Cuộc đời nhả tơ

Kim Truyền – Hạ Nhiên| 02/08/2022 21:36
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghệ nhân Phan Thị Thuận (thôn Hạ, xã Phùng Xá, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nổi tiếng khắp “xa gần” vì đã biến con tằm thành những người thợ tự dệt. Và rồi bà lại tự tìm tòi, khám phá gây dựng thành công thương hiệu độc đáo qua những sản phẩm lụa tinh xảo được làm từ tơ sen – Người nghệ nhân ấy có một cuộc đời nhả tơ như con tằm.

1(2).jpg

Nghệ nhân Phan Thị Thuận với sản phẩm từ tơ sen

Tôi tìm đến xưởng dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận vào một buổi chiều mùa hạ, phảng phất trong gió là mùi của hàng nghìn cuống sen tươi, loáng thoáng trong tai tiếng lách cách thoi đưa.

Trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa khi mà máy móc thay thế sức lao động của con người, các sản phẩm công nghiệp hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày thì những làng nghề và các sản phẩm truyền thống đang dần vắng bóng trong cuộc sống. Vậy mà “xa gần” ở đây, người ta vẫn truyền tai nhau về một người phụ nữ giàu nghị lực, vẫn mải miết giữ lấy hồn tơ lụa Việt.

2(1).jpg

Con tằm với người Nghệ nhân cần mẫn ấy luôn như một vị thần

Người phụ nữ ấy năm nay đã gần 70 tuổi, dáng người gầy nhỏ, nụ cười tươi và thi thoảng lại ngân nga câu hát, thi thoảng lại niệm một câu Phật, người phụ nữ ấy vẫn cần mẫn như con tằm nhả tơ: “Tôi sinh năm 1954, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Từ nhỏ làm cùng bố mẹ, lớn lên năm 18 tuổi làm kế toán thống kê ngành dâu tằm cho hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xã Phùng Xá. Từ đời bà cô của bố đã biết tổ chức những người thợ giỏi để làm tơ bán. Đến đời bố tôi là người đầu tiên được vào xí nghiệp dệt của HTX thủ công nghiệp xã Phùng Xá, được ăn cơm nhà nước về nghành dệt và mẹ thì nuôi tằm” – Nghệ nhân Phan Thị Thuận cho biết.

3(1).jpg

Khách du lịch tìm hiểu và trải nghiệm về nghề dệt lụa

“Nghề đến từ lúc còn trong bụng mẹ, máu chảy cũng là nghề từ khi mới sinh ra, lúc nào cũng đau đáu với nghề” - đó không chỉ là lời tâm sự đơn thuần của bà Thuận, bởi trong lời nói, ánh mắt của người nghệ nhân ấy tôi cảm nhận được sự đam mê, nhiệt huyết đến cháy bỏng. Và chính công việc kế toán thống kê nghành dâu tằm cho HTX, cộng với tính cần cù chịu khó mà Bà Thuận đã tự rèn luyện cho mình: “ Cứ 10 giờ sáng, khi cả làng đi hái lá dâu về thì tôi vác cân ra gốc cây đa làng để cân lá cho từng gia đình. Buổi trưa, các gia đình thường thay phân cho tằm vì vậy tôi lại vác cân ra để cân phân tằm. Từ đó, tôi tìm tòi xem mỗi 1 vòng trứng, 1 nong tằm, 1 cân kén của họ thì tằm sẽ ăn hết bao nhiêu cân lá dâu. Con tằm ăn dâu xong thì phải thải ra phân, họ lại mang ra cân, tôi tính được một sào dâu được bao nhiêu cân lá dâu, bao nhiêu cân kén tằm, bao nhiêu cân tơ và nó cho mình được bao nhiêu cân phân tằm để bón ruộng.”

