Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo cùng với các Chương trình, đề án khác góp phần đạt tỷ lệ giảm nghèo đa chiều theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm.
Ngày 17/11, tại thành phố Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 chủ trì Hội nghị.
Nhiều kết quả nổi bật
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội phê duyệt với tổng kinh phí tối thiểu là 75 nghìn tỷ đồng, gồm 2 dự án và 11 tiểu dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình. Đây cũng là giai đoạn thứ 2 cả nước thực hiện chuẩn nghèo đa chiều, thay đổi căn bản về mục tiêu, yêu cầu và đòi hỏi cao hơn so với giai đoạn trước.
“Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước với người nghèo; đồng thời là sự cam kết của Việt Nam với quốc tế về chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, giảm tỷ lệ nghèo từ 4-5%/năm)”, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình bước đầu đã có một số kết quả nổi bật như: Nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội về giảm nghèo bền vững được nâng cao. Một bộ phận người dân đã có ý thức chủ động vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ nghèo đã làm đơn tự nguyện thoát nghèo.
Kết quả hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và hỗ trợ việc làm bền vững… đã giúp phát triển hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội…
Đồng thời giúp tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững. Chương trình MTQG về giảm nghèo cùng với các Chương trình, đề án khác góp phần đạt tỷ lệ giảm nghèo đa chiều theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm.
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg (1,0-1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% (năm 2021 là 25,91%) , đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg (giảm trên 3,0%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao (4%). Có 1 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%). Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Dự kiến cuối năm 2023 thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ và tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn một số vấn đề mà thực tiễn đặt ra như: vai trò của công tác truyền thông nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo bền vững để thực hiện Chương trình; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao năng lực hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện; Giải pháp phát huy vai trò chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn và phân cấp, phân quyền…
Nâng cao hiệu quả thực hiện
Để thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững thực sự là cuộc cách mạng của toàn xã hội, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt được nhiều kết quả. Song, điều quan trọng hơn cả, ở cơ sở đã xuất hiện nhiều cán bộ, người dân hết mình, lăn lộn với công việc, với công cuộc xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo.
Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững: Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Cụ thể, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ, ý kiến của Đoàn Giám sát của Quốc hội về giám sát thực hiện các chương trình MTQG, đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình theo thẩm quyền.
“Về phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết dứt điểm vấn đề người lao động có thu nhập thấp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kịp thời điều chỉnh, bổ sung các chính sách còn vướng mắc liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, kịp thời hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện”. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện Chương trình. Trước mắt, ưu tiên thí điểm phân cấp trọn gói cho cấp huyện quyết định việc phân bổ, sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai 3 Chương trình MTQG trên địa bàn huyện. Phân công cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá các báo cáo, tham luận của đại biểu và khẳng định những ý kiến này sẽ được Bộ tổng hợp, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở để trình Chính phủ trong việc sửa đổi, đề xuất Quốc hội trong việc ban hành nghị quyết thí điểm giao quyền để địa phương thực hiện chính sách một cách linh hoạt, hiệu quả.