Ngày 16/11, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển (1994- 2024). Đây là dịp để các thế hệ thầy và trò ĐHĐN cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của một thời khó quên, đầy gian nan, thử thách nhưng cũng đầy ắp niềm vui và tự hào.
PGS.TS.Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐHĐN cho biết, phát huy truyền thống gần 50 năm của các trường thành viên, thừa hưởng lợi thế đóng chân trên địa bàn TP. Đà Nẵng “năng động”, “đáng sống”, ĐHĐN đã đạt được những dấu ấn, thành tựu quan trọng, to lớn, toàn diện và đáng tự hào; thực sự là “nơi hun đúc trí tuệ, tài năng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước”.
Thành quả nổi bật của ĐHĐN là đã đào tạo, cung ứng một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà giáo, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu. Nhân dịp này, Giám đốc ĐHĐN trân trọng gửi lời tri ân đến các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đã không ngừng nỗ lực phấn đấu đóng góp vào sự phát triển lớn mạnh của ĐHĐN. Đồng thời, đại diện lãnh đạo ĐHĐN trân trọng cám ơn Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, đặc biệt là Bộ GDĐT, chính quyền, nhân dân TP. Đà Nẵng cũng như các địa phương, doanh nghiệp, đối tác.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, để xứng tầm một ĐH vùng trọng điểm quốc gia, đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung- Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, ĐHĐN tiếp tục quyết tâm cao, nỗ lực lớn triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững, phấn đấu hiện thực khát vọng lớn thành ĐH Quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW) của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ; thực sự là một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của cả nước, có uy tín quốc tế trong khu vực và thế giới, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Ngày đầu thành lập, ĐHĐN có 5 trường thành viên với gần 800 giảng viên/1.200 cán bộ viên chức. Đến nay, ĐHĐN hiện có 6 trường ĐH thành viên, 3 đơn vị đào tạo trực thuộc cùng các viện, trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, với hơn 1.600 giảng viên/2.600 cán bộ viên chức. Với 8 GS, 130 PGS, gần 800 TSKH, TS; tỷ lệ giảng viên có trình độ TS trở lên đạt gần 50% (so với mức bình quân chung cả nước khoảng 32%), trong đó, Trường ĐH Bách khoa có tỷ lệ cao nhất (trên 70%).
Hầu hết cán bộ giảng viên trẻ được đào tạo bài bản ở các nước phát triển, giỏi chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, khi về nước tiếp tục lĩnh vực nghiên cứu của mình, giữ quan hệ tốt với đồng nghiệp nước ngoài, nhờ đó các hướng nghiên cứu và nội dung giảng dạy liên tục được cập nhật.
30 năm qua, ĐHĐN đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn kỹ sư công nghệ, các nhà quản lý, các nhà giáo và chuyên gia ngôn ngữ, nhà khoa học và doanh nhân. Nhờ đội ngũ giảng viên có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm, sinh viên ĐHĐN được học tập trong một môi trường sư phạm tốt, được hướng dẫn phát huy năng lực sở trường và thế mạnh của từng người nên chất lượng sinh viên tốt nghiệp tại ĐHĐN được xã hội đánh giá cao.
Quy mô đào tạo và ngành nghề của ĐHĐN thuộc top các trường ĐH lớn nhất trong cả nước. Khi mới thành lập, ĐHĐN chỉ có 33 mã ngành đào tạo đại học, cao đẳng với quy mô gần 15 nghìn sinh viên. Đến nay ĐHĐN đã có 136 ngành đào tạo đại học, 48 ngành đào tạo thạc sĩ và 32 ngành đào tạo tiến sĩ, trong đó có 28 chương trình tiên tiến, chất lượng cao, 08 chương trình đào tạo giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh; với quy mô gần 65.000 sinh viên, học viên sau đại học.
ĐHĐN xem chất lượng đào tạo là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của một trường đại học. Vì vậy, công tác đảm bảo chất lượng, kiểm định giáo dục luôn được đặc biệt chú trọng, cam kết và thực thi văn hóa chất lượng trong mọi hoạt động.
Đến nay, ĐHĐN xếp thứ 3 trong cả nước với 95 chương trình được kiểm định, trong đó có 53 chương trình đào tạo được kiểm định theo chuẩn quốc tế và khu vực. Đặc biệt, Trường ĐH Bách khoa- là một trong bốn trường ĐH đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn chất lượng quốc tế HCERES (Châu Âu). Liên tục trong những năm qua, ĐHĐN được đánh giá, xếp hạng thuộc top ĐH hàng đầu Việt Nam, được QS xếp hạng nằm trong top 500 đại học tốt nhất châu Á.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả và đóng góp của ĐHĐN trong 30 năm qua.
“Đại học Đà Nẵng là đại học vùng, có sứ mệnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực mũi nhọn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước. Trong 30 năm qua, ĐHĐN đã đào tạo cho đất nước hàng vạn nhân lực có trình độ cao trên nhiều lĩnh vực, đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước”, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Tại buổi Lễ, đại diện lãnh đạo ĐHĐN đã đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GDĐT vì có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển; Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Đắk Lắk vì có nhiều đóng góp, thành tích xuất sắc trong đào tạo nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.
Bộ trưởng Bộ GĐĐT tặng Bằng khen cho 16 tập thể và 30 cá nhân của ĐHĐN vì đã có thành tích xuất sắc đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển ĐHĐN. Giám đốc ĐHĐN tặng Giấy khen cho 12 tập thể và 27 cá nhân của ĐHĐN vì có những đóng góp nhân kỷ niệm 30 năm xây dựng và phát triển ĐHĐN.