Danh hiệu cũng chỉ là một cách gọi, hay là sự công nhận của xã hội đối với một người bất kỳ. Nên danh hiệu chẳng quan trọng bằng việc mình đi được bao xa.
Danh hiệu đi liền với danh dự, không chỉ của bản thân mà còn là danh dự của chính ngành, lĩnh vực mà họ đạt được. Có những người nghệ sĩ, cả đời cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật,cả đời đứng trên sân khấu, làm đẹp cho đời, có khi họ không còn nữa mới được phong danh hiệu giáo sư, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú...Khi đó, danh hiệu cao quý và đáng tự hào biết bao, gắn liền với danh dự, uy tín của bản thân nghệ sĩ đó, rồi đến gia đình và rộng hơn là nơi mà họ gắn bó, lĩnh vực nghệ thuật mà họ tham gia.
Còn đối với một người đẹp, đăng quang một cuộc thi nhan sắc, hay ở một cuộc thi người mẫu, danh hiệu Hoa hậu, Á hậu hay Quán quân, Á quân, Siêu mẫu...cũng đáng để họ biết trân quý danh hiệu đó dù rằng danh hiệu được công nhận trong cuôc thi đó mà thôi, hết cuộc thi, hết nhiệm kỳ lại có người khác thay thế vị trí của mình.
Thế nhưng, vẫn có những người đẹp lại chỉ coi danh hiệu mà mình đạt được như một bệ phóng để tiến thân, cầu danh, cầu lợi cho bản thân. Họ đã tự mình "vứt xó" danh hiệu đi, để mọi người cười chê, dè bỉu, đến lúc nhìn lại, lại dùng đủ thứ lý do để thanh minh, mà kỳ thực ra là bao biện.
Vương miện Hoa hậu Đại dương 2017 mà Lê Âu Ngân Anh có được sau cuộc thi đang khiến cô gái trẻ này hứng nhiều ý kiến trái chiều của dư luận
Câu chuyện của Tân Hoa hậu đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh đã tốn không ít thời gian và giấy mực của báo giới trong thời gian qua cũng đến lúc phải khép lại. Dù chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thì bản thân cô Hoa hậu này cũng đến lúc nhận ra cái danh xưng của mình không quan trong bằng danh dự của chính mình.
Chưa đầy 1 tháng qua, dư luận lên tiếng, tích cực có, tiêu cực có, chia sẻ cảm thông cũng có, nhưng chủ yếu là chỉ trích Lê Âu Ngân Anh, vì quá chú tâm vào cái vương miện đang mang trên đầu mà quên mất sứ mệnh của chính mình. Đó là lan tỏa trí tuệ, tấm lòng nhân ái giữa lúc cơn bão số 12 đi qua, gây hậu quả nặng nề cho nhiều tỉnh miền Trung. Dù sao, cô ấy cũng là một Hoa hậu Đại dương, ở vào thời điểm cơn bão số 12 vừa tàn phá nặng nề và không ít những hoạt động từ thiện, hoạt động cộng đồng vì môi trường đang diễn ra, thì chí ít, Ngân Anh cũng mang tiếng nói, mang danh hiệu cao quý đó của mình để chung tay cùng người dân miền Trung.
Chí ít, làm được như vậy, những người chỉ trích cô cũng sẽ bớt đi ít nhiều, chí ít, người ta cũng nhìn thấy những hành động thiết thực của cô với danh hiệu cao quý. Bởi dù sao, Hoa hậu Đại dương cũng là một cuộc thi người đẹp cấp quốc gia, mang ý nghĩa nhân văn, hướng về môi trường biển của chúng ta.
Với những hành động thiết thực, bảo vệ môi trường giống như Á hậu Hà Thu, cô gái nhỏ bé của xứ Huế chinh chiến ở Hoa hậu Trái Đất chinh phục được mọi người trong chiến dịch mùa hè xanh, tự tay nhặt rác, móc cống,…để làm sạch môi trường sống xung quanh, hay như trường hợp của Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh lặn lội ở ngay nơi cơn bão vừa đi qua (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), chẳng quản ngại bùn đất lầy lội mà đội mưa, kéo điện cùng với các anh em kỹ sư điện….
Nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho Ngân Anh khi cô cứ ra sức giải thích, bảo vệ vẻ đẹp của mình, cho rằng vẻ đẹp của mình là tự nhiên, rằng cô không xấu mà bản thân cô lại không hiểu được rằng không có người phụ nữ xấu, chỉ có tâm hồn cằn cỗi mới đáng lo ngại mà thôi.
Có lẽ, BTC cuộc thi và ê-kip của Ngân Anh đã có chiến lược đi sai trong nước cờ này. Thế nên, danh dự của cô bị xem nhẹ, người ta ra sức đòi tước bỏ vương miện của Hoa hậu Đại dương bởi đến thời điểm này, chưa cần kết luận của cơ quan quản lý thì cô ấy cũng không còn xứng đáng với danh hiệu Hoa hậu.
