Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công

Trần Đức| 24/07/2015 00:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sau 2 năm thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP và Chỉ thị số 23/2013/NĐ-CP của Chính phủ, các địa phương đã đạt những kết quả đáng kể nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề phát sinh vướng mắc, cần khắc phục, bổ sung.

Sau khi thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Chỉ thị số 23/2013/NĐ-CP của Chính phủ về “Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”, các địa phương đã đạt những kết quả đáng kể nhưng cũng bộc lộ một số vấn đề phát sinh vướng mắc, cần khắc phục, bổ sung.

Cơ bản các chế độ ưu đãi đã được thực hiện tốt

Theo Cục trưởng Cục Người có công Hoàng Văn Thái, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 31, cơ bản các chế độ ưu đãi người có công đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Cụ thể, quy định bổ sung chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống tại gia đình đã được thực hiện từ ngày 01/9/2012. Hiện đã có trên 7.200 bà mẹ được hưởng trợ cấp người phục vụ. Quy định bổ sung chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình đã được thực hiện từ ngày 1/9/2012, tính đến hết năm 2014 đã có trên 6.300 người được hưởng chế độ.

Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công

 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo tỉnh Long An đến thăm hỏi sức khỏe AHLLVT Nguyễn Thị Ba

Về quy định bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã được thực hiện từ ngày 01/9/2012, tính đến hết năm 2014 đã có gần 6.500 người được hưởng. Và đã điều chỉnh chế độ điều dưỡng luân phiên từ 5 năm sang 2 năm một lần cho 1.200 người được hưởng chế độ điều dưỡng 2 năm một lần; điều chỉnh trợ cấp đối với thân nhân liệt sĩ theo quy định suất liệt sĩ, trường hợp mồ côi cha mẹ hoặc cô đơn không nơi nương tựa được hưởng thêm trợ cấp tuất nuôi dưỡng bằng 0,8 lần mức chuẩn đã được thực hiện từ ngày 01/01/2013. 

Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định về việc chuyển đổi mức trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đối với người đã được công nhận và thực hiện chế độ trước ngày 01/9/2012 được triển khai thực hiện từ ngày 01/1/2013. Tính đến hết năm 2014, đã có trên 153.500 người chuyển hưởng các mức trợ cấp mới, trong đó có14.600 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 21%-40%, 62.500 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41%-60%, 58.000 người được điều chỉnh hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61%-80%, 18.400 người tiếp tục hưởng trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Ngoài ra, Bộ cũng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chế độ ưu đãi ngoài trợ cấp như: chế độ hỗ trợ người có công về nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người có công và con em của họ, chế độ chăm sóc sức khỏe, đẩy mạnh công tác vận động xã hội tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng...

Vướng mắc cần giải quyết

Trong thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 31, cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương và nhân dân đã phát hiện một số vướng mắc và những nội dung còn hạn chế trong quy định thực hiện. Ví dụ: về điều kiện, căn cứ xác nhận còn thiếu, chưa phù hợp giữa các đối tượng; việc điều chỉnh trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chưa đảm bảo đúng quy định của Pháp lệnh đối với một nhóm đối tượng; việc thực hiện chế độ ưu đãi còn chưa đầy đủ đối với một số đối tượng...

Vì vậy, nhằm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công theo hướng đảm bảo đúng quy định và quyền lợi chính đáng của người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung 11 điều của Nghị định số 31/2013/NĐ-CP. Theo đó, Dự thảo và xin ý kiến của các địa phương và các Bộ ngành và nhân dân sửa đổi, bổ sung Nghị định 31 tại 11 Điều (Sửa đổi, bổ sung Điều 6, Điều 12; Điều 7, Điều 13; Khoản 6 Điều 20; Khoản 1 Điều 23; Khoản 6 Điều 42; Điều 55; Điều 61; Điều 64, 65). 

Về vấn đề đánh giá kết quả Tổng rà soát việc thực hiện ưu đãi đối với người có công, ông Hoàng Công Thái cho biết: Theo báo cáo từ số liệu của các Bộ ngành và địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổng hợp số liệu kết quả như: Tổng số đối tượng rà soát là 2.070.812, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.796 người, chiếm tỷ lệ 95.75%; số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người, chiếm 4.16%; và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%.

Bộ đã có báo cáo số 19/BC-LĐTBXH ngày 20/3/2015 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị các địa phương báo cáo việc xử lý, giải quyết những trường hợp hưởng chưa đầy đủ, hưởng sai chính sách và những trường hợp đề nghị xác nhận người có công theo thời gian trong quy định. Theo đó, qua giải quyết sau rà soát theo yêu cầu tại báo cáo, tính đến nay đã có 61/63 tỉnh báo cáo (tỉnh Thái Bình và Thừa Thiên - Huế chưa báo cáo).

Ông Nguyễn Văn Tiến - Chánh Thanh tra Bộ cho biết: Qua kết quả thanh tra thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng từ năm 2012 đến 6/2015, thanh tra Bộ đã kiểm tra là 18.966 hồ sơ, số hồ sơ có dấu hiệu sai phạm là 3.241 hồ sơ, chiếm 17,17%. Số hồ sơ bị đình chỉ là 1.364 hồ sơ (chiếm 7,23%), tổng số tiền đã thu hồi là 38,7 tỷ đồng.

Thanh tra các địa phương đã tiến hành thanh tra (từ 2008 đến hết 2013), theo số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố đã có 7.085 người bị đình chỉ chi trợ cấp sai, trong đó do giả mạo, khai man hồ sơ là 4.230 người, lý do khác là 2.855 người. Số tiền thu hồi được 75.660.600 đồng (48% số tiền phải thu), số đối tượng bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự là 1.762 người, số đối tượng bị đưa ra xét xử là 48 người.

Giải quyết kịp thời cho các đối tượng hưởng chính sách

Các địa phương như: Quảng Trị, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Cục chính sách Bộ Quốc Phòng, Nam Định, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình... cũng đã nêu ý kiến liên quan đến vấn đề tồn đọng chính sách chưa giải quyết được cho các đối tượng như: Tồn đọng chính sách liệt sĩ, mà vướng nhất là hồ sơ liệt sĩ, thương binh không còn hồ sơ gốc; quy định về hưởng trợ cấp chất độc hóa học da cam trong việc giám định lại vết thương; đối tượng bị bắt tù đầy, vợ liệt sĩ tái giá; giám định vết thương còn sót...

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng: Công tác chăm sóc đối với người có công là hết sức quan trọng. Đặc biệt năm 2015 có diễn ra nhiều sự kiện lớn và là năm kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành LĐ-TBXH. Bộ trưởng cho rằng, trong quá trình triển khai chính sách người có công, chúng ta cần phải thực hiện và giải quyết kịp thời cho các đối tượng hưởng chính sách.

Về vấn đề thanh tra, Bộ trưởng cho rằng mục tiêu thanh tra và quyết định thanh tra số hồ sơ làm sai thì các địa phương cần chủ động thanh tra và có hướng xử lý cho phù hợp. Bộ trưởng cũng đề nghị thanh tra xong nên cho các đối tượng bị thanh tra đối chứng để họ biết. Khi phát hiện vi phạm chưa vội dừng mà tiếp tục xem xét và đối chứng với đối tượng sai thì lúc đó mới cắt là phù hợp. Còn những trường hợp nào cụ thể thì chúng ta giải quyết ngay.

Tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét để sửa đổi, bổ sung kịp thời các vấn đề trong Nghị định 31 mà các ý kiến đề xuất và kiến nghị của các địa phương. Bộ trưởng cho rằng trong văn bản 1246 của Cục Người có công cần trao đối với Bộ Y tế về vấn đề liên quan đến bệnh về thần kinh ngoại biên để phối hợp xử lý kịp thời. Bộ trưởng cũng đề nghị Cục người có công cần phối hợp Cục Chính sách Bộ Quốc phòng để xem xét xử lý các vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách người có công liên quan đến Thông tư 28.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công