Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) làm quan dưới triều vua Tự Đức. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm. Sự nghiệp quan trường của ông đều nhằm mục đích canh tân đất nước.
Từ ngày đi làm quan, Đặng Huy Trứ càng nhận rõ thêm trách nhiệm nặng nề đối với nhân dân, phải lo giải quyết nhiều việc liên quan đến đời sống của nhân dân, càng thông cảm với muôn ngàn nỗi đau khổ mà nhân dân phải gánh chịu.
Đặng Huy Trứ
Đối với Đặng Huy Trứ, để nhân dân đau khổ, thiếu thốn chính là tội lỗi của những kẻ làm quan. Ông viết: Nắng hạn quá lâu là tội người chăn dân. Kẻ chăn dân có tội thì giết, thì phạt, chứ dân có tội gì? Lâu nay lụt, hạn, loạn li, mất mùa, nhân dân gặp mãi tai ương. Sức dân vì thế mà kiệt. Của dân vì thế mà hết. Dân sống trong nước lửa, nhà nhà bỏ đi tha hương. Đứng trước cảnh này, mắt nhìn không nỡ.
Trong phạm vi của mình, Đặng Huy Trứ đã làm việc theo lương tâm mình. Ông kiên quyết trừng trị mọi hành vi tham nhũng của cường hào và quan lại.
Tại các địa phương, việc gì cũng thường phải qua tay chúng và phải được giải quyết theo ý chúng. Đặng Huy Trứ đã làm ngược lại: Tôi vừa nhận chức tri huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, mọi việc điều quyết định lấy, không theo sức ép của bọn cường hào. Có đứa mưu toan không thành viết thư nặc danh vu cáo. Với tấm lòng trong sáng như băng ấy, Đặng Huy Trứ đã thẳng thắn làm việc, bất chấp mọi điều vu khống:
Hùng hoàng miệng ngậm quen vu khống
Thanh bạch can trường há sợ ai.
(1859)
Với ý chí ấy, Đặng Huy Trứ đi theo con đường của ông, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm. Ông theo gương hai bác ông là Đặng Văn Hòa và Đặng Văn Chức, suốt đời nêu cao phẩm chất của kẻ làm quan. Ông làm nhiều thơ, ngợi ca Hoàng Kế Viêm, một trí thức có tài năng, một ông quan đức hạnh, một chủ tướng đã dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp chống giặc, cứu dân.
Ông hết sức quý trọng những người bạn làm quan chuyên cần và liêm khiết. Đó là Nguyễn Chính, Án sát Bắc Ninh mà thanh danh trong suốt như dòng nước sông Lam, sông Đức… Đó là Trịnh Công Thưởng, Án sát Sơn Tây, mà ban ngày cũng như ban đêm, tấm lòng chẳng bao giờ mờ tối.
Ông kính phục những ông quan như Doãn Uẩn suốt đời sống thanh bạch và đến lúc chết, trong nhà không có tiền để làm ma.
Đối với bọn quan sâu mọt, ông nghiêm khắc lên án. Ông đã không nương nhẹ chúng và gọi chúng là quân mặt dày ăn bám vào nhân dân. Nhiều kẻ không chỉ ngồi ăn không, mà còn có trăm nghìn thủ đoạn để bóc lột nhân dân và làm hại nhân dân. Hối lộ trong xã hội thời xưa là một hiện tượng khá phổ biến vì nó là điều kiện để kẻ làm quan sống xa phí. Người làm quan tước đoạt tiền bạc của dân có lúc công khai, có lúc bí mật. Có khi bề ngoài giả vờ thanh liêm nhưng khi đêm tối, vắng người thì thẳng tay sách nhiễu. Nhận được tiền thì đổi trắng thay đen, làm hại người ngay, bênh vực kẻ gian, gây ra bao cảnh thảm khốc.
GS. AHLĐ Vũ Khiêu
Ngày đó, nhiều kẻ làm quan không chỉ áp bức, bóc lột nhân dân mà còn gièm pha, kèn cựa và làm hại lẫn nhau. Chúng thường xuyên nịnh hót và biếu xén cấp trên. Chúng thực hiện mọi cách gạt bỏ người khác để mình được leo lên chức cao hơn.
Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, Đặng Huy Trứ làm quan theo kiểu khác, ông tôn trọng những đồng sự có tài năng và đức hạnh, mong họ đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của nhà nước. Ông đã rất nhiều lần dâng sớ lên nhà vua để tiến cử hiền tài. Ông viết: Đem thân thờ vua, không bằng tìm người thờ vua. Đạo trị nước không lo không có phép trị, chỉ lo không có người. Thần sợ con đường dành cho người hiền tài chưa được đủ rộng, do đó phép hay chưa được thi hành.
Không vì quyền lợi ích kỷ, ông dâng sớ xin nhường chức vụ của mình cho một người, tuy ở dưới ông nhưng ông thấy hơn ông về cả tuổi tác, công lao, đức hạnh… Theo quy định của triều đình, mỗi quan mỗi lần chỉ được phép tiến cử một người và nếu tiến cử sai, những người này ra làm việc mắc lầm lỗi thì người tiến cử phải chịu phạt. Lo cho đất nước công việc đang bề bộn, ông đã mạnh dạn tiến cử một lúc 8 người, dám nhận trách nhiệm về việc ông làm.
