Cha bị cáo ngồi thẫn thờ nơi sân tòa, mắt đau đáu chờ xe tù đến. Khuôn mặt già nua, khô quắt queo. Hai hàm răng rụng gần hết chỉ còn trơ lại nướu, khiến hai má ông cụ càng thêm hóp lại. Dấu thời gian đè nặng lên chiếc lưng cong vòng của ông lão.
Ông đến tham dự phiên tòa xét xử vụ án “giết người”. Điều đáng nói, kẻ vung dao đoạt mạng người, và người nằm lạnh lẽo dưới ba tấc đất, đều là hai đứa con trai ông đứt ruột đẻ ra.
Do mâu thuẫn với nhau nên sau khi uống bia, bị cáo Đoàn Văn Lòn (SN 1968, ngụ huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho rằng em trai có lời lẽ xúc phạm mình nên cả hai xảy ra đánh nhau. Quá trình xô xát, Lòn chạy vào nhà bếp lấy ra con dao đâm trúng vào ngực em trai dẫn đến tử vong. Ngày 23/1/2018, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Lòn về tội danh “giết người”.
Nỗi niềm cha già
Từ huyện Nam Đông về TAND tỉnh phải đi mất hơn 70 cây số đường đèo, nên người thân bị cáo Lòn phải khăn gói ra khỏi nhà khi trời mới tờ mờ sáng. Họ tập trung tại sân tòa án khi phiên tòa vẫn còn lâu mới đến giờ xét xử. Cha bị cáo ngồi đờ đẫn một mình dưới gốc bàng trơ trụi lá. Những ngọn bàng úa vàng rời cành, lác đác rơi quanh chân ông cụ như vẽ thêm vào khung cảnh u ám đìu hiu. Đôi mắt đục màu thời gian cứ chăm chăm nhìn ra con đường phía trước. Nơi chốc nữa thôi, chiếc xe tù sẽ chở đứa con trai tội đồ của ông đến hầu tòa.
Từ ngày con trai mất, một đứa khác đi tù, ông cụ dường như già thêm hàng chục tuổi. Tuổi cao vốn đã ít nói cười, giờ đây ông dường như quên mất cả tiếng mình. Nhiều khi cả ngày cứ ngồi thần ra một chổ, chẳng buồn mở miệng. Vợ ông còn tệ hơn. Từ ngày gia đình xảy ra tang tóc, bà nằm liệt giường liệt chiếu. Hôm nay tòa mở, bà cũng muốn về phố thăm con trai, nhưng chẳng lê nổi chân, đành nằm bẹp trên giường sụt sùi nước mắt.
Vợ chồng ông cụ có sáu đứa con. Lòn là con trai thứ tư. Người con trai đã chết là út trong nhà. Lòn có tiền sử bệnh tâm thần. Có lẽ ảnh hưởng của bệnh tật, nên tính Lòn hay nóng nảy. Nhất là những lúc có chút rượu bia trong người. Hôm xảy ra án mạng, Lòn và em trai đã uống hết 10 chai bia. Không ngờ cuộc nhậu hôm ấy lại gây ra thảm cảnh. “Từ khi thằng Chớ chết, chẳng đêm mô tui ngủ được. Nửa đêm trằn trọc trên giường, tui vẫn không tin sự thật đáng sợ đó. Cả thằng Lòn với thằng Chớ mới đi kiếm mây kiếm lá, lầm lũi kiếm tiền về nuôi vợ nuôi con. Răng chừ một đứa đi tù, một đứa đã nằm lạnh lẽo dưới ba tất đất”. Hai giọt nước mắt đục ngầu bò ngoằn nghèo trên gương mặt nhăn nheo vì tuổi già.
Phiên tòa hôm ấy không có những vành khăn trắng tang tóc, nhưng lạnh đến ghê người. Những giọt nước mắt lăn dài, những tiếng nấc nghèn nghẹn của người thân khiến phiên tòa càng thêm bức bối.
Vụ án thể hiện, trưa một ngày giữa tháng 5/2017, bị cáo Lòn và vợ xảy ra cãi nhau tại nhà mình. Lòn cầm cây lau nhà đánh vợ, nhưng vợ Lòn đã nhanh chân chạy sang nhà em chồng là nạn nhân Chớ (cách đó chừng 30m) trốn. Khi hai đứa con Lòn về nhà, cũng bị Lòn đánh, đuổi ra khỏi nhà. Đến chiều, khi vợ và con Lòn trở về, nhưng vẫn bị Lòn đuổi nên tất cả lại bỏ đi.
