Đó là nhận định của ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa IX, Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa VIII và IX.
Nhiệm kỳ XII tạo chuyển biến trên nhiều lĩnh vực
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã bầu, phê chuẩn các chức danh nhà nước. Tiếp đó, Bộ Chính trị cũng hoàn tất việc phân công, kiện toàn Ban Bí thư. Công tác nhân sự của hệ thống chính trị ở trung ương đến thời điểm hiện nay cũng đã cơ bản hoàn tất.
Theo đánh giá của ông Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư khóa IX, Ủy viên Bộ Chính trị hai khóa VIII và IX: Nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ… đã có sự phối hợp hài hòa, tạo chuyển biến chung trên nhiều lĩnh vực.
Do vậy, Việt Nam đã nhanh chóng thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng, xuất hiện ở cuối nhiệm kỳ khóa XI. Thời điểm đó, những tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên trong bộ máy, trong các doanh nghiệp nhà nước tràn lan… đã làm sụt giảm lòng tin của nhân dân bị sụt giảm nghiêm trọng…
Ông Phan Diễn cũng nhận định, khi đất nước đang đứng trước hoàn cảnh phức tạp, nếu không chấn chỉnh kịp thời các vấn đề bên trong, để lòng tin của nhân dân tiếp tục sụt giảm thì sẽ rất nguy hiểm. Khóa XII đã nhanh chóng xoay chuyển tình thế, bắt đầu bằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dần lấy lại lòng tin của nhân dân. Bộ máy của Đảng, Nhà nước từng bước vững mạnh trở lại. Kinh tế vĩ mô được cải thiện, xã hội phát triển theo hướng lành mạnh. Năm cuối nhiệm kỳ, chúng ta gặp phải thách thức đại dịch COVID-19 thì Chính phủ và cả hệ thống chính trị đã ứng phó rất tốt, kiểm soát được tình hình…
Theo ông Phan Diễn, nhiệm kỳ khóa XII đặt được nền móng, tạo được cơ sở rất thuận lợi cho các chuyển biến tiếp theo và Đại hội XIII đã tiếp tục củng cố, phát huy những thành tựu ấy.
Thành tựu mà Đảng, Nhà nước đạt được trong khóa XII và Đại hội XIII đã phục hồi niềm tin, khơi dậy khát vọng của cả dân tộc hướng tới mục tiêu quốc gia giàu mạnh, hùng cường. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đây là thực tế đã được chứng minh đến thời điểm hiện tại.
Đại hội XIII đã rất thành công, cùng là kết quả của một quá trình. Đảng, Nhà nước đã rất khẩn trương, năng động, tiếp tục phát huy những thành công đó của đại hội. Công tác kiện toàn nhân sự nhà nước ở trung ương được triển khai ngay, không chờ Quốc hội khóa mới. Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cũng được chuẩn bị rất tích cực.
Lý giải nội dung này, ông Phan Diễn cho biết, trước đây, Đại hội Đảng toàn quốc kết thúc cả năm rồi mới bầu lại Quốc hội, rồi mới kiện toàn bộ máy nhà nước. Sau Đại hội Đảng, hoạt động của hệ thống như chùng lại, trong tâm lý đợi chờ… Chúng ta đã từng bước khắc phục điều này. Đến sau Đại hội XII đã tiến hành kiện toàn nhân sự ngay và sau Đại hội XIII này tiếp tục cách làm tốt ấy.
Như vậy, sau đại hội chỉ 3 tháng, bao gồm cả thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, Đảng đã phân công xong các thành viên Bộ Chính trị, kiện toàn Ban Bí thư. Quốc hội đã nhanh chóng bầu, phê chuẩn phần lớn chức danh lãnh đạo chủ chốt Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội là các thiết chế nhà nước quan trọng nhất. Guồng máy mới được kiện toàn, sẵn sàng lao vào công việc bộn bề của nhiệm kỳ mới.
Có thể nói, chúng ta đã tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Về cơ bản, tôi thấy những thay đổi về nhân sự lãnh đạo Đảng ở Đại hội XIII và nhân sự sau kỳ họp Quốc hội vừa qua đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Nếu tới đây ta tiếp tục xử lý các vấn đề nhân sự tốt thì niềm tin, sự ủng hộ ấy sẽ lớn hơn.