Câu chuyện Chi Pu đi hát và tự xưng là "Ca sĩ" mấy ngày qua cũng làm dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là đối với các nghệ sĩ. Việc hát hụt hơi, giọng yếu, hát live kém của Chi Pu, và đỉnh điểm là phát ngôn "Hãy gọi tôi là ca sĩ" của cô đã làm nhiều người ca sĩ, nghệ sĩ phản đối quyết liệt. Thậm chí có người cho rằng không phải cứ cầm mic lên hát là được xưng danh là ca sĩ làm cho câu chuyện này càng trở nên ồn ào.
Tuy nhiên, giữa bão dư luận, Chi Pu cũng thẳng thắn thừa nhận với công chúng rằng mình đang cố gắng học hát, học làm ca sĩ, chứ không dám "vỗ ngực" tự xưng danh làm ca sĩ.
Hay như chuyện các ca sĩ Việt còn được gọi với nhiều danh xưng khác nhau như diva, "nữ hoàng nhạc dance", "ông hoàng nhạc Việt", "vua nhạc sến"...Thế nhưng, tất cả những danh xưng đó đều do khán giả gọi, chứ không có một quy định bắt buộc nào ở đây cả, mà quan trọng chính là tình cảm của khán giả dành cho nghệ sĩ của mình.
Ngay cả danh xưng diva trong làng nhạc Việt bao lâu nay chúng ta đều ngầm hiểu với nhau có một thế hệ diva của làng nhạc Việt là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà. Bản thân những ca sĩ này cũng khẳng định họ không tự nhận mình là diva, mà đây là tình cảm của khán giả, vì yêu mến nên đã gọi với danh xưng vô cùng cao quý mà ca sĩ nào cũng ao ước.
Thanh Lam, Hồng Nhung được khán giả gọi là diva của làng nhạc Việt
Whitney Houston là gương mặt tiêu biểu cho một diva nhạc đại chúng được cả thế giới công nhận
Diva (trong tiếng Ý cổ là Nữ thần) là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc. Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình. Còn với công chúng, diva là một trong những ranh giới rõ nhất để phân biệt đẳng cấp giữa ca sĩ (có thể là rất nổi tiếng hoặc tài năng) và một bậc thầy, huyền thoại âm nhạc.
Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào (có quyền) đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được.
Từng có một thời gian, người ta tìm thế hệ diva mới cho làng nhạc Việt và cái tên được nhiều người nhắc đến là Mỹ Tâm, Thu Minh. Trong đó, Thu Minh từng khẳng định rằng bản thân cô hay các nghệ sĩ khác chưa bao giờ dám vỗ ngực tự xưng là diva. "Mỗi nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam đều được khán giả gọi bằng một danh xưng nào đó và đó là điều mà khán giả trân quý ban tặng cho người nghệ sĩ chứ không phải là thứ được cơ quan đoàn thể nào chứng nhận hay được cấp chứng chỉ. Danh hiệu cũng không mài ra được mà sống, điều quan trọng đó là giọng hát và trái tim của người nghệ sĩ, đó mới là điều trường tồn mãi và khiến người nghệ sĩ được khán giả yêu mến, tôn trọng”- Thu Minh chia sẻ.
Thu Minh cũng cho biết, danh xưng “nữ hoàng nhạc dance” cũng chính là những ưu ái mà khán giả, đồng nghiệp, người hoạt động trong giới showbiz dành tặng cho cô.
Hay như câu chuyện phong nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân cho một vài nghệ sĩ có tiếng trong làng nghệ thuật nước nhà, nhiều người cho rằng danh hiệu này, giải thưởng kia không quan trọng bằng tình cảm và sự công nhận của công chúng. Nhiều nghệ sĩ gắn bó cả đời với sân khấu, cống hiến hết mình cho khán giả nhưng lại không màng đến việc được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay danh hiệu nghệ sĩ nhân dân.
Nghệ sĩ Thanh Thủy từng thừa nhận rằng: “15 năm trước, thật sự tôi vẫn rất mong mình có được danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Nhưng bây giờ, chuyện đó không còn quan trọng và không còn khiến tôi bận tâm suy nghĩ đến. Vậy mà mọi người cứ nhầm tôi đã được trao danh hiệu rồi, thậm chí có lần, khi cơ quan chức năng tặng bằng khen cho tôi, họ cũng ghi nhầm tôi là Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Thủy (cười). Giờ tôi chỉ muốn chuyên tâm làm việc, để được khán giả yêu mình qua chính công việc của mình”.
