Đánh chết người do bị mất trộm chó bị xử lý thế nào?

LS Kiều Trang| 05/01/2022 18:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Hành vi ăn trộm chó là rất đáng lên án và khiến người dân bức xúc. Vậy trường hợp chủ nhà lỡ tay đánh chết kẻ trộm chó sẽ bị xử lý như thế nào?

Hỏi: Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội mới xảy ra vụ việc chủ nhà đánh chết người vì nghi là đã trộm chó của mình. Cụ thể, anh H. nghi ngờ có người đàn ông trộm chó của anh C. nên đã điện thoại báo cho anh C biết. Sau khi kiểm tra, anh C. phát hiện một con chó bị chết nằm tại hiện trường, còn một con chó đã bị mất. Nghĩ là thủ phạm sẽ quay lại lấy nốt con chó còn lại, nên anh H. và anh C. mai phục. Khi đối tượng khả nghi tới mang con chó còn lại đi thì anh H. đưa gậy gỗ cho anh C, và hỗ trợ anh C khóa cửa ngăn không cho đối tượng bỏ chạy.

Xin hỏi, hành vi đánh chết người ăn trộm chó có bị xử lý hình sự không? Trong trường hợp trên, anh H và anh C bị xử lý như thế nào?

tu-vong.jpeg
Người đàn ông mặc áo Grap tử vong do bị đánh.

Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang (Đoàn luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Tài sản, sức khoẻ, tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi chiếm đoạt bất hợp pháp tài sản của người khác; xâm phạm trái pháp luật tới tính mạng, sức khoẻ của người khác đều bị nghiêm cấm và phải chịu chế tài xử phạt. Mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của chính mình.

Đối với hành vi trộm cắp tài sản, pháp luật quy định: Người nào có hành vi trộm cắp tài sản với giá trị dưới 2 triệu đồng thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 1 đến 2 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Người nào trộm cắp tài sản với giá trị từ 2 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 15 năm.

Về hành vi dùng vũ lực làm người khác tử vong, pháp luật quy định: Người nào cố ý gây thương tích cho người khác dẫn đến hậu quả chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015; hoặc “Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015.

Trong trường hợp trên, để làm rõ hành vi của anh H và anh C cấu thành tội danh nào thì phải xem xét toàn diện hành vi khách quan và ý chí chủ quan của anh C. mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Trong sự việc trên, anh C dùng hung khí nguy hiểm là thanh gỗ, tác động lực mạnh lên vùng trọng yếu của nạn nhân là vùng đầu. Mặc dù biết trước hậu quả có thể gây tử vong cho người bị đánh nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, vụ việc có dấu hiệu cấu thành tội giết người theo điều 123 BLHS.

Đối với hành vi của anh H. khi đưa gậy gỗ cho anh C. và hỗ trợ anh C. khoá cửa ngăn không cho đối tượng bỏ chạy có thể sẽ là đồng phạm với anh C với vai trò là người giúp sức theo quy định tại khoản 3 điều 17 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về Đồng phạm.

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh chết người do bị mất trộm chó bị xử lý thế nào?