Đại biểu "chỉ mặt" nhiều yếu kém trong PCCC, các cơ quan chức năng giải trình ra sao?

Nhóm PV| 13/11/2019 20:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cháy bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi”, đó là một hiện thực "đắng lòng" mà ĐBQH thẳng thắn nêu ra tại phiên thảo luận ngày 13/11, khiến cho cơ quan chức năng "đau đầu" khi đưa ra lời giải.

Sẽ làm hết sức mình để khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, cho biết, riêng về PCCC trong lĩnh vực xây dựng hiện nay 3 luật: Luật PCCC, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở; ít nhất 4 Nghị định và nhiều Thông tư của các Bộ điều chỉnh. Trong đó có quy định rất cụ thể trong các khâu từ thẩm định phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật, kiểm tra nghiệm thu công trình.

Đại biểu

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận

Hiện có 8 quy chuẩn và 26 tiêu chuẩn quy định cụ thể về quy hoạch đường giao thông phục vụ PCCC, các trạm bơm, bố trí trụ nước, phòng cháy báo cháy, ngăn cháy lan, chữa cháy... Cũng có quy định cụ thể về phòng chống cháy trong một số công trình chuyên ngành như chung cư cũng như quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, ban quản trị toà nhà, mua bảo hiểm cháy nổ...

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mặc dù hệ thống quy định cơ bản phủ hầu hết lĩnh vực về xây dựng và đủ sức điều chỉnh hoạt động thực tiễn về PCCC, tuy nhiên, hạn chế căn bản là còn tản mạn, một số nội dung lạc hậu. Ví dụ hiện nhà chung cư cao trên 150m chưa có quy chuẩn cụ thể, nhất là trong PCCC.

Trong khâu tổ chức thực hiện, có nhiều tiến bộ, cố gắng nhưng còn nhiều bất cập, đặc biệt là thực hiện quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định, nghiệm thu công trình. Đây là những tiền đề quan trọng mà nếu làm tốt sẽ hạn chế tối đa vấn đề cháy cũng như giảm hậu quả do cháy nổ gây ra.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm dẫn đến chủ đầu tư có biểu hiện “nhờn”.

“Tôi xin nhận trách nhiệm về hạn chế khuyết điểm trong thực hiện chức năng của Bộ. Thời gian, tới chúng tôi sẽ làm hết sức mình góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong PCCC”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết sẽ tập trung cao cho bổ sung hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, nhất là quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bởi hiện nay có những vật liệu xây dựng mới, cũng như quy mô, chiều cao công trình đã khác, hay công trình đa năng... cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp về PCCC.

“Hiện nay phương tiện chữa cháy mới vươn tới 20 tầng. Được biết một vài địa phương mua sắm trực thăng chữa cháy nhưng ít. Do đó cần quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu đặc thù hiện nay”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thông tin và nhấn mạnh sẽ tổ hợp lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho gọn, dễ tra cứu, dễ áp dụng để vừa đáp ứng PCCC, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

“Quan điểm của chúng tôi là ưu tiên PCCC, tài sản, tính mạng con người là trên hết. Với nhà cao tầng yêu cầu có tầng lánh nạn, dù không có cháy sẽ để không nhưng buộc phải làm để khi xảy ra hoả hoạn còn có chỗ lánh nạn. Vì khi có cháy phải có chỗ lánh nạn. Khi làm việc, có doanh nghiệp, nhà đầu tư đòi hỏi hạ thấp quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chúng tôi không hạ”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định.

Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 cho biết, trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Các văn bản về phòng cháy chữa cháy hiện nay khá đầu đủ. Ngoài luật, nghị định, thông tư có gần 200 tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.

Nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy được tăng cường; các công trình vi phạm kiên quyết xử phạt bằng các hình thức theo quy định pháp luật. Đề nghị UBND cấp tỉnh có biện pháp bắt buộc chủ đầu tư thực hiện như công khai danh sách các chủ đầu tư, các công trình vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng, không cấp phép đầu tư dự án mới với chủ đầu tư chưa khắc phục vi phạm ở các công trình.

Công tác thường trực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện nghiêm túc, nên các vụ cháy được dập tắt kịp thời chiếm tỷ lệ cao, chỉ có 1% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 99% số vụ cháy còn lại là cháy vừa và nhỏ do được dập tắt kịp thời, bảo vệ hàng nghìn tỷ đồng tài sản, cứu được hàng nghìn người khỏi các vụ cháy... 

Tổ chức bộ máy của lực lượng phòng cháy, chữa cháy hiện đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn cấp bộ, cấp tỉnh, mở rộng lực lượng xuống cấp huyện để bám địa bàn, bám cơ sở. Bộ Công an cũng chỉ đạo công an địa phương bố trí các đồng chí có nghiệp vụ chuyên môn về phòng cháy, chữa cháy vào các vị trí lãnh đạo chỉ huy đơn vị phòng cháy, chữa cháy địa phương, không điều chuyển cán bộ phòng cháy, chữa cháy sang các lực lượng khác. Bộ cũng đã tập trung đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực, nhũng nhiễu của lực lượng chức năng khi thi hành công vụ.

