Đại biểu Quốc hội lo ngại giáo viên mất việc do dịch khó có thể quay trở lại với nghề

Mai Thoa -Đức Duy| 09/11/2021 22:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tình trạng giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để có thu nhập. Và khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó.

Nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập

Trong phiên họp chiều 9/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, các địa phương có khu công nghiệp, dự báo nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập đang có nguy cơ ngừng hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non vì không thể dạy học trực tuyến.

nguyen-thi-mai-hoa.jpg
Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh QH.

Kéo theo đó là tình trạng giáo viên mầm non ngoài công lập bị mất việc, phải chuyển đổi sang công việc khác để có thu nhập. Theo đó, khi đã có thu nhập bằng công việc khác thì việc kéo các cô quay trở về nghề rất là khó.

“Vì lương giáo viên mầm non hiện rất thấp”, bà Hoa nói.

Do bà Hoa đề nghị Chính phủ và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng và nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập khôi phục hoạt động, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non, tư thục, các nhóm trẻ gia đình.

Đồng thời nghiên cứu chính sách tiền lương hợp lý cho nhà giáo, nhất là giáo viên mầm non, vốn là lĩnh vực hoạt động đặc thù nhưng hiện nay lương đang thấp nhất.

Tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp vẫn nghiêm trọng

Cũng quan tâm đến lĩnh vực Giáo dục, theo đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn đại biểu Điện Biên), hiện nay tỉnh Điện Biên đang thiếu 1.495 giáo viên.

dai-bieu-lo-luyen.jpg
Đại biểu Lò Thị Luyến (Đoàn Điện Biên). Ảnh QH.

Việc giao định mức giáo viên đứng lớp chưa đảm bảo theo quy định, nhưng khi giao chỉ tiêu tinh giản biên chế lại căn cứ vào số giáo viên hiện chưa có - tức là tinh giản khi định mức giáo viên đứng lớp chưa giao đủ theo quy định.

Hơn nữa, các tỉnh miền núi, địa bàn chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, một trường có nhiều điểm trường. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục không khả thi, nên việc cắt giảm số lượng người làm việc hàng năm, để đảm bảo đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 sẽ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Bà Luyến cũng đề nghị Bộ Nội vụ cần nghiên cứu, xem xét các yếu tố của các tỉnh miền núi như đã nêu ở trên. Phối hợp với Bộ GDĐT khảo sát thực tế để có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương về vấn đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu Quốc hội lo ngại giáo viên mất việc do dịch khó có thể quay trở lại với nghề