Các đại biểu đề nghị Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, tiêu thụ đặc biệt và VAT với mặt hàng xăng, dầu.
Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho biết, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều thách thức. Trong khi đó, đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao. Bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp… đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh đó, ông Ngân cho rằng trước mắt, cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là xăng, dầu.
“Nếu để giá xăng, dầu tăng cao sẽ dẫn đến các mặt hàng khác đều tăng giá theo”, ông Ngân nói, đồng thời đề nghị tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi “té nước theo mưa” và khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) đồng tình và đề nghị kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước.
“Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới”, bà Dung cảnh báo.
Để kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào, vị đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị tính toán để giảm một số khoản thuế, phí cấu thành giá thành xăng, dầu.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cảnh báo không chỉ xăng, dầu, khí đốt mà vật tư phân bón, lương thực, thực phẩm cũng tăng giá, tạo tác động chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cân nhắc đánh giá sát tình hình, đưa ra các chính sách kiểm soát chặt và ổn định giá xăng dầu, điều hành linh hoạt chặt chẽ, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ.
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (Thanh Hoá) nói dự báo giá xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục tăng hoặc giữ ở mức cao, gây lạm phát, ảnh hưởng thu nhập, chi tiêu của người dân.
Để đảm bảo giá xăng dầu bớt tăng quá “nóng”, đại biểu đề nghị sớm quyết định điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng tương tự việc giảm thuế bảo vệ môi trường vừa qua. Việc giảm thuế xăng dầu có thể ảnh hưởng nguồn thu ngân sách nhưng theo đại biểu, Việt Nam có thể tranh thủ xuất khẩu dầu thô để bù đắp trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng.