Theo luật sư, hành vi của Vàng Văn T đã cấu thành tội hiếp dâm nên việc chống trả lại gây thương tích hoặc kể cả chết người của chị Đoan được xem là phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 15 BLHS và các văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành của TANDTC.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vàng Thị Ngân (tức Vàng Mè Đoan, SN 1992, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tả Sử Choóng) về hành vi cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trước đó, vào 16h ngày 17/12, tại nhà Ngân có tổ chức ăn cơm, uống rượu mời anh em trong gia đình đến chung vui, trong đó có người hàng xóm là Vàng Văn T. (SN 1992).
Sau khi ăn uống xong xuôi, mọi người đều ra về chỉ còn Vàng Văn T. ngồi lại. Do bị say rượu nên chồng của Ngân liền vào buồng ngủ. Lúc này, Vàng Văn T. thấy Ngân đang cắm cúi dọn dẹp lại không có ai xung quanh liền nảy ra ý định giở trò đồi bại nên dùng dao lao vào đe dọa, không chế nhằm cưỡng hiếp chị Ngân.
Trong lúc vật lộn, Ngân đã giật được con dao và đâm trúng đùi trái của tên hàng xóm “bỉ ổi”, sau đó vội vàng chạy đi tri hô và gọi người đưa T. đi cấp cứu. Tuy nhiên do vết thương nặng làm đứt hai động mạch, chảy nhiều máu nên T. đã tử vong ngay sau đó.
Sau khi đâm chết Vàng Văn T., Ngân đã nhanh chóng gọi điện trình báo Công an xã Tả Sử Choóng. Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng Công an xã đã nhanh chóng có mặt để bảo vệ hiện trường đồng thời báo cáo lên Công an huyện Hoàng Su Phì để tiến hành điều tra làm rõ vụ việc.
Quá trình điều tra, Công an huyện Hoàng Su Phì xác định: Vàng Thị Ngân phạm tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vàng Thị Ngân (tức Vàng Mè Đoan, SN 1992, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tả Sử Choóng) về hành vi cố ý gây thương tích vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Trao đổi với PV về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết: Điều 20 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Theo luật sư Thơm, hành vi của Vàng Văn T đã xâm hại đến nhân phẩm, sức khoẻ của chị Vàng Mè Đoan được pháp luật bảo vệ. Vàng Văn T đã sử dụng hung khí nguy hiểm đe dọa chị Đoan để nhằm mục đích giao cấu trái ý muốn nên đã cấu thành tội hiếp dâm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 111 Bộ luật hình sự. Tội hiếp dâm là loại tội phạm có cấu thành hình thức nên chỉ cần đối tượng có hành vi dùng vũ lực đe doạ hay các thủ đoạn khác nhằm mục đích giao cấu mà chưa cần phải giao cấu được (do bị chống trả, phát hiện,…) đã cấu thành tội hiếp dâm.
Do hành vi trên của Vàng Văn T đã cấu thành tội hiếp dâm nên hành động chống trả lại gây thương tích hoặc kể cả gây chết người của chị Vàng Mè Đoan cũng được xem là phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn áp dụng thi hành của Tòa án nhân dân Tối cao.
“Cơ quan CSĐT Công an huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vàng Mè Đoan (SN 1992, trú tại thôn Quyết Tiến, xã Tả Sử Choóng) về hành vi cố ý gây thương tích vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo điều 106 Bộ luật Hình sự 1999 là chưa đúng bản chất vụ việc và các văn bản hướng dẫn áp dụng của Tòa án nhân dân Tối cao” – luật sư Thơm nêu quan điểm.
Vẫn theo luật sư Thơm, Vàng Mè Đoan là người phụ nữ dân tộc, hiền lành, nhân thân chưa tiền án, tiền sự, đang có chồng và nuôi con nhỏ. Hành vi của đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm để đe dọa cưỡng hiếp thì việc chống trả gây thương tích dẫn đến tử vong là có căn cứ để xem xét đó là trường hợp thuộc phòng vệ chính đáng.
Điều 15. Phòng vệ chính đáng 1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. |