Xung quanh chuyện danh hiệu cho các nghệ sĩ, nhiều người thậm chí năm lần bảy lượt mới được Nhà nước xét duyệt. Thậm chí có những nghệ sĩ đến khi nhắm mắt mới được công nhân như trường hợp của NSƯT Anh Dũng, nguyên Giám đốc nhà hát kịch Việt Nam, hay truy tặng danh hiệu NSƯT cho “bác trưởng thôn” Văn Hiệp khi ông qua đời. Hay như mới đây, cố nhà thơ Xuân Quỳnh mới được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, v.v…
Còn nhớ, NSƯT Tiến Quang hay còn được biết đến nghệ danh Quang Tèo từng chia sẻ rằng danh hiệu không quan trọng bằng tình cảm của khán giả. Chính khán giả cũng quên mất cái tên thật NSƯT Tiến Quang mà chỉ nhắc anh với cái tên Quang Tèo, chính anh còn bảo thích khán giả gọi mình bằng cái tên đó cho thân mật. “Cái tên và những vai diễn của tôi gắn liền với khán giả, làm nghệ sĩ mà được khán giả nhớ đến là vui lắm rồi”- nghệ sĩ ưu tú Tiến Quang bộc bạch.
Còn NSƯT Út Bạch Lan cũng từng cho rằng: “Nếu khán giả hay giới chuyên môn trao cho bà danh hiệu nào, bà sẽ nhận danh hiệu đó. Với bà, ngần đó năm cống hiến cho nghệ thuật sân khấu cải lương truyền thống, được khán giả yêu mến phong tặng cho bao nhiêu nghệ danh cũng đã đủ ấm lòng lắm rồi”.
Có thể thấy, có những nghệ sĩ, họ cống hiến cả đời cho nghệ thuật, nếu được phong danh hiệu thì đấy là niềm tự hào, vinh dự và họ luôn trân trọng. Nhưng bản thân họ lại không màng đến danh hiệu cho bản thân bởi trước khi được Nhà nước công nhận, họ đã được khán giả nhớ mặt, nhớ tên và dành những tình cảm yêu mến.
Trở lại với danh hiệu Hoa hậu, nó chỉ là sự công nhận trong một cuộc thi, ghi nhận quá trình cố gắng của bản thân thí sinh đó trước các thí sinh khác, thực sự chưa thấm tháp gì so với những nghệ sĩ trong làng nghệ thuật nước nhà. Danh hiệu đó cũng đáng tự hào nhưng khán giả đâu có quan tâm đến danh hiệu "hoa hậu" mà cái họ quan tâm nhiều hơn là những việc làm mà cô hoa hậu đó làm cho xã hội, cho cộng đồng.
Danh hiệu Hoa hậu luôn gắn liền với các hoạt động xã hội, dự án cộng đồng, còn đã là hoa hậu thì bản thân họ đã đẹp rồi. Thế nhưng vẫn có những người đẹp vì danh hiệu này mà đánh mất danh dự, nhân phẩm, bị cả xã hội chê trách. Đã có những hoa hậu đánh mất bản thân, rơi vào vòng lao lý. Cũng có một số hoa hậu, sau đêm đăng quang, mờ nhạt dần, không xứng danh với danh hiệu cao quý. Có những hoa hậu, sau đăng quang lại gắn liền với thị phi, tai tiếng, scandal…Cũng có những người đẹp nhờ có danh hiệu Hoa hậu mà đổi đời, sang một trang mới, rồi cũng không còn mang sứ mệnh của một hoa hậu nữa, v.v…Vì thế có tước hay không tước vương miện của những cô hoa hậu ấy cũng chẳng quan trọng bằng sự công nhận của khán giả.
Hoa hậu chỉ là một danh xưng cho người đẹp, danh dự của bản thân mới quan trọng hơn tất cả. Dù có là hoa hậu, nhưng nếu không giữ gìn phẩm chất, cốt cách của mình thì danh hiệu đó cũng đáng được “vứt xó”, người ta không quan tâm đến.
Trong câu chuyện của cô Hoa hậu Đại dương cũng vậy, đã đến lúc cô phải từ bỏ danh hiệu này để bảo vệ danh dự cho mình. Đến cả những nghệ sĩ có thâm niên trong lĩnh vực nghệ thuật như Văn Hiệp, Hán Văn Tình, Trần Hạnh, Út Bạch Lan… đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho khán giả, danh hiệu với họ cao quý thật nhưng không quan trọng bằng việc được khán giả nhớ đến. Chưa nói gì đến một cô hoa hậu, người mẫu đạt danh hiệu ở một cuộc thi, những đóng góp cho xã hội chưa có, mà chưa bảo vệ danh dự cho mình cũng là điều đáng để lạm bàn.
Chung quy thì danh hiệu cũng chỉ là một cách gọi, nó không quan trọng bằng việc khán giả công nhận và bản thân họ đi được bao xa trên con đường của mình.