Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội vào sáng 27/10, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, bên cạnh đó phải kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.
Theo ông Thái, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ. “Việc điều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng”, đại biểu cho hay.
Tuy nhiên, để niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và nhanh chóng bù đắp trượt giá trầm trọng, Quốc hội và Chính phủ nên thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023, thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023.
Theo đại biểu Nguyễn Huy Thái, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhận mức lương thấp sẽ không phản ánh đúng giá trị sức lao động đóng góp cho cơ quan, đơn vị.
Tiền lương thấp cũng không đủ bù đắp cho quá trình tái sản xuất giản đơn và chưa thể bù đắp được quá trình đào tạo và tự đào tạo của cán bộ, công chức, viên chức để mà toàn tâm, toàn ý với công việc được giao.
"Điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản để khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc", ông Thái nhấn mạnh.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum), đặt vấn đề về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc có xu hướng gia tăng.
Từ 2020 đến tháng 6/2022, số lượng này lên đến gần 40.000 người, tập trung chủ yếu vào ngành y tế, giáo dục. “Đây là vấn đề đặt ra trong hoạt động quản trị của Chính phủ”, đại biểu Tám nói.
Nguyên nhân của sự chuyển dịch này theo đại biểu Tô Văn Tám đó là tiền lương, thu nhập và môi trường làm việc. Thực tế cho thấy, tiền lương và thu nhập khu vực công thấp hơn nhiều so với khu vực tư. Đặc biệt, lương nhà nước thường phản ứng chậm trước yêu cầu tăng thu nhập bởi không chỉ ràng buộc của quy định pháp lý mà các quy định này thường có độ trễ so thực tiễn, khả năng cân đối ngân sách.
Bấm nút tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) đồng tình lương là nguyên nhân chính của tình trạng nghỉ việc trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nhưng còn có nhóm nguyên nhân quan trọng liên quan áp lực công việc và môi trường công tác.
Bà Thủy phân tích, hiện các bệnh viện công đều trong tình trạng quá tải, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai có 9.000 người đến khám và 4.000 bệnh nhân nội trú. Nhiều bệnh viện, bác sĩ phải có mặt 6h sáng, mỗi ngày khám vài trăm bệnh nhân nên rất áp lực.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng: "Khó gồng gánh nuôi dưỡng đam mê khi áp lực cao nhưng thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, phải đối diện nhiều áp lực trong môi trường làm việc. Vì vậy, cần cải thiện chính sách tiền lương đối với nhân viên y tế".
Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) cũng quan tâm đến tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây, nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID- 19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với công chức ngành giáo dục, việc thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực công việc quá lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm đến hai lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức họ bỏ ra.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp căn cơ đối với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân. Cử tri, cán bộ công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở, tuy nhiên đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt.
“Đại đa số ý kiến cán bộ công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ 1/1/2023, thay vì 1/7/2023 như phương án Chính phủ trình, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm…”, đại biểu Thái Thu Xương nói.
Bên cạnh tăng lương, đại biểu Thái Thu Xương cho rằng cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn.