Đang xác minh thông tin Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch

Trọng Bằng| 26/08/2020 14:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Liên quan đến việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) có 2 Quốc tịch: Việt Nam và Cộng hoà Síp (Cyprus), Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy cho biết đã chỉ đạo "xác minh thông tin".

Mới đây Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) đã đưa ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hoà Síp, một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia “dễ tham nhũng” mua hộ chiếu châu Âu, trong đó có tên một Đại biểu Quốc hội, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc có tên trong danh sách này.

ĐBQH Phạm Phú Quốc có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức

Trao đổi với báo chí về thông tin này, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy cho biết, thông qua báo chí và mạng xã hội, ông nhận được phản ánh về việc đại biểu Phạm Phú Quốc (Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) có hai quốc tịch, bao gồm quốc tịch VN và Cộng hòa Síp (Cyprus), nên đã chỉ đạo "xác minh thông tin".

Theo ông Túy, Ban Công tác đại biểu có trách nhiệm giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội các vấn đề liên quan về nhân sự, vì vậy, khi đại biểu nào đó thay đổi về lý lịch thì phải báo cáo với cơ quan này.

"Tuy nhiên, đến nay Ban Công tác đại biểu chưa nhận được báo cáo của đại biểu Phạm Phú Quốc về vấn đề quốc tịch" ông Túy khẳng định.

Cũng theo Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, vấn đề nêu trên sẽ được xác minh, xử lý theo quy trình. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ "có hay không" việc Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc sở hữu hai hộ chiếu, bao gồm hộ chiếu nước ngoài; sở hữu hộ chiếu thứ hai vào thời gian nào.

Sau đó, trên cơ sở xác minh, Ban Công tác đại biểu sẽ làm việc với đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM. Ở đây, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM là tổ chức của các đại biểu được bầu trên địa bàn, có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của đại biểu. Còn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là cơ quan hiệp thương giới thiệu ông Phạm Phú Quốc tại cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, năm 2016.

Hồ sơ sự việc gồm kết quả xác minh và ý kiến của các tổ chức liên quan sẽ được trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Đang xác minh thông tin Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch

ĐBQH Phạm Phú Quốc trong một lần phát biểu tại Quốc hội. (ảnh: Người Lao động)

Ngày 25/8, với tư cách người trong cuộc, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH TP HCM) đã trao đổi với báo chí về thông tin cho rằng ông có quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus). Theo đó, ông Phạm Phú Quốc cho biết ông đã có quốc tịch Cộng hoà Síp từ giữa năm 2018, nhưng là do gia đình bảo lãnh. Vị Đại biểu Quốc hội phủ nhận thông tin mua quốc tịch thứ 2.

Ở góc độ nhìn nhận sự việc, ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phân tích trên Vnexpress "theo thông tin trên báo chí, năm 2016 khi ông Phạm Phú Quốc ứng cử vào Quốc hội, ông chỉ có một quốc tịch Việt Nam. Nếu đúng như vậy thì phù hợp với quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam".

"Ông Quốc trả lời báo chí là đến năm 2018, ông mới có hai quốc tịch. Lúc đó Luật tổ chức Quốc hội chưa được sửa đổi và chưa bổ sung quy định về quốc tịch của đại biểu. Nhưng theo quan điểm của tôi, đại biểu Quốc hội chỉ nên có một quốc tịch vì anh là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước", ông Hòa nói và thông tin thêm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật cũng như xem xét sự việc cụ thể liên quan đến đại biểu.

Đến tháng 6/2020, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội đã quy định đại biểu chỉ được "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam". Tuy nhiên, Luật này đến đầu năm 2021 mới có hiệu lực.

"Vấn đề ở đây là đại biểu Phạm Phú Quốc có trách nhiệm báo cáo trung thực với tổ chức. Bất cứ ai ở tư cách là cán bộ nhà nước và Đại biểu Quốc hội, khi thay đổi lý lịch cũng như sở hữu hộ chiếu thứ hai đều phải giải trình", ông Hòa nêu quan điểm.

Cần xác minh thời điểm ông Phạm Phú Quốc nhập tịch Cộng hoà Síp

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư (LS) Diệp Năng Bình (Đoàn LS TP HCM) trao đổi trên Báo Người lao động cho biết, trong thực tế hiện nay, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phía nước ngoài cấp hộ chiếu và công nhận quốc tịch (căn cứ vào pháp luật riêng của từng nước, có nước không bắt buộc công dân Việt Nam phải từ bỏ quốc tịch) nên việc công dân Việt Nam có 2 quốc tịch và sử dụng đồng thời 2 hộ chiếu là không trái với quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp là Đại biểu Quốc hội, LS Diệp Năng Bình cho biết, theo Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại biểu Quốc hội phải có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe, được nhân dân tín nhiệm, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành chưa quy định cụ thể về quốc tịch của Đại biểu Quốc hội, dẫn đến các cách hiểu khác nhau . Chính vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2020 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2021 đã quy định về quốc tịch của Đại biểu Quốc hội. Theo đó, Luật đã bổ sung điểm a vào khoản 1 Điều 22 với yêu cầu Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Về trường hợp ông Phạm Phú Quốc mang 2 quốc tịch, theo LS Bình, các cơ quan của Quốc hội cần sớm xác minh thời điểm ông Phạm Phú Quốc nhập tịch Cộng hoà Síp để có các bước xử lý tiếp theo theo quy định.

"Nếu ông Quốc nhập tịch trước thời điểm bầu cử Quốc hội khoá XIV thì sẽ rơi vào trường hợp không khai báo trung thực trong hồ sơ đại biểu. Nếu nhập tịch từ thời điểm giữa năm 2018 như ông Quốc trả lời trên báo chí, thì vị đại biểu ông Quốc đã không báo cáo trung thực với Quốc hội về việc này", LS Diệp Năng Bình cho hay.

Cũng theo LS Diệp Năng Bình, trên thị trường di trú hiện đang phổ biến cụm từ "quốc tịch châu Âu". Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa quốc tịch một nước thuộc châu Âu (về mặt địa lý) nhưng chưa gia nhập EU và quốc tịch một nước thành viên EU (sử dụng đồng tiền chung euro).

Với quốc tịch một nước châu Âu chưa gia nhập EU, nhà đầu tư và gia đình chỉ được hưởng quyền công dân trong phạm vi quốc gia đó. Với quốc tịch một nước thành viên EU, nhà đầu tư và gia đình được hưởng quyền công dân EU, có thể tự do sinh sống, làm việc, học tập tại bất kỳ quốc gia EU nào như Anh, Pháp, Đức, Ý...

Chương trình lấy quốc tịch các nước thuộc EU hiện có Cộng hòa Síp, Malta, và Bulgaria. Chương trình lấy quốc tịch Montenegro đang được đánh giá là hấp dẫn vì nước này dự kiến gia nhập EU vào năm 2025 và mức đầu tư hiện còn thấp.

Ví dụ như Cộng hòa Síp: Mức đầu tư 51,8 tỉ đồng (2 triệu euro) mua bất động sản tại Cộng hoà Síp (duy trì 5 năm) và tặng chính phủ 3,9 tỉ đồng (150.000 euro). Thời gian thụ lý để có quốc tịch 8-12 tháng. Cùng với quốc tịch Síp là quyền công dân EU. "Đây là chương trình đầu tư đơn giản để đi thẳng lên quốc tịch EU trong thời gian nhanh nhất, nhưng mức đầu tư lại khá cao"- vị LS cho hay.

Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị; từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.

Ngày 4/12, ông Quốc được UBND TP HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó về hành vi Tham ô tài sản và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đang xác minh thông tin Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch