Mặc dù là huyện có nhiều hệ thống thủy điện lớn như Thủy điện Đồng Nai 3, Thủy điện Đồng Nai 4. Song vẫn có tới 20% hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.
Muốn có điện, người dân phải tự mua dây và tạo cột điện bằng những khúc gỗ, thân cây… Điều đáng nói ở đây là những cột điện này hoàn toàn không có độ an toàn, nhất là sau thời gian gỗ bị mục nát, gặp mưa, gió lớn có thể đổ bất cứ lúc nào. Chính vì vậy đây có thể là nơi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn điện giật cao cho người dân.
Rùng mình cột điện tự chế
Trên tuyến đường liên xã Quảng Khê đi Đắk R’Măng huyện Đắk Glong nhìn các cây cột điện được dựng bằng những thân cây khẳng khiu, yếu ớt gác chằng chịt những đường dây điện khiến người đi lại không khỏi “rùng mình”.
Mới gần đây nhất ngày 19/06 sau trận mưa giông, cột điện ở thôn 3 xã Quảng Khê trên đoạn đường đi thủy điện Đồng Nai 4 đã bất ngờ đổ đè lên chiếc xe tải BKS 48L1392 đang lưu thông trên đường. Rất may không có thiệt hại về tính mạng nhưng cũng là cảnh báo một sự nguy hiểm khi tiếp tục sử dụng cột điện tạm bợ kiểu này.
Người dân tại thôn 3 xã Quảng Khê (Đắk Glong, Đắk Nông) tự dựng cột điện bằng gỗ
Chị Nguyễn Thị Hoài người dân thôn 3 xã Quảng Khê nói: “ Không có ai muốn đùa với điện cả, nhưng chi phí để mua cột điện bằng bê tông đắt quá, chúng tôi làm sao đủ tiền để mua”.
Cũng chung nỗi bức xúc ấy, ông Nguyễn Viết Long người dân xã Quảng Khê nói: “Trẻ con đi học, người già, trẻ đi làm ngày nào cũng qua đây thấy sợ lắm. Nhiều lần bà con trong xã phản ánh tình trạng trên đến chính quyền, nhưng cũng đâu có biến chuyển gì. Dùng cột điện bằng thân cây thế này cũng biết là nguy hiểm, nhưng bà con ở đây vẫn phải sử dụng vì dân chúng tôi nghèo lắm không đủ tiền mua cột điện bằng bê tông nên đành chấp nhận sống với nguy hiểm thôi, cũng mong có được sự hỗ trợ thêm của cấp trên để chúng tôi dùng điện được an toàn”.
Điệp khúc “đổ lại dựng”…
Trong tình trạng dở khóc dở cười, chúng tôi bước vào nhà anh Nguyễn Văn Thế tại thôn 3, xã Quảng Khê phải né qua mớ dây điện bùng nhùng, được người dân túm lên cây trứng cá cao hơn 1m trước ngõ.
Anh thế cho biết: Sau khi cột bị mục đổ mọi người vắt tạm lên đây chờ dựng lại cột khác”
Gia đình anh Nguyễn Văn Thế luôn sống trong lo lắng vì những lúc cột điện gãy dây điện lại giăng mắc khắp đường đi vào nhà anh.
Mỗi khi cột điện bằng gỗ đổ người dân tại thôn 3 xã Quảng Khê (Đắk Glong, Đắk Nông) lại huy động nhau nối dây, dựng lại cột một cách tạm bợ và không có bất cứ một dụng cụ bảo hộ lao động nào. Kiến thức để sửa điện chỉ dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu. Khi được hỏi tại sao không nhờ nhân viên bên điện lực giúp thì một người dân ở đây cho biết: “Nhờ không họ đâu có được, phải có tiền mà mùa mưa tình trạng gãy đổ là thường xuyên, mỗi lần như thế lại nhờ họ thì tiền đâu mà trả với lại chúng tôi sửa nhiều cũng thành quen”.
Đoạn đường đi vào Bon B'SreB, xã Đắk Som (Đắk Glong) mạng lưới điện không khác gì một mạng nhện lớn có thể đổ ập xuống bất cứ khi nào.
Những đường dây điện mắc tạm bợ trên những cành gỗ khô
Không phải ai cũng sửa được điện, phải là những người có chuyên môn về điện bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, người dân cũng phải trả giá bằng tính mạng. Rời khỏi nơi đây, một câu hỏi đặt ra là: Nếu không may trong quá trình sửa điện xảy ra sự cố gây thiệt hại về mạng người thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Cơ quan nào? Đơn vị nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Hay người dân làm, dân chịu?
Rõ ràng, những cây cột điện tự chế thế này luôn thường trực nguy cơ với người đi đường. Vì vậy cần có biện pháp “xóa” những cây cột điện gỗ này và đó cũng là kiến nghị cấp thiết của người dân sở tại.