Trí tuệ nhân tạo hay trí thông minh nhân tạo (AI) là một ngành thuộc lĩnh vực khoa học máy tính (Computer science), là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người. Trí tuệ nhân tạo khác với việc lập trình logic trong các ngôn ngữ lập trình ở việc ứng dụng các hệ thống học máy (machine learning) để mô phỏng trí tuệ của con người trong các xử lý mà con người làm tốt hơn máy tính. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi… AI cũng có thể học hỏi, tự suy nghĩ, sau đó áp dụng những gì học được để thực hiện một việc cụ thể.

ai11.jpg

Công nghệ AI đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống và đang ngày một cho thấy những khả năng khiến chúng ta kinh ngạc. Trong lĩnh vực báo chí truyền thông, việc sử dụng AI ngày càng trở nên phổ biến. Ngay từ đầu, các cơ quan báo chí đã triển khai AI trong bộ phận tiếp thị và phân phối; hay đơn giản hóa các quy trình như chỉnh sửa, định dạng và kiểm tra ngữ pháp trong các bài viết để tạo điều kiện cho các nhà báo và biên tập viên có thêm thời gian để tập trung vào những thứ quan trọng hơn như sản xuất nội dung chất lượng cao… Còn giờ đây, AI có thể tự sản xuất nội dung, tương tác với độc giả và tìm hiểu thông tin người dùng để cá nhân hóa trải nghiệm đọc tin. Các tòa soạn báo có thể tạo ra các bot thông minh để tự động hóa và cá nhân hóa việc tương tác với độc giả. Các bot được sử dụng rộng rãi trong ngành báo chí trực tuyến dưới dạng chatbot. Một bot có thể học ngôn ngữ của con người và trả lời các câu hỏi thay con người. Bot cũng thực hiện nhiều chức năng khác trong quá trình làm báo.

Điển hình, Reuters đã hợp tác cùng Graphiq, sử dụng các thuật toán AI để dự đoán chủ đề tin tức, sau đó thu thập và xử lý dữ liệu, phát triển các sản phẩm nội dung hàng ngày. Trong khi đó, Washington Post đã áp dụng hệ thống Heliograf để sản xuất các tác phẩm báo chí từ dữ liệu có sẵn. Cuối năm 2018, Tân Hoa Xã đã giới thiệu người dẫn chương trình ảo mô phỏng giọng nói, phong cách dẫn chương trình của biên tập viên tin tức Qui Meng. Mặc dù còn nhiều hạn chế về mặt xử lý ngôn ngữ tự nhiên và động tác hình thể nhưng người dẫn chương trình ảo này đã đánh dấu một bước tiến của nhân loại trong việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất và xuất bản các tác phẩm báo chí.

xiameng.jpg
Nữ MC trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình đầu tiên trên thế giới  của Hãng truyền hình Xinhua (Tân Hoa Xã) Trung Quốc

Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định AI là một trong những công nghệ đột phá, mũi nhọn của cách mạng công nghệ 4.0. Từ năm 2014, AI đã được đưa vào danh sách công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Riêng trong lĩnh vực báo chí và truyền thông, theo dự thảo Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí điện tử chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động; 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí...

Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích người dùng diễn ra nhanh, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải có khả năng nắm bắt nhanh và dự báo sớm được tác động của xu thế này trong việc định hướng báo chí và truyền thông trên mạng; các cơ quan báo chí cần nâng cao cảnh giác và thường xuyên kiểm soát các thông tin, bình luận khi tham gia, cập nhật thông tin lên mạng xã hội.

Trích Báo cáo công tác báo chí năm 2021 và phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 do Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm trình bày tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022

Hiện nay, một số cơ quan báo chí lớn như Thông tấn xã Việt Nam, Báo Lao Động, Báo Thanh Niên, Báo Dân trí… đã ứng dụng AI để tạo ra các robot đọc bài báo bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Từ năm 2019, Viettel đã hợp tác cùng các đối tác để đưa công nghệ Voice AI Text To Speech (Báo nói) tích hợp với hệ thống báo điện tử, mở rộng thêm mảng báo nói trên nền tảng digital. Theo đó, chỉ cần đầu vào là nội dung văn bản, hệ thống Voice AI của Viettel sẽ tự động giúp các tòa soạn xuất bản báo nói đồng thời cùng với báo viết mà không cần qua bất kỳ bước thu âm hay xử lý âm thanh nào khác. Điều vô cùng thú vị là Viettel Voice AI sử dụng công nghệ học sâu (deep learning) tiên tiến thay vì áp dụng các kỹ thuật truyền thống như HMM (Hidden Markov Model) hay ghép nối các từ... giúp cho giọng đọc tự nhiên, liền mạch đạt điểm MOS 4.5 tương đương giống đến 95% giọng người thật, đa dạng vùng miền Bắc - Trung - Nam, dễ dàng tích hợp với mọi hệ thống. Một trong những yếu tố quan trọng mà giải pháp báo nói của Viettel hướng tới là tính an toàn và "chính xác".