4.jpg

Khách du lịch tìm hiểu và trải nghiệm về nghề dệt lụa

Tình yêu nghề đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn, tìm hướng đi mới, hướng chưa ai đi. Trải qua bao khó khăn vất vả vừa lo nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất, vừa lo đầu ra cho sản phẩm, những khó khăn ấy càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam:“Tôi mong muốn các sản phẩm từ tơ tằm, tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa sen ra thế giới. Bên cạnh đó, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đặc biệt là giữ gìn, phát huy nghề truyền thống ông cha để lại. Với tôi, con tằm như một vị thần” - Bà Thuận chia sẻ

Với người nghệ nhân Phan Thị Thuận thì con tằm như một vị thần: “Mình chăm sóc họ (con tằm) tốt thì họ sẽ cho mình nhiều tài sản vô giá. Con tằm hình thành từ tri số sợi tơ nhỏ nhất trong miệng nó để nó rút ruột, nhả tơ. Nếu như chúng ta chăm sóc con tằm cho tốt thì con tằm sẽ khỏe mạnh, và tự nó sẽ rút ruột nhả tơ cho mình, sợi tơ rất đẹp. Khi tôi có ý tưởng làm cho con tằm tự dệt tơ thì không một ai đồng ý cho tôi làm, tất cả nhà rồi mọi người ai cũng không tin và bảo tôi phá hoại, làm vớ làm vẩn. Một mình tôi ở xưởng, suốt ngày, suốt đêm… cứ 1 mình, 1 mình để tự mò mẫm làm. Rồi từ kinh nghiệm làm tơ tằm, tôi lại thành công trong việc làm ra các sản phẩm từ tơ sen”.

Bên cạnh đó, người nghệ nhân ấy vẫn đau đáu một nỗi niềm làm sao để phát triển nghề truyền thống hơn nữa khi mà tiềm năng, lợi thế vẫn còn bỏ phí rất nhiều: Khách du lịch thích nhìn thấy tằm tự dệt, họ thích tìm hiểu về nghề của mình, xuống hồ lấy sen họ cũng lội xuống bùn lấy sen cùng mình. Mong ước lớn nhất của tôi là nghề tơ tằm và tơ sen phải được giữ gìn và phát triển vì cái nghề này mang lại cuộc sống cho nhân dân. Tất cả những người nào dùng sản phẩm là góp phần với mình để bảo vệ môi trường.”

5.jpg

Nhiều em trẻ học nghề và để kiếm thêm 1 số tiền nho nhỏ phụ giúp bố mẹ

Cây dâu, gốc sen đều đòi hỏi sạch (không dính thuốc), sản phẩm tơ lụa thủ công từ đó mang sự thuần khiết của tự nhiên. Bản thân tôi là một nghệ nhân, truyền dạy cho bao nhiêu thế hệ, tôi rất mong muốn có một chỗ riêng biệt để làm nghề. Một cánh đồng sen ngay tại xưởng đang làm, lấy cuống sen từ ruộng lên làm tơ ngay tại chỗ . Và có 1 căn phòng nhỏ để giới thiệu sản phẩm ngay tại quê hương mình”.

Trong căn nhà luôn lách cách tiếng thoi đưa, hàng ngày bà Thuận tỉ mỉ chỉ dạy cho những người thợ của mình về kỹ thuật dệt lụa từ tơ tằm, tơ sen. Ngoài những người thợ chính, vào mỗi dịp nghỉ hè, bà còn nhận các em học sinh đến học nghề: “Nếu tính cả những người đưa về nhà làm (như quay tơ, quay sợi, khâu…) ở khắp các nơi thì phải có hơn 200 người đang làm cho xưởng của tôi”.

Tình yêu với nghề thủ công truyền thống của nghệ nhân Phan Thị Thuận đã là tấm gương sáng cho nhiều em theo học việc tại xưởng, như em Nguyễn Thị Nhàn ở xã Phù Lưu Tế cho biết: “ Cứ đến hè là em lại xuống Bà học nghề và để kiếm thêm 1 số tiền nho nhỏ phụ giúp bố mẹ. Đây là năm thứ 4 em theo học nghề dệt lụa, em rất đam mê và cũng mong muốn sau nay sẽ là người nối tiếp truyền thống nghề như Bà đã làm”.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận nổi tiếng khắp “xa gần” vì đã biến con tằm thành những người thợ tự dệt. Và rồi bà lại tự tìm tòi, khám phá gây dựng thành công thương hiệu độc đáo qua những sản phẩm lụa tinh xảo được làm từ tơ sen – Người nghệ nhân ấy có một cuộc đời nhả tơ như con tằm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời nhả tơ