, trở thành một trung tâm thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải lớn, một địa bàn quân sự trọng yếu.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất và người Hải Phòng trước thế kỷ XX