ai1.jpg

Có thể nói, AI đang dần khẳng định vị trí của mình trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội. Thế nhưng, nếu xem qua các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như: Kẻ hủy diệt, Ma trận, Tôi là người máy…, nhiều người chắc hẳn từng đặt ra nhiều câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra một khi máy móc trở nên thông minh hơn và con người không thể điều khiển được chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có trí tuệ vượt con người? AI làm thế nào để chấp nhận cái tốt, loại bỏ cái xấu khi đưa ra quyết định giúp cho con người...? Trong lĩnh vực báo chí, có nên đặt ra vấn đề đạo đức với “nhà báo AI” - những trí tuệ nhân tạo - máy móc - tự động - không cảm xúc?

Tại Hội thảo quốc tế "Đạo đức trong thời đại trí tuệ nhân tạo" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Tiểu ban UNESCO về Khoa học xã hội tổ chức hồi tháng 11/2021, GS-TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), cho rằng, AI có thể làm gia tăng bất bình đẳng xã hội, tạo nên thị trường lao động chia tách, phân mảnh với mức lương quá chênh lệch, làm trầm trọng thêm phân hóa và phân tầng xã hội. Vì vậy, cần phải nhận diện được nội hàm và bản chất của các khái niệm, xem xét AI từ góc nhìn đạo đức, đồng thời gợi mở và đề xuất định hướng chính sách, pháp luật phù hợp nhằm bảo đảm các quy chuẩn đạo đức trong ứng dụng AI ở Việt Nam. Trong khi đó, GS-TS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM), AI không chỉ bắt chước trí tuệ con người mà còn “bắt chước đạo đức”, có cả tốt và xấu. Ở Việt Nam, dữ liệu thông minh dùng ở mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, do vậy cần xây dựng chiến lược dữ liệu, luật dữ liệu, hành lang pháp lý về đạo đức AI và dữ liệu, cùng tuyên truyền giáo dục.

mc-ao.jpg
Bản tin do BTV trí tuệ nhân tạo dẫn chương trình trên báo Lao Động

Cũng tại Hội thảo, ông Mai Phan Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết, UNESCO đã sớm nhận thấy cần phải xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức trong thời đại AI, hỗ trợ các quốc gia xây dựng chính sách để tận dụng lợi thế của AI, đồng thời hạn chế các mặt tiêu cực. UNESCO đang xây dựng dự thảo “Khuyến nghị về đạo đức” trong AI; xác định và nhấn mạnh các giá trị tích cực, các mặt tiêu cực, các nguyên tắc cơ bản của AI, hướng dẫn cho việc phát triển và sử dụng có trách nhiệm các công nghệ AI, nguyên tắc về quản trị, cộng tác, thích ứng, nghĩa vụ của khu vực công và tư. Ở châu Âu, chiến lược phát triển về AI được tiếp cận theo hướng “lấy con người làm trung tâm” nhằm thiết lập một khuôn khổ cho sự phát triển dựa trên đạo đức, tính đáng tin cậy của công nghệ AI và các ứng dụng phù hợp với các giá trị của châu Âu, cũng như để chuẩn bị nền tảng cho một liên minh toàn cầu trong lĩnh vực này.

Mới đây nhất, trong tham luận của TS Lê Thị Hằng (Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) gửi tới Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tạp chí Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 11/6/2022 chỉ rõ: Trong lĩnh vực báo chí, cùng với chất lượng nội dung, vấn đề đạo đức và pháp luật cần phải được nghiên cứu để kịp thời điều chỉnh các vấn đề thực tiễn phát sinh. “Đạo đức báo chí vốn đã là một chủ đề nhạy cảm - và đạo đức trong AI cũng vậy, điều này làm cho sự kết hợp của giữa AI và báo chí trở nên đặc biệt gây tranh cãi. Theo Giáo sư Seth Lewis của Đại học Oregon đề cập, nếu một bản tin tự động làm mất danh dự của một cá nhân thì khi đó ai chịu trách nhiệm? Và vụ kiện sẽ tiến hành ra sao?”, bà nhấn mạnh.

ai-future-3300x1479-1-scaled.jpg
AI hay chủ thể của AI sẽ phải chịu trách nhiệm trước việc đưa ra một thông tin sai lệch trên truyền thông?

