Trong khuôn khổ IPU-132, Ủy ban thường trực về Dân chủ và Nhân quyền đã họp tổng kết về phiên họp IPU-131; hoàn chỉnh và thông qua NQ “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người.
Tại phiên họp lần này, như đã quyết định tại Đại hội đồng IPU-131, Ủy ban sẽ tiếp tục công việc của mình thông qua Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công nội bộ của nhau và quyền con người”.
Phiên thảo luận chung. Ảnh: TTXVN
Dựa trên những nội dung đã được thống nhất, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của tất cả các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, trong việc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người dân, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào giữa các chủng tộc, sắc tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay trạ ng thái khác... Tầm quan trọng của các khuôn khổ pháp lý quốc tế hiện hành về quyền của phụ nữ và bình đẳng giới, đặc biệt là Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện tại về phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp, ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung cho biết, hôm nay Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền Đại hội đồng IPU-132 đã thảo luận một phiên hết sức quan trọng. Ủy ban đã tiến hành thảo luận dự thảo Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”. Đây là nghị quyết được soạn thảo từ Đại hội đồng IPU-131, do còn có ý kiến khác nhau nên chưa thông qua được. Bởi các quốc gia có nhiều quan điểm khác nhau, có quốc gia đề cao luật pháp quốc tế, có nước đề cao chủ quyền quốc gia, có quốc gia đề cao quyền con người, có quốc gia lại không đặt trong quan hệ tương hỗ giữa 3 yếu tố luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người nên có những quan điểm khó dung hòa. Việc tiếp thu ý kiến giữa các quốc gia vẫn chưa được các nước đồng thuận nên quyết định chuyển tới Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội để thông qua nghị quyết quan trọng này.
Cũng theo ông Lê Minh Thông, tại phiên họp, các đại biểu đã đồng thuận biểu quyết thông qua Nghị quyết về “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người” ở cấp Ủy ban và sẽ trình lên Đại hội đồng. Đây là nghị quyết quan trọng thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Việt Nam có những đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận tại kỳ Đại hội đồng lần trước. Việt Nam đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích trong chủ quyền quốc gia; không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Thực chất luật pháp quốc tế cũng nhằm bảo vệ quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam hoan nghênh Liên minh Nghị viện Thế giới thông qua nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua, nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người sẽ được các nước chú trọng thực hiện một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán.
*Cùng ngày, Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế tiếp tục thảo luận, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng: Mối đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và an ninh thế giới”.