Ít nhất 47 người đã thiệt mạng và 52 người bị thương trong vụ đánh bom nhằm vào một khu chợ đông đúc ở Đông Bắc Nigeria. Có nhiều dấu hiệu cho thấy vụ tấn công do nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram tiến hành.
Theo ông Yuram Bura , thành viên nhóm dân phòng địa phương, vụ nổ xảy ra bên trong khu chợ tại thị trấn Sabon Gari thuộc bang Borno. Thủ phạm giấu thiết bị nổ trong một chiếc túi đeo chuyên dùng cho phun thuốc diệt cỏ để mang vào trong chợ.
Ông Bura cho biết 47 thi thể đã được đưa ra khỏi khu chợ, trong khi một nguồn tin quân sự giấu tên nói rằng, khoảng 50 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Một nhân viên y tế tại bệnh viện đa khoa thị trấn Biu cách hiện trường 50km cho biết, hầu hết những người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch, do đó số người thiệt mạng có thể tiếp tục tăng lên.
Hiện chưa có lực lượng nào thừa nhận đứng sau cuộc tấn công bạo lực đẫm máu trên, tuy nhiên, bang Borno là trung tâm địa bàn hoạt động của Boko Haram. Nhóm dân phòng địa phương cho biết hai ngày trước đó, cũng tại khu vực Sabon Gari, các tay súng đã mai phục và bắn chết 4 người, sau đó bắt cóc 5 người khác trên một đường cao tốc. Hồi cuối tháng 7, một số phần tử tình nghi thuộc Boko Haram đã sát hại 8 người trong cuộc đột kích một ngôi làng gần Biu, thị trấn lớn nhất ở miền Nam bang Borno.
Theo thống kê, bạo lực liên quan đến Boko Haram trong 6 năm qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nhóm Hồi giáo cực đoan này trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Nigeria từ năm 2009, hiện chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn gồm hàng chục thị trấn ở ba bang miền Đông Bắc Nigeria, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến ba nước láng giềng của Nigeria là Cameroon, Chad và Niger. Chính quyền Nigeria và các quốc gia láng giềng đang chuẩn bị triển khai một lực lượng liên quân nhằm xóa sổ Boko Haram.
Bên cạnh cuộc chiến chống Boko Haram, Nigeria còn phải đối phó với tình trạng thanh niên ra nước ngoài tham gia các nhóm khủng bố, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi. Cục Nhập cư Nigeria (NIS) cho biết từ tháng 1/2014 đến tháng 3/2015, gần 24.000 công dân nước này tuổi từ 17 đến 35 đã bị chặn lại ở biên giới.