Ngày 8/4, thông tin từ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa cho biết, các đơn vị trên toàn tuyến biên giới đã thành lập các chốt để tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch Covid- 19, xử lý các trường hợp nhập cảnh bằng đường mòn, lối mở.
Tính đến hết ngày 7/4, các đơn vị trên tuyến biên giới của tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 16 trường hợp nhập cảnh trái phép, đưa đi cách ly tập trung bắt buộc. Chiều ngày 6/4, lực lượng Đồn Biên phòng Bát Mọt đã phát hiện bắt giữ 2 trường hợp lợi dụng đường mòn, lối mở để nhập cảnh trái phép.
Phát hiện các đối tượng vượt biên trái phép
Khai báo với cơ quan chức năng, hai người này là Nguyễn Văn Sáu, SN 1970, quê xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân và Phạm Văn Sỹ, SN 2001, quê xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân đi làm ăn, lao động tại huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Do lo sợ tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp bên nước bạn nên bỏ về quê theo lối mòn. Nhà chức trách đã đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế và tổ chức đưa đi cách ly tập trung theo đúng quy định.
Qua thống kê hiện đang có khoảng 4.000 người Việt Nam đang lao động và làm việc tại Lào, trong đó có 1.200 người Thanh Hóa. Số lượng người Việt từ Lào trở về ngày một lớn.
Chiến sỹ biên phòng vượt suối vào bản dùng loa tuyên truyền lưu động
Thanh Hóa có đường biên giới dài 192km, với nhiều đường mòn, lối mở, cửa khẩu tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Lào. Theo chỉ đạo của cấp trên, BĐBP Thanh Hóa cùng với các lực lượng chức năng trên tuyến biên giới đã đã lập 42 chốt, tổ công tác tiến hành tuần tra, chốt chặn đường mòn, lối mở, quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới 24/24 không để người nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Ðối với Cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn), cửa khẩu quốc gia Tén Tằn (huyện Mường Lát) các lực lượng đã triển khai việc khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả các công dân khi qua lại khu vực biên giới. Thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới của phía Lào để xác minh các trường hợp từ Trung Quốc qua Lào về Việt Nam, kịp thời có biện pháp quản lý, theo dõi. Rà soát, nắm chắc số người dân trên địa bàn và những người từ các nước có dịch trở về, cũng như số công dân từ các vùng dịch trong nước vào địa bàn để tham mưu cho địa phương có biện pháp quản lý, cách ly theo quy định.
Cơ quan chức năng đo thân nhiệt, tuyên truyền cho người dân phòng dịch
Trên tuyến biên giới, đường sá bị chia cắt, cơ sở vật chất còn thiếu thốn cộng thêm thời tiết thất thường, mưa triền miên khiến công tác bám trụ địa bàn của lực lượng chức năng càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, những chiến sỹ nơi biên cương vẫn kiên trì bám chốt, kiểm tra, kiểm soát đường biên, lối mở không cho người qua lại trái phép góp phần cùng với cả nước chiến đấu với đại dịch.
Ghi nhận tại Đồn Biên phòng Bát Mọt (Thường Xuân) nơi có 17 km đường biên giới kéo dài tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, mọi việc trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết. Mỗi chiến sỹ được phân công nhiệm vụ rõ ràng, người trực chốt, tuần tra, phối hợp với chính quyền địa phương, trạm y tế xã triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động người dân về công tác phòng chống dịch.
Bữa ăn qua ngày bằng mỳ tôm của các chiến sỹ nơi biên cương
Thượng úy Hoàng Văn Nam, nhân viên Quân y Đồn Biên phòng Bát Mọt cho biết: “Ngay khi có lênh của cấp trên, chúng tôi đã tổ chức phun thuốc khử trùng khuôn viên doanh trại, các chốt phòng dịch, cấp phát khẩu trang, đo thân nhiệt cho cán bộ, chiến sĩ và người dân đến làm việc với đơn vị, triển khai các điểm rửa tay sát khuẩn ở cổng, nhà ăn, hội trường đơn vị. An toàn từ nhà mình trước, sau đó hướng dẫn người dân về công tác phòng chống dịch không tụ tập đông người, tăng cường vệ sinh môi trường, tuyên truyền để bà con rửa tay, đeo khẩu trang, các quy định xử lý nếu vi phạm”.
Tại đây có 12 tổ công tác được thành lập để thay nhau tuần tra, kiểm soát trên địa bàn. Xác định “chống dịch như chống giặc”, các chiến sỹ luôn sẵn sàng cao độ, quyết tâm và tin tưởng tuyệt đối sẽ chiến thắng đại dịch. Các chiến sĩ đã “đến tận nơi, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền, phát tờ rơi, đồng thời phát miễn phí hàng trăm khẩu trang cho người dân. Quân với dân như một, tạo nên lá chắn vững chắc từ biên giới.