Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội kỳ họp thứ 7 vừa qua về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã có nhiều ý kiến xác đáng về Dự luật này.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đã phù hợp với định hướng cải cách tư pháp và Hiến pháp 2013, đồng thời Dự luật được chuẩn bị công phu và tập hợp nhiều ý kiến của nhân dân, của các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, về nội dung và nội hàm của quyền tư pháp ở Điều 2, ĐB Nghĩa cho rằng, đây là điều khoản rất quan trọng đối với luật này cũng như các Luật khác sau này như Luật Tố tụng hình sự, dân sự có liên quan. Do đó, ông lưu ý mấy điểm sau:
Thứ nhất, khoản 3 Điều 2 quy định: "Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân", ông Nghĩa đề nghị đưa khoản này lên thành khoản 2 của Điều 2. Khoản 1 là "TAND là cơ quan xét xử…"; khoản 2 là chức năng, nhiệm vụ. Khoản 2 bây giờ thành khoản 3. Trong khoản 3 có ý là "bằng hoạt động của mình Tòa án góp phần giáo dục công dân", ông Nghĩa cho rằng không nên ghi như vậy, bởi vì quyền tư pháp được định nghĩa là quyền của công dân, mà chúng ta nói giáo dục công dân thì nó hơi ngược, có thể sửa lại là giáo dục người phạm tội thì hợp lý hơn.
Điểm 2b tức là áp dụng, kiểm tra, hủy bỏ việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế Nhà nước, ông nhất trí với quyền tư pháp vươn đến giai đoạn này. Tuy nhiên, ông Nghĩa băn khoăn, đình chỉ và hủy bỏ thì được, còn Tòa án không nên ghi vào là áp dụng các biện pháp này, tức là kiểm tra người khác và có thể đình chỉ, hủy bỏ. Ngoài ra phải làm rõ, Tòa án thực hiện nhiệm vụ này theo thủ tục nào? Bởi lẽ, theo ông, phải có luật quy định thủ tục cho công việc này, cho chức năng này vì chức năng này không nằm trong phạm vi tố tụng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa
Khoản 2d về kiểm tra, kết luận tính hợp pháp hoặc có căn cứ của các quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, các hành vi của người tiến hành tố tụng. Do đó, ông đề nghị phải làm rõ sự khác nhau ở chỗ là trước khi xét xử thì thẩm quyền của Tòa án thế nào? Trong giai đoạn điều tra, Tòa án đã có thẩm quyền này, nhưng trong khi xét xử thì thẩm quyền này như thế nào?
Ở khoản b Điều 2, các biện pháp cưỡng chế, hạn chế quyền con người, theo ông Nghĩa là chưa có luật quy định thủ tục nào cả, cho nên cần thêm khâu đó để cho luật này khi nghiên cứu không bị lúng túng.
Về hệ thống Tòa án, ĐB Nghĩa khẳng định, hiện nay đang là một hệ thống Tòa án theo cải cách tư pháp, do đó, ông nhất trí hệ thống bốn cấp như Dự thảo. Ngoài ra, theo ông Nghĩa, những băn khoăn về Tòa án sơ thẩm khu vực là không đáng có, vì nó có thể là địa bàn của một hay nhiều quận, huyện, còn sự thuận tiện của người dân là vấn đề kỹ thuật và do chúng ta tổ chức, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được.
Về án lệ, ĐB Nghĩa phân tích, ở các nước dân luật hoàn toàn sử dụng án lệ và khác với công tác tổng kết xét xử, cũng không phải là nguồn luật mà bản chất của nó không phải là giải thích pháp luật như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bản chất của nó là bảo đảm việc xét xử thống nhất và bảo đảm từ những điều luật trừu tượng được vận dụng vào những vụ án cụ thể bằng tinh hoa, trí tuệ, kinh nghiệm của các Thẩm phán, sau đó trở thành những bản án tiêu biểu, bảo đảm tính thống nhất, tức là những vụ việc như nhau thì không thể ra những bản án có kết quả khác nhau.
Về Tòa giản lược, ông Nghĩa cho rằng, là Tòa Hình sự, Dân sự hay Hành chính thì cần làm rõ vì có sự lúng túng. Ở một số nước có Tòa giản lược cho dân sự, tức là những vụ kiện dân sự trị giá quá thấp thì đưa vào Tòa giản lược. Theo lập luận của Tờ trình, cần làm rõ Tòa giản lược này là hình sự, dân sự hay hành chính.
Về vấn đề thi hành án, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhất trí phải nói rõ thẩm quyền của Tòa án đối với bản án của mình, tức là Tòa án phải chịu trách nhiệm đối với bản án đã tuyên cho đến khi thi hành án xong và không cắt khúc như hiện nay. Nếu thi hành án dân sự do hành pháp thực hiện thì Tòa án phải có quyền giám sát, thêm ý giám sát và chế tài đối với việc thi hành bản án đó. Để bảo đảm tính độc lập xét xử, ông Nghĩa cho rằng, Chánh án vừa quản lý Tòa án, nhưng vừa có trách nhiệm bảo đảm tính độc lập xét xử. Do đó, ông đề nghị ở Điều 17, Điều 24, Điều 30, Điều 35 ghi thêm một câu là “Chánh án có trách nhiệm tổ chức hoạt động xét xử nhằm bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật”.
Về Hội thẩm nhân dân, ông đề nghị giữ nguyên như Điều 69 của Dự thảo. Tuy nhiên, ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn với quy định, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán nên ông đề nghị phải xem lại.
Tống Toàn (ghi)