Các địa phương phải có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng nhân lực sư phạm trong thời gian tới để mà đặt hàng với ngành giáo dục đào tạo nhằm đáp ứng được nhu cầu sử dụng”, Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT nói.
Các địa phương có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên
Trước những vấn đề về nóng về đào tạo ngành sư phạm, chia sẻ bên lề Hội thảo giáo dục năm 2018, “Giáo dục đại học – chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế” Vụ trưởng Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT - Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: “Chúng tôi đang làm quy hoạch mạng lưới của các trường sư phạm và nội dung này đã được làm những năm trước. Tuy nhiên theo Luật Quy hoạch lại phải có những thay đổi theo quy trình, yêu cầu của Luật quy hoạch mới được ban hành. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục và có giải pháp đồng bộ là quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm nói riêng và hệ thống giáo dục nói chung”.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học - Bộ GD-ĐT - Nguyễn Thị Kim Phụng. Ảnh Ngô Chuyên.
“Về phương diện chung, các địa phương cũng phải có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng nhân lực sư phạm trong thời gian tới để đặt hàng với ngành giáo dục. Ngành giáo dục, căn cứ vào đó để đào tạo ngành sư phạm đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đây là lĩnh vực đào tạo mà chúng ta phải căn cứ vào cái tốc độ tăng dân số, dự báo về độ tuổi đi học quy mô trường lớp… cho nên ngành giáo dục cũng đang kết hợp với các địa phương để làm từ năm 2018”, Vụ trưởng Phụng cho biết thêm.
Trường nào đảm bảo chất lượng thì tiếp tục cho tuyển sinh và đào tạo
Nói về vấn đề nâng chuẩn cho các trường sư phạm Vụ trưởng Phụng nói: “Việc cải cách ngành sư phạm được thực hiện mấy năm nay bằng rất nhiều cái phương thức khác nhau. Trong quá trình đổi mới, thì phải có những xáo trộn nhất định và có những vấn đề nhìn vào hiện tượng là không bình thường, tuy nhiên nó chỉ diễn ra ít, tại một số trường, còn cả hệ thống thì vẫn chạy, các trường top trên vẫn cầm cương đào tạo chủ yếu nhân lực sư phạm cho toàn hệ thống”.
Chai sẻ về vấn đề thu hút sinh viên vào ngành sư phạm ngay cả khi đã có địa chỉ sử dụng sau khi học đại học mà không thu hút được. Vụ trưởng Phụng nói: “Như vậy điều đó không thể phụ thuộc vào chất lượng đào tạo, cũng chưa hẳn phụ thuộc vào việc làm sau khi đào tạo mà có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tính hấp dẫn của nghề nghiệp”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
“Ngành sư phạm là ngành áp lực rất nhiều trước tương lai của đất nước, cha mẹ học sinh, khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, khả năng làm thêm cũng rất là khó khăn và tiền lương theo như quy định của các trường công cũng không hấp dẫn…Vì vậy phải có một giải pháp tổng thể cho ngành sư phạm chứ không chỉ nói đến nâng cao chất lượng.
Tất nhiên trước tiên phải nói về việc nâng cao chất lượng và đào tạo theo nhu cầu sử dụng nhưng chỉ như thế vẫn chưa đủ, phải có cái tổng thể từ cái thu nhập, vị trí nghề nghiệp, đánh giá xã hội đối với nghề nghiệp đó…để có thể thu hút được tốt vào ngành sư phạm cũng như người thực sự yêu nghề”, Vũ trưởng Phụng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Vụ trưởng Phụng cũng cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang làm quy hoạch giáo dục đại học nói chung và hệ thống đào tạo ngành giáo viên nói riêng. Cái quy hoạch của chúng tôi đang làm theo hướng sẽ có các chuẩn chất lượng theo từng trường và trên cơ sở chuẩn chất lượng đó sẽ đánh giá điều kiện chất lượng của từng trường và đánh giá được rằng trường nào đảm bảo chất lượng thì tiếp tục cho tuyển sinh và đào tạo.
Những trường nào không đảm bảo chất lượng thì cơ quan chủ quản là các bộ, ngành địa phương phải xác định nếu cần thiết phải đầu tư để đảm bảo chất lượng, nếu không cần thiết thì thay đổi chức năng nhiệm vụ, hoặc cho giải thể sát nhập để đảm bảo sự lành mạnh cho cả hệ thống”.