Bộ Y tế vừa có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung ứng vắc xin phòng bệnh kết hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván phục vụ nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván là các bệnh đã được chủ động phòng tránh bằng cách tiêm phòng vắc xin thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng như tiêm chủng dịch vụ.
Hiện nay, vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván là đủ để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân và mục tiêu của tiêm chủng. Tuy nhiên, gần đây Bộ Y tế cũng vẫn ghi nhận một số ca bệnh đã xảy ra cục bộ trên một số địa bàn.
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván đủ để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của người dân
Hiện nay, có 7 loại vắc xin phòng bệnh kết hợp được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó có thể phòng đủ cả 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bao gồm: Vắc xin Adacel (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván); vắc xin bạch hầu, ho gà uốn ván hấp phụ (DPT) (phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván); vắc xin Tetraxim (phòng 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt); vắc xin Pentaxim (phòng 4 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván); vắc xin Combi Five (phòng 5 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Hib); vắc xin Hexaxim (phòng 6 bệnh bạch hầu, ho gà, viêm gan B, bại liệt, bệnh do Hib).
Để đảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh kết hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván cho nhu cầu tiêm chủng của người dân, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở y tế có kế hoạch trong việc dự trù, dự trữ, chủ động liên hệ kịp thời với các đơn vị nhập khẩu, cung ứng để ký kết hợp đồng, đấu thầu, mua sắm nhằm đảm bảo kịp thời có đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế có thực hiện hoạt động tiêm phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng cần có kế hoạch cụ thể trong việc dự trù, dự trữ vắc xin nhằm đảm bảo kịp thời có đủ vắcxin phòng bệnh kết hợp bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo về Cục Quản lý Dược để được giải quyết theo quy định.