Trước tình hình dịch dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam đề nghị bà con gốc Việt và công dân Việt Nam không cố gắng di chuyển sang Việt Nam theo các đường dây đưa người trái phép.
Bình tĩnh, thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch tại địa phương
ngày 24/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã gửi thông điệp tới cộng đồng người gốc Việt và công dân Việt Nam đang sinh sống tại Campuchia, trong đó kêu gọi bà con bình tĩnh, thực hiện nghiêm mọi chính sách, quy định và biện pháp phòng chống dịch bệnh của chính quyền địa phương.
Tính đến ngày 22/4, gần 1,3 triệu người sống tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 (tương đương khoảng 8% dân số Campuchia).
Theo đánh giá của Đại sứ Vũ Quang Minh, tốc độ và tỷ lệ tiêm chủng của Campuchia cao hàng đầu ở Đông Nam Á và cả trên thế giới bởi Campuchia chỉ có khoảng 16 triệu dân. Chính quyền sở tại đã cho bà con gốc Việt ở trên 10 tỉnh, thành phố đăng ký tiêm chủng như công dân Campuchia.
Vừa qua, tỉnh Kandal đã tổ chức tiêm chủng đợt đầu cho khoảng 200 bà con gốc Việt tại xã Xam Pau Pun (đối diện cửa khẩu quốc tế Long Bình-Chrey Thom).
Thông điệp của Đại sứ quán Việt Nam khẳng định rất thông cảm với những khó khăn hiện nay của cộng đồng; bà con gốc Việt và công dân Việt Nam cần tuân thủ tuyệt đối các quy định phong tỏa.
Sứ quán đề nghị bà con gốc Việt và công dân Việt Nam không cố gắng di chuyển sang Việt Nam theo các đường dây đưa người trái phép. Hiện nay, các cửa khẩu và đường biên được lực lượng an ninh và biên phòng cả hai nước kiểm soát rất nghiêm ngặt và có hình phạt nghiêm khắc với người vượt biên trái phép, bao gồm phạt tiền và tù giam.
Tuần qua, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ra thông báo, tái khẳng định không phạt các trường hợp visa du lịch bị quá hạn do không có đường bay quốc tế và khách du lịch bị kẹt lại ở Campuchia. Công dân Việt Nam còn giữ giấy tờ hợp pháp, dù quá hạn visa nhập cảnh Campuchia hoặc quá hạn sử dụng của hộ chiếu, vẫn được phép xuất cảnh Campuchia và nhập cảnh Việt Nam mà không phải yêu cầu nộp phạt quá hạn visa và hộ chiếu.
Trên cơ sở này, khi Campuchia dỡ bỏ các quy định phong tỏa và cấm đi lại giữa các tỉnh, công dân Việt Nam có thể nhập cảnh chính thức dễ dàng và thuận tiện qua các cửa khẩu quốc tế đường bộ giữa Campuchia và Việt Nam, cách ly theo quy định với chi phí rất thấp, không cần phải lo lắng bị phạt rồi tìm cách vượt biên trái phép, dẫn đến việc bị bắt giam, phạt nặng và đưa ra tòa xét xử theo luật định, nhất là trong trường hợp gây lây nhiễm cho cộng đồng trong nước.
Trong trường hợp khẩn cấp, các công dân Việt Nam bị kẹt lại ở Campuchia cần nhập cảnh về Việt Nam ngay lập tức trong thời gian phong tỏa, hoặc cần hỗ trợ về lương thực, đề nghị liên lạc theo các đầu mối:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia (Phnom Penh): số điện thoại +855 975116789.
- Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Preah Sihanouk: +855 882248888.
- Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang: +855 979636636
Các ca COVID-19 nhập cảnh từ Campuchia đều mang biến thể
Trong bối cảnh khác, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
Kết quả Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam cho thấy: 85,7% mẫu những người về từ Campuchia mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam Phi).
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đang rất lo lắng với nguy cơ dịch bệnh ở khu vực biên giới Tây Nam. Một điều lo lắng là nguy cơ các biến chủng kép của Ấn Độ, biến chủng của Anh tại Campuchia có thể xâm nhập vào nước ta mà chúng ta không thể biết được. Nếu xảy ra, thì việc việc lây nhiễm tại cộng đồng là rất lớn.
Về phía Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị kịch bản là khu vực này xuất hiện những ca lây nhiễm tại cộng đồng, có những ca lây nhiễm trong cộng đồng mà chúng ta chưa biết, xuất hiện lây nhiễm mạnh trong cộng đồng.
Các kịch bản này đều được rà soát kỹ, đánh giá lại để rồi Bộ Y tế cũng đã đưa ra nhắc nhở, khuyến cáo với các địa phương trong khu vực. Vừa rồi Ban chỉ đạo quốc gia cũng đã tổ chức họp với tất cả các tỉnh ở khu vực Tây Nam có biên giới với Campuchia để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
Tính đến ngày 24/4, diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia tiếp tục phức tạp với ca nhiễm mới tăng ở mức 3 con số đồng thời ghi nhận ngày có số ca tử vong cao nhất kể từ “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2."
Chính phủ Campuchia đã áp dụng nhiều biện pháp kiên quyết để nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, chặn đứng chuỗi lây nhiễm, cố gắng vượt qua thách thức to lớn hiện nay, trong đó có việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine và mở rộng xét nghiệm; phong tỏa thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao, thành phố Preah Sihanouk; xác định các “khu vực đỏ” - nơi cần tăng cường giãn cách xã hội và cách ly triệt để.
Một loạt các chợ đã buộc phải đóng cửa, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất đã phải ngừng hoạt động. Tình hình này làm cho đời sống của người dân Campuchia nói chung và của cộng đồng người gốc Việt gặp thêm nhiều khó khăn.