Hàng loạt lợi ích khi phát hiện sớm bệnh lao ở cộng đồng đã được khẳng định, không chỉ giảm lây lan mà còn giúp việc điều trị hiệu quả hơn, giảm di chứng cho bệnh nhân và giảm gánh nặng cho cộng đồng.
70% người mắc bệnh lao trong độ tuổi lao động
PGS Lê Văn Hợi - Phó Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia cho biết, xu hướng dịch tễ bệnh lao trên toàn cầu nói chung đang có xu hướng giảm với tỷ lệ mắc lao mới giảm trong khoảng thời gian dài và có tốc độ giảm khoảng 2%/năm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Chương trình chống lao quốc gia đã ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giảm khoảng 3,8% hàng năm (từ 2007-2017), tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm.
Ước tính năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Trong năm 2018, Việt Nam đã tiếp tục phát hiện và đăng ký điều trị cho hơn 100.000 bệnh nhân lao thường, hơn 3.000 trường hợp bệnh nhân lao kháng thuốc. Hiện nay, trên cả nước có 48/63 tỉnh, thành đã thành lập Bệnh viện phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.
Điều trị cho bệnh nhân mắc lao
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống lao hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Nếu điều trị lao thường có thể chỉ tốn khoảng dưới 10 triệu đồng nhưng với lao đa kháng thuốc có thể mất tới 70-80 triệu đồng, thậm chí những gia đình có người thân chết do bệnh lao có thể mất tới 15 năm thu nhập. Với mức chi phí đó cùng với con số mắc lao của Việt Nam vẫn còn rất cao, gánh nặng của căn bệnh này là rất lớn.
Trước thực trạng đó, Việt Nam đang nỗ lực trong công tác phòng, chống lao, hướng tới khống chế căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Trong 10 năm qua, dựa trên 2 lần nghiên cứu điều tra toàn quốc và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030, tốc độ giảm bệnh lao đã nhanh hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, đến nay Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạng từ trung ương đến địa phương.
Theo WHO, Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Việt Nam đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấn dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chương trình chống lao hiện nay vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc duy trì sự bền vững cho tất cả những điều kiện thuận lợi hiện nay, những thành quả đã đạt được cho đến năm 2030.
Với 20% bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện, đây là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho cộng đồng. Nguyên nhân khiến công tác phòng chống lao vẫn gặp khó khăn do hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cũng cho hay, Việt Nam là nước có tỷ lệ người mắc bệnh lao còn cao. Tuy nhiên, nước ta có hệ thống phòng, chống lao rất tốt từ Trung ương tới tuyến cơ sở. Điều đó thể hiện cam kết cao từ cấp lãnh đạo cũng như Chương trình phòng, chống lao của Việt Nam.
Muốn thực hiện thành công chấm dứt đại dịch lao, chúng ta cần nỗ lực hơn và phải hướng tới cách tiếp cận mới, để làm sao có sự tham gia một cách sâu rộng hơn, toàn diện hơn của các đơn vị có liên quan. Đặc biệt, cần quan tâm, hỗ trợ nhóm bệnh nhân nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương. Tăng cường hơn nữa hoạt động sàng lọc, phòng, chống lao với mục tiêu chấm dứt bệnh lao sớm bằng các dịch vụ chẩn đoán có chất lượng cao cho mọi đối tượng bệnh nhân lao.
Để tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lao; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chính quyền các cấp ở Việt Nam cần bảo đảm nguồn tài chính bền vững lâu dài, sự hợp tác đa ngành trong công tác phòng, chống lao.
Bệnh lao là bệnh nhiễm một loại vi khuẩn (có tên là Mycobacterium Tuberculosis - MTB) tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Tùy theo vị trí bị bệnh mà người ta chia bệnh lao thành 2 thể chính là: lao phổi chiếm khoảng 80-90% và lao ngoài phổi (lao xương, lao gan…) chiếm khoảng 10-20%. Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh lao bao gồm: người dương tính với HIV hoặc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch; người đã tiếp xúc gần với người mắc bệnh lao; người chăm sóc bệnh nhân bị lao (bác sĩ, y tá, người thân); người sống và làm việc ở nơi có người bị lao (trại tị nạn, trạm xá); người sống ở nơi có điều kiện y tế thấp kém; người lạm dụng rượu hoặc ma túy… Để phòng bệnh, cần có những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Biện pháp hữu hiệu nhất là cho trẻ sơ sinh là đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng chống lao (hiện nay Việt Nam đang thực hiện tiêm phòng lao ngay tháng đầu sau sinh trong chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai ở tất cả các xã). Đồng thời, thực hiện lối sống lành mạnh như: ăn uống hợp lý, ngủ đủ, tập thể dục đều đặn và tránh xa các chất gây nghiện như ma tuý, rượu bia, thuốc lá... Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc và khám sức khoẻ định kỳ cũng là điều cần thiết để phòng bệnh lao. Đối với người đã nhiễm lao cần thực hiện các biện pháp tránh lây cho người xung quanh như: nghỉ làm hoặc nghỉ học và ngủ riêng trong vài tuần đầu điều trị (thông thường cần vài tuần điều trị lao để không lây cho người khác); đeo khẩu trang khi ra ngoài; lấy miếng vải che miệng bất cứ khi nào cười, nói, ho, hắt hơi sau đó để miếng vải trong túi, buộc kín và vứt vào thùng rác. Đặc biệt, người bệnh cần phải tuân thủ nghiêm quá trình trị liệu. Đây là bước quan trọng trong quá trình điều trị lao nhằm bảo vệ người bệnh và những người xung quanh khỏi lao. |