Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm giã biệt người yêu hội họa

Bạch Dương (tổng hợp)| 15/06/2016 23:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Danh họa cuối cùng của bộ tứ “Phái - Sáng - Liên - Nghiêm” đã qua đời sáng nay (15/6) tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm giã biệt người yêu hội họa

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

Thông tin từ Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đã tạ thế hồi 10h27 ngày 15/6 tại Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, sau khoảng một tháng nhập viện do đột quỵ tuổi già, hưởng thọ 94 tuổi.

Lễ viếng diễn ra từ 11h15 tới 12h45 ngày 17/6, tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Họa sĩ được an táng cùng ngày tại nghĩa trang Văn Điển.

Nguyễn Tư Nghiêm sinh ngày 20/10/1922, trong một gia đình khoa bảng ở Nam Đàn, Nghệ An. Ông là một họa sĩ vẽ tranh sơn mài, sơn dầu và bột màu nổi tiếng.

Họa sĩ theo học khóa XV Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1941-1946). Lúc đang học năm thứ 3, ông đã gây được sự chú ý của giới hội họa với bức tranh sơn dầu “Người gác Văn Miếu” giành giải nhất tại Salon Unique năm 1944.

Trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Việt Nam ở Việt Bắc. Ông cũng có thời gian giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Họa sĩ dành hết cuộc đời mình cho sáng tác hội họa. Ông có nhiều thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, tạo nên thay đổi quan trọng cho sự phát triển sơn mài truyền thống Việt Nam.

Dù bắt nguồn từ đề tài dân gian Việt Nam, nhưng tranh của ông được đánh giá là đầy sức sáng tạo, phong cách hiện đại, dấu ấn riêng. Ông cũng thành công với các chất liệu sơn dầu, bột màu, chì than...

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ghi danh vào một trong hai bộ tứ của hội họa Việt Nam thế kỷ 20 là Trí - Vân - Lân - Cẩn (thế hệ tiên phong của nền hội họa Việt) và Phái - Sáng - Liên - Nghiêm (Bùi Xuân Phái - Nguyễn Sáng - Dương Bích Liên và Nguyễn Tư Nghiêm).

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm từng là Ủy viên Ủy ban Giải phóng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, phụ trách xưởng tranh phổ biến Hội Văn nghệ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 1.

Ông được tặng nhiều huân huy chương các loại cũng như nhiều giải thưởng hội họa trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, trong số đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 và 1990; Giải thưởng hội họa quốc tế Sofia-Bungari năm 1983; Giải thưởng triển lãm hội họa và đồ họa quốc tế lần thứ nhất năm 1987 tại Hà Nội...

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm giã biệt người yêu hội họa