Trong 4 năm qua, lực lượng công an đã khởi tố 66 vụ liên quan đến cháy nổ, truy tố 43 bị can, xử phạt khoảng 98.398 triệu đồng. Đình chỉ 1.926 trường hợp vi phạm, tạm đình chỉ 2.720 trường hợp.

Đại biểu

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên họp giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018

Về ý kiến của ĐBQH nói vì sao các thành phố lớn số vụ cháy nhiều, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, quy luật là KT-XH càng phát triển, số lượng vụ cháy càng xảy ra nhiều, phức tạp hơn. Ở các nước phát triển cũng có tình trạng này. Bộ trưởng Tô Lâm dẫn chứng: Trung bình ở Nhật Bản và Hàn Quốc có trên 40 nghìn vụ/năm, Philippines có khoảng 17 nghìn vụ, Singapore có trung bình 4 nghìn vụ/năm. Nước ta trung bình có 13 nghìn vụ/năm. Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm đầu tư trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, mà có số vụ cháy gấp 3 lần Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng xin tiếp thu, tích cực khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được Đoàn giám sát và ĐBQH chỉ ra chi tiết, đặc biệt là tồn tại liên quan đến rà soát văn bản quy phạm pháp luật phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn; công tác tập huấn, hướng dẫn cho đồng bào, người dân; các đội dân phòng cháy, chữa cháy cơ sở… 

Các giải pháp cho thời gian tới được Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, trong đó có tăng cường phối hợp với cấp ủy các cấp, các ngành, cơ quan, báo đài, truyền hình để tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức. Các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an đã tham mưu xây dựng Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, tạo sự đột phá, đạt hiệu quả thiết thực.

Tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để chỉnh lý, sửa đổi phù hợp với thực tiễn, nhất là những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy hiện nay. Bộ Công an cũng đã dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97 của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện Luật Phòng cháy, chữa cháy (sửa đổi) theo hướng cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp; giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay.

Chỉ đạo lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy. Quá trình kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm. Các chung cư, nhà cao tầng có chủ đầu tư vi phạm, cố tình chây ỳ thực hiện sẽ bị công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng để người dân cùng giám sát với cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài ra, thực hiện xã hội hóa, thu hút các nguồn đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Bộ Công an đã xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 76, trình Chính phủ xem xét, thông qua. Đồng thời, rà soát, đưa ra mô hình của lực lượng dân phòng tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn ở cơ sở và trong các chuyên ngành sao cho hiệu quả nhất, với phương châm “4 tại chỗ”. 

Nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng

Phát biểu kết luận phiên giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, sâu sắc và mang tính xây dựng. Cơ bản ý kiến các đại biểu Quốc hội tán thành với Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018; đánh giá cao Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan đã làm việc tích cực, trách nhiệm trong quá trình triển khai chuyên đề giám sát.

Dự thảo Báo cáo giám sát đã thể hiện tương đối toàn diện, đưa ra những nhận định, đánh giá có số liệu, dẫn chứng cụ thể, rõ ràng, qua đó đưa ra các giải pháp, đề xuất kiến nghị cụ thể. Báo cáo kết quả giám sát đã cơ bản đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Đây là nội dung giám sát là rất cần thiết, liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống, tính mạng của nhân dân. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Chuyên đề giám sát sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC trước những diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình cháy nổ.

Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến cho rằng dự thảo Nghị quyết tương đối đầy đủ, sát với kết quả giám sát. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ các kiến nghị, các chỉ tiêu giao Chính phủ, bộ, ngành và các địa phương để cụ thể thêm, tăng cường tính chủ động trong công tác PCCC, gắn với trách nhiệm và đặt ra yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng, tránh chung chung, bảo đảm khả thi, tiện cho giám sát.

Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, biến đổi khí hậu, hạn hán, hanh khô còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn… Điều đó sẽ tác động lớn đến tình hình cháy, nổ; đặt ra cho công tác PCCC nhiệm vụ rất nặng nề.

Nêu bật bối cảnh tình hình này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Về chủ trương, qua cuộc giám sát này, không thể hy vọng chấm dứt được hoàn toàn việc cháy nổ, nhưng đây là cơ hội để có các giải pháp phù hợp, cần thiết nhằm nêu cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm của tất cả các đối tượng, lực lượng trong công tác PCCC, từ đó hạn chế, loại trừ được các nguyên nhân gây cháy, tiến tới giảm thiệt hại về người và tài sản trong cháy, nổ góp phần bảo đảm sự bình an của nhân dân, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi

Theo Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), “công tác phòng, cháy chữa cháy đang mang trong mình quá nhiều tồn tại, thiếu sót”. Báo cáo kết quả giám sát cho thấy, nhân lực và vật lực phòng, cháy chữa cháy đều không đạt cả về chất lẫn về lượng.

Cũng qua giám sát cho thấy, số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước, bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn. Điển hình như Hà Nội thiếu gần 300 bể nước, 400 bến lấy nước, 7.000 trụ nước. Trong số các trụ còn lại có 522 trụ không sử dụng được. Khánh Hòa thiếu 3.559 trụ, Hải Phòng 3.500 trụ.