Ông cũng đã dám đề nghị nhà vua xét trường hợp của ba người trót mắc sai lầm đã bị giáng chức hoặc cách chức. Ông viết: Có ông Nguyễn Quýnh, nguyên Bố chánh Khánh Hòa, ông Hoàng Diệu, nguyên Tri phủ Hương Trà và ông Phạm Thanh Nhã, cả ba người này đều đỗ Cử nhân, Phó bảng, xuất thân đều là người cương trực mẫn cán, từng kinh qua địa phương hoặc kinh qua phủ huyện, cai trị không nhiễu dân, tuy mắc lỗi lầm chưa được khôi phục nhưng khi ở địa phương hay phủ huyện đều được sĩ dân tin yêu, khi ra đi mọi người nhớ. Không nên vì một chi tiết mà để một người suốt đời mai một. Huống chi lúc này nước nhà đang gặp nhiều việc, lại để những người mà triều đình mất nhiều năm đào tạo, dạy bảo mới được như thế mà nay lại không được làm việc thì thật là uổng phí (Sớ dâng vua ngày 1 tháng 8 năm Giáp Tý - 1864).
Qua đoạn sớ trên đây, Đặng Huy Trứ đã nói lên quan điểm rõ rệt của mình về chính sách chọn lựa và sử dụng nhân tài. Đặc biệt đối với những người mắc sai lầm, ông kiến nghị một chính sách rõ rệt. Giai cấp phong kiến thời xưa với những kinh nghiệm cai trị lâu đời, vốn có một chính sách dùng người hợp lý: sai lầm thì cho đoái tội lập công, có tài thì đề bạt vượt cấp, thậm chí cha có tội cũng mạnh dạn sử dụng con.
Vì lợi ích của quốc gia, ông cũng không ngại mang tiếng khi cất nhắc những người có quan hệ thân thích. Ông đã tiến cử Nguyễn Tăng Doãn, người đỗ cùng khoa và Tôn Thất Trường, người thông gia với mình.
Nhưng đối với người có tội thì dầu thân thích ông vẫn thẳng tay. Đó là trường hợp Nguyễn Luận người đồng hương, từ nhỏ cùng nhau uống chung một giếng nước. Em gái Nguyễn Luận lại lấy anh họ ông là Đặng Huy Tá. Nguyễn Luận lúc đó là Tham tri bộ Binh (như Thứ trưởng Quốc phòng hiện nay). Nguyễn Luận lợi dụng quyền hành, sách nhiễu binh lính, bắt lính làm việc riêng cho mình#. Ngoài ra, hắn lại ăn hối lộ rất nhiều trong dịp tuyển quân và thay quân. Đối với Đặng Huy Trứ, đây cũng là một thử thách. Nguyễn Luận không những có quan hệ xóm làng, thân thích mà còn là cấp trên của ông nữa. Nhưng vì nghĩa lớn của đất nước, ông kiên quyết gạt tình riêng ra một bên:
Cùng quê, chung giếng há đành lòng
Công sự, công ngôn, chẳng thể đừng.
Nghĩa xóm, tình riêng ràng một sợi
Quân thần, đại nghĩa gấp nghìn trùng.
(1863)
Đã nhiều lần khuyên can không được, nay với trách nhiệm Ngự sử, ông đã cầm bút vạch tội Nguyễn Luận và xin trị tội:
Bọn chúng vẫn còn tham nhiễu lắm
Cho dù thân thích, bút không dung.
Sau việc này, ông có dịp về quê. Hàng xóm sẽ nghĩ gì về mình? Anh họ và chị dâu sẽ nghĩ gì về mình? Trong lòng không khỏi băn khoăn, day dứt, ông lên chùa làng, tìm đến thần, Phật để giải rõ tấm lòng ngay thẳng của mình, vì trách nhiệm Ngự sử mà ông không thể làm khác được.
Ông biết làm quan Ngự sử là sẽ phải đương đầu với những việc khó khăn có ảnh hưởng đến số phận và địa vị của mình, nhưng không thể đem bán cái ngay thẳng của mình đi, để trở thành một kẻ nịnh hót (Mại trực, hiến xiểm phi sở lạc…).
Đài Ngự sử thường trồng những cây bách thân cao, mọc thẳng không sợ gió sương, tượng trưng cho khí phách của người Ngự sử. Ông phải sống như cây bách ấy.
Làm Ngự sử luôn luôn phải cầm bút, ông nhận rõ trách nhiệm và quyền lực của ngòi bút, phải nêu lên được những điều u ẩn của dân, phải vạch trần mọi tội lỗi của những kẻ tham nhũng:
Trâm bút phương tri bút hữu quyền
(Cầm bút mới hay bút có quyền)
(1863)
Làm Ngự sử còn phải dám nói thẳng với nhà vua những sai lầm và khuyết điểm của chính nhà vua và Đặng Huy Trứ đã nhiều lần làm như thế.
Thực ra, trên đây là một yêu cầu về phẩm chất không chỉ đối với quan Ngự sử mà còn đối với mỗi người trí thức. Đối với tầng lớp này, Đặng Huy Trứ luôn luôn là mẫu mực về trách nhiệm, tài năng và phẩm chất.