Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì?

Trọng Bằng| 17/02/2019 11:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trải qua 40 năm, cuộc chiến đấu anh dũng ở khu vực biên giới phía Bắc Tổ quốc vẫn luôn khẳng định sự thật lịch sử: Nhân dân Việt Nam không bao giờ chịu quỳ gối trước bất kỳ thế lực xâm lược ngoại bang nào. Điều này đã được các chuyên gia phân tích rõ.

Giành thắng lợi tại biên giới phía Bắc-  Việt Nam bảo vệ quyền tự vệ chính đáng

Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến tranh phi nghĩa bị quốc tế lên án gay gắt. Đúng 3h30 phút, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này được cho nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó (thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân...).

Mở đầu cuộc tiến công, trên mặt trận Lạng Sơn, đối phương sử dụng các Quân đoàn 43, 55, và 54 (dự bị), có 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 pháo cơ giới, chia làm nhiều mũi đánh vào Bản Chắt (Đình Lập), Chi Ma, Ba Sơn (Lộc Bình), Tân Thanh, Tân Yên (Văn Lãng) và khu vực thị trấn Đồng Đăng. Trên mặt trận Cao Bằng, phía Trung Quốc huy động 3 quân đoàn (trong đó một quân đoàn làm lực lượng dự bị), hai trung đoàn địa phương, 4 trung đoàn độc lập, 225 xe tăng, xe bọc thép, hơn 300 pháo cơ giới,...

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì?

Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước và khẳng định “Quân và dân Việt Nam không có còn con đường nào khác là phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”.

Với tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân ta, nhất là ở các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc một lần nữa phát huy cao độ truyền thống cách mạng, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, kiên quyết chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 22/2/1979, Trung Quốc chiếm thị xã Lào Cai, Cao Bằng, Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn) và uy hiếp thị xã Lạng Sơn.

Lực lượng vũ trang Quân khu 1, Quân khu 2 và người dân 6 tỉnh biên giới đã đánh trả quyết liệt các đợt tiến công của quân Trung Quốc. Nhiều mũi tiến công của đối phương bị bẻ gãy. Phía Việt Nam tiêu diệt nhiều sinh lực, làm chậm ý đồ đánh nhanh, chiếm nhanh của Trung Quốc.

Tuy nhiên, do có ưu thế quân đông và nhiều vũ khí trang bị nên quân Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng như Cao Bằng (từ 40 đến 50 km), Lạng Sơn, Lào Cai (từ 10 đến 15 km).

Trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc, quy mô chiến sự lớn nhất ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai. Mỗi tỉnh phải chống đỡ cùng lúc 2 đến 3 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc chỉ với lực lượng biên phòng, bộ đội địa phương, các đội tự vệ nhà máy, xí nghiệp và một số sư đoàn của Quân khu 1, Quân khu 2 đứng chân tại địa phương.

Trung Quốc lựa chọn thời điểm tấn công khi phần lớn quân chủ lực của Việt Nam đang dồn sức tại chiến trường Campuchia. Lực lượng của Việt Nam trong những ngày đầu chủ yếu là Công an Vũ trang (nay là bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ tại các cơ quan xí nghiệp và bộ đội địa phương. Trong khi Trung Quốc có những đơn vị chủ lực cấp quân đoàn với xe tăng, pháo hạng nặng.

Đến ngày 5/3/1979, quân Trung Quốc đã chiếm được hầu hết thị xã trung tâm dọc tuyến biên giới như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai... Trước tình thế nguy cấp, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh Tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến.

Kể từ giờ phút đó, mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều gia nhập lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Hội đồng Chính phủ. Cả nước huy động mọi nhân lực, vật lực, tài lực cần thiết để đảm bảo nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Nửa sau cuộc chiến, các đơn vị chủ lực của Việt Nam từ phía Nam được điều động lên biên giới để phản kích.

Chiều 5/3/1979, sau nửa ngày chiếm đóng thị xã Lạng Sơn, Trung Quốc tuyên bố rút quân trên toàn tuyến biên giới. Đối phương tuyên bố rút quân vì đã "đạt mục tiêu đề ra".

Trên thực tế, các đơn vị chủ lực của Việt Nam đã áp sát, chuẩn bị phản kích trên toàn tuyến biên giới. Trung Quốc buộc phải rút quân để tránh đòn giáng trả của lực lượng vũ trang Việt Nam.

Sau 1 tháng chiến đấu, Việt Nam đã gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực của Trung Quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân, tiêu diệt hoặc đánh thiệt hại 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, phá hủy 550 xe quân sự, trong đó 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và cối hạng nặng.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì?

Về phía Việt Nam, hệ thống các chốt biên phòng dọc tuyến biên giới phía Bắc bị tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng tại những nơi quân Trung Quốc chiếm đóng đều bị phá hoại. Đối phương không chỉ giết hại vô số dân thường mà còn cướp bóc, đập phá nhà cửa làng mạc.

Dù tuyên bố rút quân, nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn chiếm đóng trái phép một số điểm cao thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, có nơi sâu từ 200 đến 500 mét, thường xuyên gây xung đột vũ trang.

Những địa danh đẫm máu như Pháo đài Đồng Đăng (Lạng Sơn), Đồn biên phòng Pha Long (Lào Cai), Đồn biên phòng Pò Hèn (Quảng Ninh), Đồn biên phòng Ma Lù Thàng (Lai Châu), thôn Tổng Chúp (Cao Bằng)… còn in sâu dấu vết và ký ức về cuộc chiến.

Trong hoàn cảnh biên giới phía Bắc bị đe dọa, Việt Nam vẫn giữ lực lượng để truy quét tàn quân Pol Pot và giúp Campuchia ổn định. Mưu đồ giải cứu đồng minh Khme Đỏ của Trung Quốc bị phá sản hoàn toàn.

Ngoài ra, uy tín quốc tế của Trung Quốc còn chịu tổn hại nặng nề, TS Strasakova nhận định. Cuộc chiến đã để lộ những điểm yếu của quân đội Trung Quốc - nhất là trong về khâu hậu cần và thiết bị.

"Trên trường quốc tế, đặc biệt là trong mắt của các nước ASEAN, hình ảnh của Trung Quốc bị xấu đi rất nhiều, một số nước như Indonesia và Malaysia bắt đầu thiếu tin tưởng Bắc Kinh", bà Strasakova nói.

Ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam

Chiến thắng Việt Nam giành được trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 phải kể đến sự giúp đỡ không nhỏ của nhân dân tiến bộ trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô.

Trung tướng Porfiry Ivashko, một trong những chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến giúp Việt Nam ngay khi cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mới bắt đầu trên Báo Vietnamplus cho biết ông luôn lưu giữ những ký ức về Việt Nam. Tháng 2/1979, ông được giao nhiệm vụ mới, tham gia nhóm chuyên gia, cố vấn quân sự được Chính phủ Liên Xô cử sang Việt Nam - theo đề nghị của Việt Nam - để giúp nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi đó, ông là thành viên nhóm chuyên gia, cố vấn quân sự đầu tiên của Liên Xô đến Việt Nam. Trước khi đến Việt Nam, ông đã tìm hiểu về lịch sử, đất nước, tính cách, khí phách của con người Việt Nam.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì?

Trung tướng Porfiry Ivashko say sưa nói về từng bức ảnh liên quan cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc mà ông lưu giữ 40 năm qua . (Ảnh: Hồng Quân/TTXVN)

Trung tướng Porfiry Ivashko khẳng định Việt Nam và Liên Xô có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời. Nhân dân Liên Xô luôn cảm thông, chia sẻ khó khăn về vật chất lẫn tinh thần với nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến đấu chống đế quốc xâm lược. Do đó, nhân dân Liên Xô lại một lần nữa đứng về phía Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Liên Xô hỗ trợ Việt Nam toàn diện trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền này. Trung tướng Porfiry Ivashko đánh giá các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam rất thông minh, nhanh chóng nắm bắt và vận dụng hiệu quả các kiến thức, kỹ thuật quân sự mới.

