Bị can Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch BIDV tử vong khi đang bị điều tra trong vụ án hình sự liên quan đến hoạt động ngân hàng. Vậy vụ án sẽ được điều tra ra sao, số tài sản tham ô xử lý như thế nào?
Không làm ảnh hưởng đến các bị can khác trong vụ án
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội cho biết: ông Trần Bắc Hà đang là bị can bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về tội tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015. Đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam nên Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam bị can để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong quá trình tạm giam, do bị bệnh hiểm nghèo nên ông Trần Bắc Hà đã qua đời sáng ngày 18/7. Do ông Trần Bắc Hà đang là bị can trong giai đoạn điều tra nên căn cứ Điều 157 và Điều 230 BLTTHS, Cơ quan CSĐT sẽ ra quyết định đình chỉ bị can Trần Bắc Hà.
Luật sư Thơm nêu quan điểm, đây là vụ án có nhiều đồng phạm. Do đó, việc đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Bắc Hà sẽ không làm ảnh hưởng đến các bị can khác trong vụ án. Qua quá trình tạm giam bị can hơn 7 tháng qua, Cơ quan CSĐT về cơ bản đã thu thập đầy đủ các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can Trần Bắc Hà, cũng như các đồng phạm khác.
Ông Trần Bắc Hà
Lời khai nhận của bị can trong các vụ án kinh tế không phải là chứng cứ quyết định hành vi phạm tội. Chứng cứ buộc tội các bị can được sử dụng là các chứng cứ vật chất như các giấy tờ, tài liệu có sự ký nhận, các thiệt hại xảy ra trên thực tế đã được xác định…
Thực tế, nhiều vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế, dù cho bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng quá trình điều tra đã có đủ căn cứ chứng minh bị can đã ban hành, ký nhận các giấy tờ tài liệu và được giám định đó chính là chữa ký của bị can nên bị can phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đã gây ra tương ứng với quy định của pháp luật.
Vẫn phải liên đới bồi thường trách nhiệm
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong trường hợp ông Trần Bắc Hà tử vong cơ quan điều tra sẽ đình chỉ bị can đối với ông Hà. Còn vụ án liên quan đến ông Hà vẫn tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Đối với vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà người phạm tội đã chết thì theo quy định của pháp luật, bị can vẫn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại đến tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước.
Luật sư Hòe cho rằng, ông Trần Bắc Hà là một mắt xích quan trọng của vụ án nên việc ông này tử vong sẽ phần nào ảnh hưởng đến quá trình điều tra, làm rõ của cơ quan chức năng. Việc thu hồi tài sản thất thoát cũng sẽ gặp hạn chế.
Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can Trần Bắc Hà theo Điều 128, 129 BLTTHS. Do đó, khi bị can chết thì việc thu hồi tài sản sẽ được Cơ quan thi hành án căn cứ vào Bản án, quyết định củaTòa án khi xét xử các bị cáo đồng phạm khác đã có hiệu lực pháp luật.
Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau: 1. Không có sự việc phạm tội; 2. Hành vi không cấu thành tội phạm; 3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; 5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; 6. Tội phạm đã được đại xá; 7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; 8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố. Điều 230. Đình chỉ điều tra 1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. 2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can. 3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật này. |