“Tôi thấy các đồng chí mới được trung ương, Bộ Chính trị tín nhiệm, Quốc hội bầu vào các vị trí quan trọng đều từng được đào tạo bài bản, có quá trình luân chuyển qua nhiều vị trí công tác, có điều kiện tích lũy kinh nghiệm. Có đồng chí rất năng nổ, sáng tạo, quyết đoán, có nhiều đóng góp khi công tác ở địa phương cũng như sau này ở trung ương. Nhân dân, Tổ quốc rất kỳ vọng, mong đợi, đòi hỏi và chỉ bằng hành động cụ thể mới chứng minh được…” ông Phan Diễn nhận định.
Cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn nhiều thách thức
Trước khi Quốc hội họp mấy ngày, Trung ương khóa XIII đã họp hội nghị lần thứ 2, thông qua chương trình làm việc toàn khóa. Theo ông Phan Diễn, nhiệm kỳ khóa XII làm được nhiều việc tốt, kết quả Đại hội XIII là rất tích cực, thế nhưng chưa thể nói là chúng ta đã khắc phục được hết các nhược điểm.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đứng trước những nhiệm vụ rất nặng nề. Những gì làm được mới là khắc phục một bước, ngăn chặn một bước. Trong thực tế, những hiện tượng cán bộ hư hỏng, thoái hóa, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị.
Tôi rất mong Trung ương Đảng có chủ trương liên tục rút kinh nghiệm về phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả lĩnh vực.
Sự nghiệp đổi mới 35 năm, Đảng ta, nhân dân ta đã trưởng thành rất nhiều. Chúng ta cũng đã trải qua nhiều vấp váp, sai lầm và cũng có nhiều kinh nghiệm thành công. Thời gian đã chín muồi để đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng.
Những hư hỏng trong bộ máy vừa qua có trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành pháp luật… Đảng ta đã rút kinh nghiệm, đã có những sửa đổi nhất định nhưng tôi nghĩ vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục xem xét, bàn luận, tiếp tục đổi mới hơn nữa.
Việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng không phải làm một lần là xong. Thế giới và trong nước đang biến đổi, chuyển động không ngừng, buộc Đảng ta phải liên tục đổi mới. Cho đến nay, Đảng cần tổng kết, rút kinh nghiệm về phương thức lãnh đạo của Đảng một cách bài bản, toàn diện. Theo tôi, giờ đã đến lúc làm và sẽ còn cần làm nhiều lần, ông nhấn mạnh.
Còn theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Nghị quyết Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ “hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…”.
Ông rất kỳ vọng các đề án mà Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ thảo luận, chủ yếu ở ba năm đầu nhiệm kỳ, sẽ làm rõ nội hàm của thể chế phát triển kinh tế thị trường là gì và phải nhận biết những điểm nghẽn đang tồn tại để hoàn thiện.
Thể chế phát triển kinh tế thị trường được cấu thành từ 5 yếu tố như: Quyền tài sản; Thị trường tự do; Cạnh tranh; Phân công lao động; Hợp tác. Hiện nay các cấu thành này đã được hình thành, vận hành khá trôi chảy, nhưng vẫn còn điểm nghẽn.
Với quyền tài sản đối với đất đai, điểm nghẽn thường xuất hiện ở quyền định giá đất, quyền thu hồi đất, quyền cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hệ quả là tranh chấp, khiếu nại xảy ra thường xuyên; giao dịch dễ bị ách tắc; công bằng xã hội khó được bảo đảm. Nếu những điểm nghẽn này đến năm 2023, Hội nghị Trung ương 7 nhận diện, tháo gỡ được thì sẽ rất tốt…
Đây đó vẫn còn hay tranh luận thế nào là định hướng XHCN. Nên chăng đơn giản hóa là định hướng về sự công bằng. Như thế vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm được công bằng xã hội chính là định hướng XHCN.
Để làm được điều này, Nhà nước phải có đủ năng lực vừa tái phân phối thu nhập nhưng vừa không làm triệt tiêu động lực làm việc, động lực kinh doanh. Và Nhà nước nhận hết về mình trách nhiệm bảo đảm quyền tiếp cận y tế, giáo dục và các dịch vụ công thiết yếu khác cho mọi người dân…
Nếu giải quyết được những bài toán nêu trên, chắc hẳn Đảng sẽ để lại dấu ấn tích cực, tác động lan tỏa cho nhiều nhiệm kỳ tiếp theo, như khát vọng 2030, 2045 mà Đại hội XIII đã khơi dậy, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho hay.