Kinh tế

Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao xứ Nghệ

Trần Tú- Hải Yến 23/11/2023 - 17:10

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trọng tâm của Chương trình là tạo sinh kế cho người dân bằng việc hỗ trợ thông qua các mô hình sản xuất. Nhờ đó, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương – Nghệ An) đã có những khởi sắc đáng kể.

Các chương trình triển khai theo dự án phát huy tác dụng tích cực

Tam Hợp là xã vùng cao biên giới tiếp giáp với Lào, cách trung tâm huyện chừng 30km, hiện nay vấn đề giao thông đã được giải quyết nên việc đi lại thuận tiện hơn nhiều so với trước. Từ đó, giao thương thông thoáng tạo đà cho bà con các bản làng có nhiều nét khởi sắc thấy rõ.

Xã Tam Hợp có tiềm năng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm do địa hình đồi núi, nhiều rừng, khí hậu phù hợp… thuận lợi với trồng cỏ, chăn nuôi thả rông của người dân. Trồng trọt một số loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên rất có lợi thế để phát triển, nhân rộng mang lại nhiều hiệu quả thiết thực để bà con vươn lên thoát nghèo.

Xã Tam Hợp hiện có 5 bản (bản Phồng, Xốp Nặm, Văng Môn, Huồi Sơn, Phà Lõm) với 530 hộ dân, 2.552 nhân khẩu, gồm các dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú, Tày Poọng và Mông cùng sinh sống. Trước đây, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, kinh tế, thu nhập của nhân dân thấp. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đường giao thông, trạm y tế, nhà văn hóa thôn còn tạm bợ...

da_dang_hoa_sinh_ke_de_giam_ngheo_2(1).jpg
Ông Lộc Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp (bên phải) kiểm tra mô hình trồng cây Bobo.

Đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, sự điều hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Nhờ đó, các chương trình dự án đã triển khai trên địa bàn đang phát huy tác dụng, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy các mô hình kinh tế trên địa bàn phát triển.

Hiện, mô hình trồng cây Bobo của bà con dân tộc Mông ở bản Huồi Sơn, cho thấy cây trồng đã phát triển tốt, năng suất tăng.

Ông Lộc Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cây Bobo là cây nhiệt đới, thích hợp với nhiệt độ bình quân từ 22- 280C. Bobo mọc hoang dại dưới tán rừng, đặc biệt trong thung lũng và khe núi, nơi có độ ẩm không khí cao và mát, là cây chịu bóng, sống dưới tán rừng, thích hợp cho người dân trồng, khoanh nuôi và bảo vệ. Hiện nay, trên địa bàn xã có tổng diện tích trồng, khoanh nuôi bảo vệ cây Bobo khoảng 30ha”.

Theo giá bán trên thị trường hiện nay là 3.500 đồng/kg quả tươi, mỗi hecta cây Bobo cho thu hoạch khoảng 6 tấn, tương đương 21 triệu đồng. Cây Bobo nằm trong chương trình hỗ trợ của xã, đây là loại cây mới bước đầu đem lại thu nhập cho các hộ gia đình. So với trồng lúa, ngô trước đây, loại cây này cho năng suất gấp 2 - 3 lần.

Bên cạnh cây Bobo, mô hình trồng sắn cao sản cũng đã và đang mang lại nhiều tín hiệu khả thi cho đồng bào vùng biên. Năm 2022, diện tích sắn cao sản trên toàn xã đạt 80ha; năng suất sắn đạt 160 tạ/ha, sản lượng đạt 1.280 tấn. Với giá thu mua hiện nay trên địa bàn xã 1.500 đồng/kg. Năm 2022, các hộ dân đã thu hoạch bán đạt thu nhập khoảng 1tỷ đồng.

Khởi sắc một vùng biên

Không những chú trọng phát triển cây trồng, người dân ở đây còn kết hợp với chăn nuôi lợn đen, trâu, bò, dê theo hướng bán chăn thả. Nhờ đó, bà con đã có “của ăn của để”, không còn cảnh đói nghèo lay lắt như trước.

da_dang_hoa_sinh_ke_de_giam_ngheo_3.jpg
Bà Hồng phấn khởi khi cảnh đói nghèo không còn bủa vây gia đình bà như thời gian trước.

Bà Lương Thị Hồng ở bản Xốp Nặm chia sẻ: “Ban đầu, khi đăng ký thoát nghèo gia đình tôi không muốn vì sợ không được trợ cấp. Song, khi cán bộ xuống vận động rồi được hỗ trợ mọi việc và con giống nên gia đình tôi mới tự tin đăng kí thoát nghèo bằng mô hình nuôi dê, nuôi gà. Bây giờ, ngoài nuôi gà, nuôi dê vào mùa măng gia đình tôi đi hái măng về phơi khô đem bán cũng có thêm thu nhập. Bản làng của chúng tôi hiện đã có nhiều hộ gia đình thoát được nghèo nhờ chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước cùng sự giúp sức của chính quyền sở tại, tất cả đều đi lên từ việc xây dựng các mô hình kinh tế”.

Bằng việc thực hiện đề án phát triển chăn nuôi gắn với thủy sản giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã Tam Hợp đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi dần nhận thức cho các hộ dân về cách tận dụng những lợi thế để phát triển kinh tế.

Đặc biệt là nâng cao ý thức tự giác, tinh thần sáng tạo, cần cù trong mỗi người dân. Kể từ lúc thực hiện đề án, tổng đàn vật nuôi trên địa bàn xã tăng lên rõ rệt, điều đó được chứng minh rõ qua con số cụ thể: Năm 2020, tổng đàn gia súc, gia cầm đạt 12.602 con, đến năm 2022 tổng đàn gia súc, gia cầm tăng lên 17.229 con.

Về phát triển thủy sản, năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của xã là 1,3ha; Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đạt 12,5 tấn. Năm 2022 diện tích nuôi trồng 1,5ha; Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản 20 tấn.

da_dang_hoa_sinh_ke_de_giam_ngheo_1.jpg
Bà Lương Thị Hồng ở bản Xốp Nặm đang chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình.

Để việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản ngày một hiệu quả hơn và sự vào cuộc thực sự của người dân trên địa bàn, UBND xã Tam Hợp đã có quy chế riêng về quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn xã.

Đồng thời, quy định những ngư cụ được phép sử dụng để khai thác thuỷ sản và nghiêm cấm dùng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương pháp có tính huỷ diệt khác làm chết hàng loạt các loài thủy sản, sẽ xử phạt hành chính theo quy định và tịch thu dụng cụ. Song song với đó, UBND xã cũng giao trách nhiệm cho từng bản thành lập các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại các khe, suối.

Để có được thành quả như hiện nay, ông Lộc Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Vào đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/ĐU ngày 25/11/2020 về xóa bỏ tư tưởng trồng chờ ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế, trong đó tập trung phát triển sản xuất những cây, con có thế mạnh của địa phương, phù hợp với đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng như: Sắn cao sản, nghệ đỏ, cây bo bo, dứa... khoanh nuôi bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chăn nuôi gia súc gia cầm”.

Xã biên giới Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) hôm nay đã thật sự khởi sắc. Bản nối bản khang trang, sạch đẹp; những vườn nghệ đỏ, bo bo, xen lẫn những nương ngô, ruộng lúa, cỏ voi… xanh mơn mởn hứa hẹn một cuộc sống bình yên, hạnh phúc và no đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững cho người dân vùng cao xứ Nghệ