Cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam bị bắt

Minh Khang| 17/01/2023 17:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 17/1/2023, ông Trần Kỳ Hình, cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ của nhiều trung tâm đăng kiểm khi còn công tác.

Ông Hình (62 tuổi, ngụ Hà Nội) bị Công an TP HCM khởi tố, bắt tạm giam về tội Nhận hối lộ. Động thái này được đưa ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và hàng loạt trung tâm đăng kiểm ở Sài Gòn và các tỉnh thành.

Trước đó, hôm 11/1, nhà chức trách đã bắt tạm giam ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam với cáo buộc cùng đồng phạm Trần Anh Quân (quyền trưởng Phòng Kiểm định xe cơ giới), Đặng Trần Khanh (Phó phòng) và chuyên viên Phạm Đức Ngọc nhận tiền hối lộ "hàng tháng, hàng quý" của các trung tâm đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, các trạm đăng kiểm muốn thành lập phải hối lộ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đồng phạm mới được thông qua.

Cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam bị bắt

Ông Trần Kì Hình (phải) và các bị can nghe đọc lệnh bắt, ngày 17/1. Ảnh: Công an cung cấp

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2014 đến tháng 8/2021, ông Hình với vai trò là Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam đã thông qua Trần Anh Quân nhận tiền hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm để ký duyệt cấp Mã số đăng kiểm và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm dù các trung tâm này chưa đủ điều kiện.

Ngoài ra, trong thời gian đảm nhận chức vụ Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát, trực tiếp nhận tiền hối lộ (định kỳ hàng tháng, quý) của các giám đốc Trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, người môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bị bắt tạm giam cùng ngày với ông Hình còn có Hoàng Hữu Thịnh (31 tuổi), Trương Duy Đức (41 tuổi, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 15-05D), Hồ Ngọc Nam và Trần Thế Khánh Hổ (cùng 34 tuổi, nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Việt Net). Các bị can bị cáo buộc tội Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật theo Điều 285 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, khi khám xét Trung tâm đăng kiểm 71-02D (tỉnh Bến Tre), Công an TP HCM phát hiện Phó giám đốc và đăng kiểm viên tại đây đã sử dụng phần mềm tính năng đọc (lấy) và sửa chữa các thông số kỹ thuật đối với xe cơ giới (gồm: tốc độ, nồng độ khi thai, tốc độ cầm chừng, tốc độ cực đại, hệ số K...) để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định khí thải của xe cơ giới.

Quá trình điều tra, Công an TP HCM xác định Thịnh, Đức, Nam và Hổ đã liên kết với nhau viết phần mềm can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu và chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới, sau đó đem bán cho một số trung tâm đăng kiểm (trong đó có Trung tâm đăng kiểm 71-02D) để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Hơn một tháng qua, công an trên cả nước liên tiếp điều tra sai phạm trong hoạt động đăng kiểm. Riêng tại TP HCM, nhà chức trách đã khám xét 13 trung tâm, gồm 5 cơ sở tại Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng và 8 đơn vị tại Sài Gòn; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử có liên quan.

Công an TP HCM đã khởi tố 6 vụ án, bắt tạm giam 89 người là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và những người môi giới về các tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.

Hiện, cả nước có hơn 20 trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra. Thủ đoạn của các trung tâm sai phạm là nhận tiền "lót tay" của những người môi giới, bỏ qua lỗi vi phạm của phương tiện trong công đoạn kiểm tra thủ công hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật. Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Nhà chức trách ước tính có 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo cách "làm luật" như vậy. Các trung tâm kiểm định đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng. Một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

 

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam bị bắt