Đến tối, bị cáo Lòn đi mua 10 chai bia về uống một mình trước hiên nhà. Uống được một chai thì Lòn sực nhớ vợ vẫn còn bên nhà em trai nên đi sang tìm và tiếp tục chửi mắng vợ. Người em chạy ra khuyên can anh trai. Lòn liền kéo em sang nhà mình uống bia cùng. Vợ anh Chớ thấy vậy chạy ra can, nhưng anh Chớ vẫn đi cùng anh trai. Do biết tính tình của anh chồng, nên khi chồng vừa ra khỏi nhà, vợ anh Chớ chạy sang nhà hàng xóm cầu cứu, nhờ đi khuyên can giúp.
Hai anh em Lòn uống hết 10 chai bia thì bắt đầu xảy ra mâu thuẫn. Lòn chạy vào nhà cầm dao, đâm một phát vào ngực em trai. Bị đâm trúng, nạn nhân ôm ngực chạy về nhà rồi bất tỉnh. Lúc này, người hàng xóm được vợ anh Chớ nhờ đi khuyên can mới lếch thếch chạy sang. Cả hai vội vã đưa Chớ đến bệnh viện cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong trên đường đi.
Kết quả giám định cho thấy, trước, trong và sau thời điểm gây án của bị cáo, về mặt y học bị cáo bị động kinh cơn lớn có biến đổi trí năng nhân cách
Đau lòng vợ dại con thơ
Sau khi vụ án xảy ra, gia đình bị cáo đã cung cấp cho cơ quan chức năng một sổ điều trị ngoại trú tâm thần kinh của bị cáo. Ngay sau đó, Lòn được trưng cầu giám định về tâm thần. Kết quả giám định cho thấy, trước, trong và sau thời điểm gây án của bị cáo, về mặt y học bị cáo bị động kinh cơn lớn có biến đổi trí năng nhân cách. Về mặt pháp luật: Hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi. Đề nghị điều trị bắt buộc.
Sau gần ba tháng điều trị bắt buộc tại bệnh viện tâm thần TP Đà Nẵng, Lòn đã ổn định về mặt tâm thần. Kết luận về mặt y học cho thấy, Lòn bị động kinh cơn lớn có biến đổi trí năng nhân cách, cần điều trị ngoại trú liên tục. Về khả năng nhận thức và điều khiển hành vi: Hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.
Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra “nhớ nhớ, quên quên” khi khai về quá trình gây án. Nhất là những tình tiết gây bất lợi cho mình, bị cáo đều bảo “không nhớ được”. Tòa: “Lúc nào bị cáo biết em trai chết?”. Bị cáo: “Bị cáo không biết nữa. Ngày đó lên cơn động kinh quá, nên không biết chi hết”. Tòa hỏi bị cáo trước đây có đi nghĩa vụ quân sự? Bị cáo nói có. “Trong quân đội, có cho phép bị cáo uống rượu không? Cán bộ có dặn bị cáo không được uống rượu bia, ảnh hưởng sức khỏe không?”. Bị cáo: “Có chứ. Dặn về chỉ lo làm ăn thôi?”. “Vậy sao bị cáo còn hay uống rượu, rồi gây gổ?”. Bị cáo gãi đầu, không trả lời.
Tòa hỏi bị cáo, vợ bị hại yêu cầu bị cáo phải cấp dưỡng cho các con bị hại đến lúc trưởng thành, bị cáo có ý kiến gì? “Bị cáo đi tù xong, nếu được về sớm sẽ đứng ra nuôi các cháu”, Lòn khai. Tòa: “Bị cáo đi tù về, lúc đó cháu bị cáo cũng đã lớn mất rồi”. Bị cáo: “Tòa cho bị cáo về sớm chừng nào, thì bị cáo sớm nuôi được cháu chừng đó”.
Vợ bị cáo nói chồng chị tính tình nóng nảy. Hễ tức lên là cầm dao cầm rựa dọa nạt vợ con. “Chồng chị có khi nào đánh chị không?”. “Không có. Hễ ông cầm cây là tui bỏ chạy rồi, đâu đứng lại cho ông đánh. Nhiều khi nửa đêm nửa hôm, ông đuổi đánh cũng phải bỏ chạy. Tui nói ông chỉ lo làm ăn thôi. Đừng uống. Uống rồi lên cơn động kinh, lại đánh vợ đánh con. Ổng nghe tui, thì mô có chuyện”, vợ bị cáo nói.