Để dẫn chứng cho luận điểm đưa ra trong tham luận, TS Lê Thị hằng kể câu chuyện: Vào tháng 8/2016, Facebook đã sa thải nhóm quản lý phần “Chủ đề Thịnh hành” và thay thế họ bằng AI, với thuật toán tự động nhận dạng và tuyên truyền các “Chủ đề Thịnh hành” đến với người dùng. Sự thay đổi này đã tạo lên những làn sóng tranh cãi và gây ra những cáo buộc sai sự thật. Việc chuyển đổi hình thức quản lý này đã khiến Facebook dính phải những cáo buộc không đáng có. Một trong những cáo buộc nổi bật đó là: Vào ngày 28/8/2016, chuyên mục “Chủ đề Thịnh hành” đã đăng tải một bài tin tuyên truyền thông tin sai sự thật với tuyên bố rằng: Người dẫn chương trình của Fox News, Megyn Kelly - bị sa thải khỏi đài truyền hình vì cô đã ủng hộ ứng viên Hillary Clinton cho chức vụ Tổng thống Mỹ.

lqm92-6233_013.jpg

Mặc dù Facebook vẫn có nhóm biên tập để rà soát quá trình cập nhập tin tức của AI, lỗi thuật toán vẫn xảy ra. Thuật toán đã cũng cấp thông tin từ nguồn tin không chính thống, cụ thể đó là trang web endthefed.com. Với khối lượng thông tin lớn, kèm theo sự nhận định sai của thuật toán, nhóm biên tập đã hiểu nhầm đây là một tin tức có độ tin cậy cao. Từ đó, dẫn tới hàng loạt các câu hỏi về vấn đề đạo đức như: ngay cả khi đó là lỗi của thuật toán AI, Facebook có phải chịu trách nhiệm pháp lý về những gì đã xảy ra hay không? Vậy ai là người bôi nhọ danh dự của Megyn Kelly? Thuật toán hay Facebook?

Với những câu trả lời và những suy nghĩ khác nhau về vấn đề trên, ông Lewis cho rằng các nhà lập pháp chưa sẵn sàng để tìm ra cách thức để kiện các thuật toán. Sau cùng, con người vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm bằng cách này hay cách khác. Ví dụ trên đã chứng minh được luận điểm của Patrick White, giáo sư báo chí tại Đại học Quebec ở Montrealargues, đó là: Một trong những mối nguy hiểm của AI chính là việc sai lệch thuật toán, bởi vì các thuật toán được thiết kế bởi con người, sẽ luôn có những thành kiến có thể thay đổi phân tích dữ liệu và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc xác minh nội dung được tạo bởi con con người trước khi xuất bản sẽ luôn là biện pháp bảo vệ chống lại các sai sót.

Còn nhiều vấn đề về AI mà chúng ta chưa hiểu rõ. Khó có thể khẳng định hay lường trước được tác động xã hội cũng như những tác động đến phạm trù đạo đức trong ứng dụng AI. Vì vậy, AI cần được nghiên cứu thấu đáo, đánh giá một cách khoa học, hình thành cơ sở lý luận, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là về khía cạnh đạo đức, nhân văn trong công nghệ mới này.

nguyen-cao-cuong_015.jpg

Hiện nay nhiều tờ báo đang áp dụng công nghệ AI để sáng tạo tác phẩm. Thanh niên, Tuổi trẻ, Lao động v.v… những tờ báo này đã dùng các MC robot để đọc tin và dẫn bản tin.

Công nghệ AI còn ứng dụng trong nhiều hoạt động nữa phía đằng sau khung hình, như phân tích hành vi tìm kiếm của công chúng, tự động gợi ý đề xuất nội dung theo sở thích, ngữ cảnh v.v...

Trong tương lai, các ứng dụng AI sẽ còn nhiều hơn và thiết thực hơn nữa. Nó giúp giải phóng sức lao động của nhà báo. Giúp nhà báo có được nhiều không gian để suy nghĩ và tưởng tượng. Nó sẽ giúp giảm bớt những phóng viên, biên tập viên copy paste. Đó là điều rất tốt.

Việc ứng dụng AI đến đâu, nó ảnh hưởng thế nào đến đạo đức người làm báo là một chủ đề khó nói trước. Chúng ta chỉ biết rằng, việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp thay đổi báo chí hoàn toàn.

Nhà báo Nguyễn Cao Cường - Giảng viên Hội Nhà báo Việt Nam

Thực hiện: Ý Thơ

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đạo đức của “Nhà báo AI”