Hơn 30 năm sưu tầm cổ vật khắp mọi miền đất nước, ông Phạm Phú Khánh (SN 1959, ở phường hải Châu 2, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có một gia tài hàng ngàn cổ vật gồm gốm sứ, chum chóe, tiền cổ…được ông trưng bày, gìn giữ tại nhà.
Đam mê sưu tầm cổ vật
Để có được số lượng cổ vật lớn như hiện nay, ông Phạm Phú Khánh đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức, thời gian của bản thân và gia đình. Với quan điểm mỗi cổ vật là một câu chuyện văn hóa, lịch sử của tổ tiên nên nhiều năm nay, ông Khánh đã góp sức cùng ngành văn hóa Đà Nẵng tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày hiện vật, cổ vật để phục vụ công chúng đến tham quan, tìm hiểu.
Nằm sâu trong con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm, căn nhà của ông chủ yếu dùng để trưng bày cổ vật từ ngoài cổng vào nhà. Là người chuyên sưu tầm đồ sành sứ của thời nhà Nguyễn, hiện trong nhà ông có đến hàng ngàn cổ vật đủ các loại từ gốm sứ, chum chóe…
Mỗi khi nghe ở đâu có món đồ quý, ông lại bỏ hết công việc, vội vã lên đường, để có được gia sản gồm hàng ngàn cổ vật quý như hiện nay, ông Khánh đã lặn lội, tìm kiếm khắp cả nước suốt 30 năm.
Ông Khánh giới thiệu những cổ vật được ông sưu tầmgìn giữ
“Năm 1990, phát hiện một gia đình người dân tộc Cơ Tu ở (huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam) sở hữu cái chum cổ xưa quý hiếm. Ông tìm mọi cách thuyết phục chủ nhà bán lại với giá cao nhưng họ một mực không chịu. Suốt 10 năm sau đó, thỉnh thoảng, ông Khánh lại đến nhà họ thuyết phục. Đến năm 2002, khi chiếc chum được truyền lại cho người nối dõi trong gia đình thì ông mới mua được”, ông Khánh kể.
Thú chơi đồ cổ đã mang lại cho ông Khánh khối tài sản khá lớn qua những lần trao đổi các món đồ quý, không chỉ vật chất, nó còn mang giá trị tinh thần. Có nhiều món đồ dù được trả giá rất cao nhưng ông kiên quyết không bán.
Theo ông Khánh, khu vực miền núi Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam là nơi còn giữ nhiều đồ cổ được sử dụng ở các triều đình Vua chúa xưa bởi trong thời loạn lạc người dân vô tình nhặt được trong hoàng cung và nhiều gia đình giàu có họ mua sưu tầm, lưu giữ .
Thú chơi đồ cổ đã ngấm vào máu ông Khánh, đến nỗi ông đi đâu, làm gì cũng muốn nhìn thấy cổ vật. Nhà ông đâu đâu cũng được ông trưng bày cổ vật, ông Khánh chia sẻ “đó là một phần cuộc sống của tôi. Có khi nghe ở đâu có đồ cổ, dù biết người ta không bán nhưng tôi vẫn đi bộ mấy ngày nhưng đến nơi không có cũng phải đi về lại, chỉ mong đến nhìn cho được món đồ đó đi về cũng thỏa lòng”.
Gìn giữ những cổ vật quý
Tại ngôi nhà ông, những cổ vật được ông lưu giữ nhiều chính là những đồ gốm xứ ký kiểu thời Nguyễn có giá trị 500 trăm tuổi. Trong đó, có bộ đồ cổ đĩa sành được ông rất quý. Theo ông, đó là những rất hiếm, bởi 1.000 cái được làm thời đó, qua thời gian, có chăng chỉ lưu giữ đến giờ có khi chỉ được một cái.
Ông Khánh cho biết, “ở Đà Nẵng có khá nhiều nhà sưu tầm và yêu mến cổ vật, nhưng việc trưng bày, giới thiệu cổ vật đến công chúng còn khá ít, là một người có thời gian gắn bó lâu dài, tôi luôn sẵn lòng hỗ trợ và hy vọng trong thời gian không xa, hoạt động sưu tầm, trưng bày, giới thiệu cổ vật tại đây sẽ có nhiều bước tiến, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”. Với công việc sưu tầm của mình, ông đã nhận được nhiều giấy khen của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam, Bảo tàng Đà Nẵng trong việc nghiên cứu, sưu tầm cổ vật.
Ông Hà Phước Mai, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, ông Khánh là một trong những nhà sưu tầm cổ vật quý, rất có tâm huyết của Đà Nẵng. Ông Khánh đã đóng góp nhiều cổ vật quý được ông nghiên cứu sưu tầm cho bảo tàng giới thiệu đến công chúng.
“Mỗi cổ vật đều có một giá trị văn hóa, lịch sử riêng và việc sưu tầm được cổ vật là rất khó khăn. Nhưng nếu chỉ giữ cho riêng mình thì giá trị văn hóa, lịch sử đó không phát huy được là mấy.Vì vậy, tôi luôn mong muốn được giới thiệu đến công chúng những cổ vật, hiện vật của để mọi người hiểu rõ hơn những thành tựu trong lao động, sản xuất chế tác của cha ông”, ông Khánh cho biết.