Chiều 12/7, Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp sơ kết triển khai chuyển đổi số quốc gia 6 tháng đầu năm 2023. TP. Đà Nẵng tiếp tục trở thành địa phương điển hình về kinh nghiệm chuyển đổi số.
Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (DTI) năm 2022.
Theo báo cáo DTI 2022, 100% các bộ, tỉnh, thành phố đều có chỉ số tăng so với năm 2021, phản ánh một cách tương đối hệ thống chính quyền các cấp đều nỗ lực chuyển đổi số.
Về xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ có cung cấp dịch vụ công năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xếp hạng nhất, tăng 1 bậc so với năm 2021. Về xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ không cung cấp dịch vụ công năm 2022, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam tiếp tục xếp hạng nhất.
Về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh, Đà Nẵng xếp hạng nhất, theo sau là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và thành phố Cần Thơ.
Như vậy, về xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh, Đà Nẵng xếp hạng nhất, tiếp tục giữ vững vị trí 3 năm liên tiếp (2020-2022).
Đà Nẵng dẫn đầu cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời cũng dẫn đầu các chỉ số thành phần: nhận thức số, thể chế số, nhân lực số và đứng thứ 2 về hạ tầng số (sau TP Hồ Chí Minh).
Báo cáo sơ kết 6 tháng của Ủy ban quốc gia chuyển đổi số đã ghi nhận một số kết quả nổi bật của TP. Đà Nẵng và làm bài học kinh nghiệm cho cả nước. Trong đó, ghi nhận về xây dựng nhận thức số; triển khai công tác tuyên tuyền theo hướng “dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”.
Bài học kinh nghiệm từ kết quả của thành phố Đà Nẵng, để tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức số có thể áp dụng phương châm hành động 3 cần: Cần sự gương mẫu và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm cao nhất của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, vai trò tiên phong của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên, Tổ Công nghệ số cộng đồng;
Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch truyền thông tổng thể về chuyển đổi số để triển khai nhất quán, xuyên suốt toàn thành phố; Cần nội dung truyền thông đảm bảo yếu tố đại chúng, ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu, có chủ đề, chủ điểm, hình thức truyền thông đa đạng, đa kênh, chú trọng các kênh truyền thông số, các mô hình tuyên truyền trực quan sinh động.
TP Đà Nẵng được ghi nhận đã tổ chức phát triển nguồn nhân lực số một cách bài bản đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số nhanh và bền vững. Đà Nẵng đã áp dụng phương châm hành động “2 cần + 1 đẩy mạnh”.
Đó là cần có kế hoạch triển khai đồng bộ, tổng thể trong tất cả các khu vực, nhóm đối tượng; cần có cách tiếp cận riêng phù hợp và nội dung đào tạo tương ứng mỗi nhóm đối tượng.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông và phát huy vai trò Tổ Công nghệ số cộng đồng để "đi từng ngõ, gõ từng nhà", hướng dẫn từng người dân, hộ gia đình kỹ năng ứng dụng công nghệ số.
Báo cáo kết quả chuyển đổi số của địa phương, UBND TP Đà Nẵng cho biết, trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ có 7/8 chỉ tiêu dữ liệu số hoàn thành 100% nội dung chuyển đổi số; 30% đơn vị triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Đối với nội dung Chính phủ số, trong năm 2023 sẽ có 5/10 chỉ tiêu hoàn thành 100% nội dung, 30% đơn vị triển khai trợ lý ảo, 30% cơ quan đơn vị kết nối hệ thống thu thập dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước…
Năm 2023, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Đà Nẵng đạt trên 16%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ trên 8,5%; 100% cơ quan đơn vị địa phương ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số thuộc phạm vi quản lý; 100% cơ sở triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở giáo dục, y tế thuộc phạm vi quản lý.
Trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số, trên 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số.
Đặc biệt, về xã hội số, Đà Nẵng phấn đấu 95% dân cư có thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh; 99% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng; trên 30% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử; 100% người dân có mã ID y tế, hồ sơ sức khỏe điện tử; 60% dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến…
Bên cạnh đó, 100% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin; 100% hệ thống thông tin quan trọng đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ; 20% thuê bao điện thoại di động thông minh có sử dụng phần mềm an toàn thông tin mạng cơ bản.