Chị nói nhà đã nghèo, giờ chồng đi tù, một mình chị phải lo cho bốn đứa con, chắc gì đã lo nổi, nên ngoài 50 triệu chị đã vạy mượn để bồi thường cho bị hại, khoản bồi thường còn lại đành đợi chồng đi tù về rồi tự lo.
Vợ bị hại thì ai oán: “Chồng tui là lao động chính trong nhà. Tui giờ đau ốm, làm không nổi. Yêu cầu họ bồi thường 100 - 200 triệu đồng, mà họ không chịu, thì tui cũng đành chịu, chỉ biết nhờ tòa”. Hôm nay chị đến tòa cùng bốn đứa con. Đứa lớn đã lập gia đình, trước tòa nhất nhất yêu cầu tòa phải phạt bác mình thật nặng để “lấy lại công bằng cho cha”. Ba đứa con còn lại còn nhỏ, chưa đủ tuổi nên không được vào dự khán, cứ chạy tới chạy lui ngoài sân tòa.
Chị kể, nhà chị thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Chị hay đau ốm, nên việc lo cái ăn cái mặc trong nhà, chồng chị phải gồng gánh phần hơn. Sau ngày chồng mất, cả mấy mẹ con bỗng chốc mất đi chỗ dựa. Đau buồn, chị đổ bệnh. Nhà cửa vốn xác xơ, giờ càng thêm lạnh. Nhiều hôm, bếp nhà chẳng buồn đỏ lửa, vì cả mẹ lẫn con chẳng ai nuốt nổi cơm.
Hồi chồng chị mới mất, đau lòng quá khiến chị mê mê tỉnh tỉnh. Có những buổi chiều người phụ nữ ấy cứ ngồi mãi nơi hiên nhà, mắt ngóng ra con ngõ nhỏ chờ chồng đi làm về. Nhưng người chồng, người cha ấy sẽ chẳng bao giờ về nữa. Có lúc giữa bữa cơm, thấy bóng ai thấp thoáng ngoài ngõ, chị cũng thảng thốt đứng dậy, chạy ào ra, để rồi lại giật mình bật khóc. Nhưng chị có khóc mờ cả mắt, chồng cũng chị chẳng thể sống lại được. Nên chị đành phải gắng gượng dậy, còn làm chỗ dựa cho mấy đứa con.
Giờ nghị án, người thân xúm xít trước phòng cách ly. Lòn gửi ra cho người thân một mảnh giấy nhỏ được viết chi chít chữ. Chị gái Lòn cầm trong tay, vừa đọc vừa khóc. “Hắn nói cả nhà tha thứ cho hắn. Mỗi tháng nhớ bới xách cho hắn ít thức ăn. Chứ ở trong không có chi ăn hết. Hắn cũng xin lỗi mợ Yến…”. Vợ bị hại đứng bên cạnh rầu rĩ bảo, xin lỗi thì có ích chi? Người cũng không sống lại được.
Tòa tuyên phạt bị cáo 12 năm tù giam, cha bị cáo òa khóc. Ông bảo một đứa chết, một đứa đi tù. Coi như ông mất một lúc cả hai đứa con. Giờ ở tuổi gần đất xa trời, chắc gì đã chờ được đến ngày con trai mãn án. Khuôn mặt già nua nhăn nheo lại nhòe nhoẹt nước mắt.
Hồi chồng chị mới mất, đau lòng quá khiến chị mê mê tỉnh tỉnh. Có những buổi chiều người phụ nữ ấy cứ ngồi mãi nơi hiên nhà, mắt ngóng ra con ngõ nhỏ chờ chồng đi làm về. Nhưng người chồng, người cha ấy sẽ chẳng bao giờ về nữa. Có lúc giữa bữa cơm, thấy bóng ai thấp thoáng ngoài ngõ, chị cũng thảng thốt đứng dậy, chạy ào ra, để rồi lại giật mình bật khóc. Nhưng chị có khóc mờ cả mắt, chồng cũng chị chẳng thể sống lại được. Nên chị đành phải gắng gượng dậy, còn làm chỗ dựa cho mấy đứa con. |