Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực (P3)

TS. Phạm Sỹ Thành (Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách)| 04/06/2015 07:26
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước khi Trung Quốc hành động, các nước ASEAN không nên thụ động trông chờ vào hành động của Mỹ tại Biển Đông....

Không phải ngẫu nhiên mà học giả Mỹ R. Kaplan gọi Biển Đông là “chảo dầu châu Á”. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến 5 cuộc xoay trục lớn của thế giới, bao gồm chính sách tái cân bằng của Mỹ, việc Nga chuyển sang chính sách hướng về châu Á, châu Âu chuyển sang chính sách hướng về châu Á, Ấn Độ chuyển từ chính sách “hướng Đông” sang “hành động phía Đông” và việc xoay trục của Trung Quốc.

Trong đó, cạnh tranh Trung - Mỹ là trực diện và căng thẳng hơn cả. Những chuyển biến nhanh chóng trong cách hành động của Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông cho thấy dấu hiệu của bẫy Thucydides, khi mà Mỹ có cách tiếp cận mới, cứng rắn hơn đối với Trung Quốc còn Trung Quốc thì ngờ vực chiến lược của Mỹ và quyết tâm thực hiện “Giấc mơ phục hưng Trung Hoa”.

Tại Biển Đông, cũng như tại nhiều khu vực khác, Trung Quốc có thể lựa chọn một trong ba cách tiếp cận.

Thứ nhất, Bắc Kinh cạnh tranh ảnh hưởng với Washington thông qua các sáng kiến song phương hoặc đa phương, thông qua sức mạnh mềm kinh tế và các hoạt động ngoại giao mềm dẻo. Trung Quốc đã tiếp cận cách này trong các vấn đề không liên quan đến chủ quyền, khi đưa ra sáng kiến về thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và “Một vành đai, Một con đường”.

Trên thực tế, các sáng kiến này của Trung Quốc đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các vấn đề trên Biển Đông, nhưng cách tiếp cận này khó có thể giúp Trung Quốc đạt được các mục đích về chủ quyền.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực (P3)

Dự án Một vành đai - một con đường (bao gồm Con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển) của Trung Quốc.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực (P3)

Thành lập AIIB là một trong những trong những sáng kiến đa phương nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Washington của Bắc Kinh. Đồ họa: TTXVN

Thứ hai, Trung Quốc sẽ tạo ra hiện trạng “hòa bình lạnh” với Mỹ. Do sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế giữa hai nước, với khoảng 2000 tỷ USD thương mại, đầu tư, trái phiếu chính phủ, sự xung đột vũ trang lâu dài giữa hai nước là điều khó xảy ra.

Hơn nữa, do Biển Đông liên quan chặt chẽ với nhiều quốc gia (như Ấn Độ, Australia, EU) nên các quốc gia và khu vực này cũng sẽ có những biện pháp thúc đẩy hạ nhiệt nếu quan hệ Trung - Mỹ leo thang căng thẳng.

Do đó, Trung Quốc và Mỹ có thể có nhiều cách để cùng hạ nhiệt trong vấn đề căng thẳng tại Biển Đông, tránh va chạm về quân sự, trong đó không loại trừ các thỏa thuận ngầm nhằm trao đổi lợi ích.

Tuy nhiên, do Biển Đông đẩy hai nước vào tình thế lưỡng nan- một bên là “chủ quyền” (tự nhận) một bên là duy trì các “giá trị Mỹ” (luật quốc tế) - nên mặc dù không xung đột vũ trang nhưng hai nước có thể sẽ cùng phải có những tuyên bố cứng rắn và sự lạnh nhạt nhất định trong quan hệ song phương.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ đối đầu quân sự ở mức vừa phải, trong thời gian ngắn rồi tìm cách buộc Mỹ đàm phán.

Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực (P3)

Sự trỗi dậy của Trung Quốc liệu có đưa hai nước Mỹ - Trung rơi vào cái bẫy Thucydides?

Nhưng trước khi Trung Quốc hành động, chúng tôi cho rằng, các nước ASEAN không nên thụ động trông chờ vào hành động của Mỹ tại Biển Đông. Mỹ là một cường quốc có trách nhiệm, do đó những gì quốc gia này tiến hành đều dựa trên luật quốc tế.

Mỹ chỉ thực sự thể hiện thái độ và hành động trong vấn đề Biển Đông khi các hành động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, tại các vùng biển quốc tế. Điều này có nghĩa là, Việt Nam và các nước có quyền lợi quốc gia tại Biển Đông cần phối hợp hành động với nhau thay vì tiếp tục đợi Mỹ cung cấp “hàng hóa công”.

Các nước cần phối hợp hành động thay vì tìm kiếm các giải pháp song phương với Trung Quốc và cần hành động trước khi Trung Quốc thiết lập được một “nguyên trạng mới tại Biển Đông”.

Đối với Mỹ và các quốc gia có liên quan, thử thách thực sự không phải là loại bỏ hay phớt lờ sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như các yêu cầu khách quan của quốc gia này. Thách thức thực sự của họ, là hướng Trung Quốc hành động theo các khuôn khổ quản trị được định hướng bởi luật quốc tế. Một Trung Quốc thịnh vượng và hành xử văn minh là điều có lợi cho khu vực.

Đối với Trung Quốc, thách thức thực sự để được công nhận như một cường quốc là làm sao ứng xử có trách nhiệm và minh bạch, tuân theo các luật lệ hiện có của thế giới. Các lựa chọn đi chệch khỏi điều này, đều bất lợi cho Trung Quốc.

Cái bẫy Thucydides (ThucydidesTrap)

Cách nay hơn 2.400 năm trước, sử gia và nhà khoa học chính trị Hy Lạp Thucydides (460 - 400 TCN) đã viết cuốn Lịch sử chiến tranh Peloponnsus - quyển sách khoa học chính trị đầu tiên với những phân tích, đánh giá khoa học về sự cạnh tranh quyền lực giữa các quốc gia.

Trong cuốn sách này, Thucydides mô tả cuộc chiến Thế kỷ thứ 5 TCN (từ 431 - 404) giữa quốc gia mới nổi là Athens thách thức vị trí bá quyền của Sparta. Thucydies cho rằng: “Điều làm cho chiến tranh trở thành tất yếu chính là sức mạnh của Athens ngày càng lớn và nỗi sợ hãi về hệ quả của sức mạnh này ở Sparta”.

Graham Allison, Giáo sư chính trị học của Harvard, gọi hiện tượng này là “Cái bẫy Thucydides” và thuật ngữ này hiện được dùng khá phổ biến trong giới nghiên cứu chính trị.

Graham nghiên cứu lịch sử thế giới trong 500 năm qua và thấy rằng, trong 16 trường hợp khi một cường quốc mới trỗi dậy tìm cách “soán ngôi” của một cường quốc khác và thay đổi trật tự đã được thiết lập, thì 12 trường hợp đưa đến kết cục là chiến tranh.

Từ góc độ lịch sử, Graham có lý do để không lạc quan về chiều hướng phát triển của quan hệ Trung - Mỹ, đồng thời liên tục cảnh báo hai quốc gia này không rơi vào “Cái bẫy Thucydides”.

Trích từ bài viết Xung đột Trung - Mỹ: Định mệnh không lối thoát? của TS. Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Bộ Ngoại giao).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung và tác động đối với khu vực (P3)