Ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất nhưng chưa có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật là nội dung vụ án mà UBND huyện Lương Sơn đang là bị đơn trong vụ kiện hành chính ở Hòa Bình.
Vụ kiện này cho thấy, một trong những nguyên nhân khiếu kiện về đất đai ngày càng phức tạp là do cấp có thẩm quyền áp dụng pháp luật không nghiêm.
7 thông báo nhưng không có quyết định
Bà Vũ Thị Tuyết, trú tại số 17 - ngách 93/30 phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội là nguyên đơn khởi kiện Quyết định số 1142 “Cưỡng chế hành chính, giải phóng mặt bằng” của UBND huyện Lương Sơn đối với hơn 20.000m2 đất đang sử dụng hợp pháp của gia đình bà Tuyết.
Theo nội dung vụ án trước thời điểm ngày 27-8-2007, gia đình bà Tuyết chỉ nhận được 7 thông báo của UBND xã Tiến Xuân và huyện Lương Sơn về việc tới nhận tiền đền bù chứ không nhận được bất cứ quyết định thu hồi đất nào từ phía chính quyền địa phương. Bà Tuyết bức xúc vì “mãi đến ngày 27-8-2007 mới nhận được Quyết định số 1123 về việc thu hồi đất thì trước đó vào ngày 22-8-2007, bà Hoàng Thị Phương - Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đã ký Quyết định 1142 về việc “cưỡng chế hành chính, giải phóng mặt bằng đối với hơn 20.000m2 đất mà gia đình tôi đang sử dụng hợp pháp, đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Cưỡng chế thu hồi đất. (Ảnh minh họa)
“Quyết định cưỡng chế đi trước - Quyết định thu hồi đất theo sau. Đó là việc làm hoàn toàn trái luật!”. Không chỉ dừng lại ở việc bị gọi lên nhận tiền đền bù, bị ra quyết định cưỡng chế khi chưa nhận được quyết định thu hồi đất, Ban giải phóng mặt bằng còn tự ý cắt phá hàng rào quanh trang trại của gia đình bà Tuyết để đưa người vào kiểm đếm tài sản khi không có mặt gia chủ.
Hơn nữa, ngày 1-11-2006, căn cứ vào Tờ trình số 109 của Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường, ông Hoàng Thanh Mịch, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn đã ký Quyết định số 882 về việc thu hồi đất của 83 hộ dân ở xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn. Kèm theo quyết định này là họ tên chủ đất và phạm vi đất bị thu hồi, trong đó không hề có tên bà Tuyết. Tuy nhiên, trong Quyết định số 1123 giao cho bà Tuyết vào ngày 27-8-2007, lại có tên bà Tuyết trong khi vẫn căn cứ vào Tờ trình số 109 của Trưởng Phòng TNMT.
Nhiều sai sót khác
Trao đổi với phóng viên, bà Tuyết rất bức xúc trình bày các các tài liệu của vụ án, thể hiện nhiều điểm sai phạm như ngoài việc cưỡng chế trước, ra quyết định thu hồi đất sau, quyết định cưỡng chế có 5 điều thì trừ 2 điều giao cho người thực hiện còn lại 3 điều quan trọng nhất đều bị sai về tiêu đề, thẩm quyền và căn cứ áp dụng pháp luật.
Cụ thể là, tên Quyết định số 1142/QĐ-UBND huyện Lương Sơn ghi là “Thực hiện biện pháp cưỡng chế giải phóng mặt bằng” là sai vì cụm từ này chưa có trong văn bản pháp luật nào quy định. Nếu đúng bản chất của việc thu hồi thì phải ghi “cưỡng chế thu hồi đất”. Theo quy định tại khoản 2- Điều 44 Luật Đất đai năm 2003 và Điểm d, khoản 1 Điều 60 Nghị định 84/2007/NĐ-CP thì thẩm quyền thu hồi đất là UBND huyện Lương Sơn chứ không phải quyết định của cá nhân chủ tịch UBND huyện. Ngoài ra, Quyết định 1142/QĐ-UBND của huyện Lương Sơn ký ngày 22-8-2007 căn cứ vào Nghị định 197/2004/NĐ-CP đã hết hiệu lực. Quyết định còn ghi sai về số lô, số thửa, theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Tuyết ghi “số tờ bản đồ K3; số thửa: L(02) nhưng quyết định cưỡng chế ghi “số tờ bản đồ 24-d, số thửa: 03.
Do đó, bà Tuyết đề nghị TAND tỉnh Hòa Bình tuyên hủy bỏ Quyết định số 1142/QĐ-UBND của UBND huyện Lương Sơn đồng thời xem xét nội dung đơn kháng cáo theo phạm vi bản án sơ thẩm.
Điều đáng lưu ý là tại biên bản hòa giải trước đó, bà Tuyết yêu cầu bồi thường thiệt hại 2,1 tỷ nhưng sau đó giảm xuống 1,1 tỷ do UBND huyện cam kết sẽ quy gọn diện tích thu hồi, nhưng cam kết đó không được thực hiện nên bà Tuyết không chấp nhận số tiền 1,1 tỷ là tổng tiền bồi thường do việc cưỡng chế sai mà giữ nguyên quan điểm đòi bồi thường 2,1 tỷ…
UBND huyện Lương Sơn chắc hẳn sẽ phải chuẩn bị lý lẽ và căn cứ pháp lý để bảo vệ quyết định của mình đang bị kiện, nếu vụ việc đúng như nguyên đơn phản ánh thì việc hủy bỏ quyết định có lẽ khó tránh khỏi.
Hoàng Mai