Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 0h ngày 1/4/2022, dân số Việt Nam đã đạt 99,2 triệu người. Với tốc độ tăng dân số trung bình như đã được quan sát trong những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ đón chào công dân thứ 100 triệu.
TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, dân số nước ta hiện nay là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 Châu Á và thứ 3 cộng đồng ASEAN.
Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4 Việt Nam sẽ chính thức trở thành một trong 15 quốc gia trên thế giới và một trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.
Một em bé chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh minh họa
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu này được coi là một dấu mốc đáng tự hào giúp nâng cao vị thế của Việt Nam đối với bạn bè và đối tác quốc tế.
Với quy mô dân số 100 triệu người cộng với các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển phù hợp, một môi trường chính trị ổn định, một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đầy ấn tượng trong con mắt bạn bè quốc tế.
Để đánh dấu sự kiện đáng ghi nhớ này, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức sự kiện lớn chào đón công dân thứ 100 triệu của quốc gia.
Thời gian dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 4/2023, với 3 hoạt động lớn: Lễ cổ động diễu hành 100 triệu dấu chân con cháu Lạc Hồng; lễ mít tinh sự kiện Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu; lễ thăm và đón công dân thứ 100 triệu tại bệnh viện.
Theo TS Phạm Vũ Hoàng, quy mô dân số lớn mang đến nhiều lợi thế nhưng cũng nhiều thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nước ta vẫn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49 hiện nay của nước ta là gần 25 triệu người và vẫn tiếp tục tăng lên 26 triệu người vào năm 2030. Nhu cầu kế hoạch hóa gia đình ngày một tăng lên với các yêu cầu ngày càng phong phú đa dạng về phương tiện, biện pháp và nâng cao về chất lượng. Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thách thức. Ngoài ra, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình và an toàn tình dục cho tuổi vị thành niên/thanh niên, đặt ra thách thức cho ngành chức năng. |