Ngày 25/12, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023 - 2028) đã khai mạc. Đại hội tập trung thảo luận và đưa ra nhiều chỉ tiêu cụ thể, mục tiêu chiến lược quan trọng của giai cấp nông dân Việt Nam trong 5 năm tới.
Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, Đại hội diễn ra trong 3 ngày 25, 26 và 27/12 để tập trung thảo luận và đưa ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong 5 năm tới.
Dự đại hội lần này có 995 đại biểu chính thức, là những cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 10 triệu cán bộ, hội viên nông dân trên cả nước.
Tại đại hội, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo các văn kiện quan trọng của đại hội, gồm: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII trình đại hội, dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII và dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi).
Về tổ chức nhân sự, dự kiến Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VIII (nhiệm kỳ 2023-2028) có 119 thành viên. Trong đó, đại hội sẽ bầu 33 thành viên thuộc Trung ương hội; các tỉnh, thành phố là 63 người; các bộ ngành Trung ương 6 người; khối doanh nghiệp, hiệp hội 7 người...
Trong ngày làm việc đầu tiên 25/12, Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch; Đoàn thư ký; Ban thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu; tiến hành thông qua Chương trình làm việc của Đại hội; thông qua Quy chế làm việc của Đại hội.
Đại hội đã nghe trình bày dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII; nghe trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam và dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi; nghe thông báo Quyết định thành lập các Trung tâm thảo luận và hướng dẫn thảo luận.
Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023 là nhiệm kỳ đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách do những yếu tố, điều kiện khách quan tác động. Trước tiên, đó là những khó khăn chung của tình hình thế giới, đặc biệt đại dịch COVID-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp; từ đó giá cả các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi… tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho nông dân. Đứng trước bối cảnh như vậy, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ cho nông dân thích ứng với tình hình, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng các Chương trình, Kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống Hội tập trung vào những hoạt động thiết thực, hiệu quả, gắn chặt với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân. Thông qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia tổ chức Hội. Đồng thời, các tổ chức Hội cũng tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng định hướng về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, trong nhiệm kỳ qua, hội viên nông dân đã tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân Việt Nam phát động. Đặc biệt, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế, xã hội ở nông thôn. Hội Nông dân Việt Nam có 3,6 triệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực đổi mới phương thức tập hợp, đoàn kết hội viên nông dân thông qua các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân tỷ phú, câu lạc bộ nông dân với pháp luật hoạt động rất hiệu quả.
Điểm mới, rất thiết thực trong nhiệm kỳ vừa qua các cấp Hội đã làm rất tốt, đó là hỗ trợ cho hội viên quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản. Trong thời gian đại dịch COVID-19, các cấp Hội phối hợp với 726 cửa hàng nông sản an toàn do Hội phối hợp và trực tiếp xây dựng, phát triển trên toàn quốc kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Có thể khẳng định, thông qua những hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở và gắn chặt với quyền, lợi ích chính đáng của Hội Nông dân Việt Nam, hội viên, nông dân ngày càng gắn bó với tổ chức hội. Vai trò, vị thế tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng được khẳng định và ghi nhiều dấu ấn.
Điểm nổi bật trong hoạt động của nhiệm kỳ vừa qua, đó là Hội Nông dân đã trực tiếp tham gia, góp ý xây dựng chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn như Nghị quyết số 19- NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Chủ tịch Thường trực Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam cho biết, phiên trọng thể của đại hội sẽ diễn ra sáng 26/12. Đại hội dự kiến được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tới dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo đại hội.