Trong khi đó nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh việc bị san lấp, xây công trình che chắn lối vào lấy nước thì cũng đang oằn mình gánh hàng tấn rác mỗi ngày. Hệ quả không chỉ nguồn nước bị bức tử gây ngập lụt mà còn tước đi cơ hội được sống trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.

Nêu một loạt bất cập, đại biểu Phạm Trọng Nhân tổng kết: “Cháy bất kể nơi đâu, bất cứ lúc nào, cháy trước khi đoàn giám sát đến và ngay khi đoàn vừa rời đi”. Như vậy, công tác tuyên truyền, kiểm tra, huấn luyện có ý nghĩa và mang lại hiệu quả gì? Bao nhiêu nguồn lực xã hội đã bỏ ra, tuy nhiên làm nhiều nhưng đọng lại ít và hệ quả là “những cái giá như” không có hồi kết.

Cần làm rõ nguyên nhân

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định), qua nghiên cứu Báo cáo giám sát, kết quả điều tra, xử lý 50 vụ cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản giai đoạn 2014 - 2018 và thực tiễn giám sát, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị làm rõ: Vì sao cho đến nay đã gần 10 năm thực hiện Luật PCCC và nhiều văn bản dưới luật mà vẫn còn nhiều công trình có nguy cơ nguy hiểm về cháy nổ đã được đưa vào sử dụng nhưng mà chưa được thẩm duyệt thiết kế, hoặc thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Đại biểu cho rằng, kết quả giám sát vẫn cần làm rõ nguyên nhân vì sao, có phải do thủ tục quá rườm rà hay do chủ doanh nghiệp cố tình chây ì, lách luật để có phương án xử lý nghiêm minh, chính xác và để làm gương, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đại biểu kiến nghị Báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội cần thống kê cụ thể danh sách và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, chính quyền các địa phương có biện pháp khắc phục đối với từng công trình cụ thể để xử lý dứt điểm những quả bom nổ chậm này, đồng thời Quốc hội có giám sát lại kết quả thực hiện kiến nghị của Quốc hội.

Vẫn còn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Trong những hạn chế, tồn tại Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra, nhiều đại biểu cũng nêu tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong công tác quản lý về PCCC. Theo đó, không ít nơi, cơ quan PCCC ở cấp quận, huyện vừa là cơ quan phê duyệt phương án PCCC, đồng thời cũng là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, chưa kể những chuyện tiêu cực.

Qua hỏi một số anh em, bạn bè, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, chỉ cần mở một cửa hàng thôi nhưng nếu tự lên phương án PCCC mà đưa đến cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì “rất là khổ”. Thế nhưng, nếu để cho chính các cơ quan đó gọi cho các doanh nghiệp vào làm, người ta gợi ý luôn thì khi được phê duyệt “rất là nhanh”, vì “người ta vừa làm người ta vừa phê duyệt”.

Cho rằng đây cũng là câu chuyện xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, Đội trật tự xây dựng đô thị ở quận, huyện giúp UBND quận, huyện thực hiện việc xem xét để cấp phép xây dựng, nhưng cũng lại vừa là cơ quan kiểm tra để xử phạt, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần được cải thiện, điều chỉnh trong quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy, với những tiêu cực đó, dù các doanh nghiệp, các cửa hàng tư nhân chấp nhận để được phê duyệt nhanh, nhưng cần được Quốc hội và Chính phủ quan tâm, bảo đảm công tác quản lý PCCC được thực hiện thực chất.

Chưa thấy lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: “Báo cáo của Đoàn giám sát nêu rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi đọc chưa thấy có lãnh đạo, quan chức nào bị xử lý và hầu hết các vụ đều rất ít khởi tố, xử lý rất nhẹ”. Cảm giác “xử lý không tương xứng với các đám cháy”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: Cử tri đặt câu hỏi, phải chăng các đám cháy không đến với lãnh đạo ở các cấp, các ngành nên các đồng chí không có trách nhiệm gì chỉ có người dân chịu thôi?

Theo đại biểu, việc chúng ta truy cứu trách nhiệm các cơ sở sản xuất để xảy ra cháy, của các cá nhân, đơn vị để xảy ra cháy là hoàn toàn đúng nhưng cần siết chặt hơn. “Không thể để cán bộ lãnh đạo địa phương, kể cả tập thể hay cá nhân, lại không có trách nhiệm gì khi xảy ra những vụ cháy lớn, nghiêm trọng trên địa bàn”.

Báo cáo cũng cho thấy, chỉ có HĐND 4 tỉnh ban hành Nghị quyết về công tác PCCC, còn 59 tỉnh, thành phố không ban hành thì có trách nhiệm gì không? Trách nhiệm trong việc giám sát, chỉ đạo, ban hành Nghị quyết đối với công tác này như thế nào? Vấn đề này, cần phải nghiên cứu thật sâu sắc, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị. 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu "chỉ mặt" nhiều yếu kém trong PCCC, các cơ quan chức năng giải trình ra sao?