Mặc dù trong điều kiện rất khó khăn và thiếu thốn, các chuyên gia, cố vấn của Liên Xô luôn nỗ lực kề vai sát cánh với quân và dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình. Liên Xô còn giúp đỡ Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân đội và nhân dân Việt Nam. Ông khẳng định dù khó khăn vất vả, nhưng các chuyên gia Liên Xô cảm thấy rất tự hào vì đã góp sức mình giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em.

Trung tướng Porfiry Ivashko chia sẻ sự cảm thông với nhân dân Việt Nam đã phải trải qua cuộc chiến đấu lâu dài với đế quốc Mỹ. Ông cho biết đã tận mắt chứng kiến thấy những nạn nhân Việt Nam chịu ảnh hưởng của bom napalm. Ông khẳng định Liên Xô luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chiến đấu bảo vệ nền độc lập của đất nước mình.

Nhìn lại cuộc chiến để bắc cầu hữu nghị, tương lai không tái diễn

Khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979 trên VOV, GS Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam nêu rõ, Trung Quốc gây khó khăn và ý đồ tấn công quân sự xuất hiện từ trước. Việt Nam đã kiềm chế, giữ hòa khí nhưng cuối cùng phải cầm vũ khí chống lại khi đạo quân 60 vạn quân ào ạt tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của nước ta vào ngày 17/2.

“Khi đạo quân tiến vào nước ta thì người Việt Nam cầm vũ khí đứng lên chống lại. Tính chính nghĩa của Việt Nam thể hiện rõ ngay ở phút đầu của cuộc chiến đấu là hoàn toàn bảo vệ biên cương của Tổ quốc”, ông Vũ Minh Giang nói.

Vị Giáo sư này cũng đặt vấn đề, vì sao Trung Quốc đem quân sang Việt Nam chỉ có tập đoàn Khơ me đỏ ủng hộ còn nhiều nước phản đối quyết liệt, yêu cầu Trung Quốc rút quân, thể hiện thái độ không đồng tình tạo thành dư luận quốc tế? Điều đó thể hiện tính phi nghĩa ở đạo quân ngoại bang và đương nhiên tính chính nghĩa thuộc về người chống lại đạo quân đó.

“Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc được sự đồng tình hưởng ứng của toàn dân tộc Việt Nam thì nếu không chính nghĩa làm sao có được điều đó. Sinh viên lấy máu viết thư xin ra mặt trận; nhiều nghệ sĩ thể hiện ý chí mạnh mẽ, người dân xung phong cầm súng kể cả khi chưa có Lệnh Tổng dộng viên. Tính chính nghĩa là vô cùng rõ ràng”, GS Vũ Minh Giang khẳng định.

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì?

GS Vũ Minh Giang. Ảnh VOV

GS Vũ Minh Giang nhấn mạnh, với Việt Nam, lịch sử không chỉ có xây dựng đất nước mà luôn luôn sẵn sàng cầm vũ khí chống ngoại xâm để gìn giữ độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, điều đó ngấm vào máu của Việt Nam, là một phần sức mạnh, thậm chí nó thành văn hóa Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước được coi là giá trị tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc, là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam. Chủ nghĩa yêu nước đó được đẩy lên mức cao nhất khi thế lực khác đụng đến giá trị thiêng liêng nhất là độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc chiến 1979 thể hiện tập trung cao độ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước.

GS Vũ Minh Giang cũng chỉ rõ, việc nhìn lại và định vị tính chất cuộc chiến không phải để khắc sâu hận thù, khuếch rộng hay kích động tâm lý bài Trung Quốc mà như một cách để nhắc nhở trong quan hệ hai nước có vết hằn, hố ngăn cách cần bắc cầu hữu nghị vượt qua, để tương lai không tái diễn.

Việc đưa ra những nhận định đúng đắn về cuộc chiến đấu chính là sự tiếp nối truyền thống, hun đúc khí chất của người Việt Nam, dung dưỡng sức mạnh nội lực của người Việt Nam, cùng với xây dựng đất nước hùng cường, quân đội mạnh để bảo vệ đất nước.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc Việt Nam: Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì?