Ngày 19/6, tại trụ sở TAND tỉnh Bình Định, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử đối với bị cáo Nguyễn Văn Chánh (SN 1982, trú tại phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo Bản án số 08/2014/DS-PT ngày 29/9/2014 của TAND tỉnh Bình Định thì ông Lê Viết Chín, chủ DNTN Phú Lợi có nghĩa vụ trả cho Công ty TNHH Thanh Phát do bà Trần Thị Huệ làm Giám đốc số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Sau khi có đơn yêu cầu thi hành án của Công ty TNHH Thanh Phát, ngày 9/10/2014, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định ký Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 01/QĐ-CTHA, phân công Nguyễn Văn Chánh, chấp hành viên sơ cấp tổ chức thi hành.
Trong quá trình tổ chức thi hành án, chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh đã có nhiều hành vi thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về thi hành án, thiếu trách nhiệm trong quá trình tổ chức và thi hành Bản án số 08/2014/DS-PT ngày 29/9/2014 của TAND tỉnh Bình Định, kê biên, cưỡng chế lô sắn lát gần 1.539 tấn của DNTN Huy Phương (nay là công ty TNHH Huy Phương) không đúng pháp luật để xảy ra thiệt hại tài sản có giá trị gần 5.7 tỷ đồng.
Đồng thời, chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh còn kê biên, tạm giữ lô sắn lát gần 25.729 tấn và gần 33,4 tấn hạt ươi của DNTN Phú Lợi không đúng pháp luật, gây thiệt hại cho DNTN Phú Lợi hơn 49.4 tỷ đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định Nguyễn Văn Chánh có một phần lỗi nên buộc Cục THADS tỉnh Bình Định bồi thường một phần thiệt hại cho DNTN Huy Phương với số tiền là gần 1,9 tỷ đồng và bồi thường DNTN Phú Lợi với số tiền là gần 20 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Huệ phải bồi thường cho DNTN Huy Phương gần 1,9 tỷ đồng; DNTN Phú Lợi phải bồi thường cho DNTN Huy Phương gần 1,9 tỷ đồng.
Về trách nhiệm hình sự, bị cáo Nguyễn Văn Chánh bị phạt 7 năm tù giam về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Sau khi xét xử sơ thẩm, Cục THADS tỉnh Bình Định, DNTN Phú Lợi, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Trần Thị Huệ (Giám đốc Công ty Thanh Phát, nay đã giải thể) và DNTN Huy Phương có đơn kháng cáo không đồng ý phần trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự đối với bị cáo tại bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, sau phần tranh tụng và nghị án TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận định: việc gây thiệt hại lô sắn lát của Công ty TNHH Huy Phương là do nhiều nguyên nhân, lỗi chủ yếu là xuất phát từ hành vi thực thi pháp luật của chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh. Do đó cần xác định lại tính chất mức độ lỗi gây ra hậu quả, chấp nhận một phần kháng cáo của DNTN Phú Lợi và bà Trần Thị Huệ, sửa bản án hình sự sơ thẩm, buộc Cục THADS tỉnh Bình Định phải bồi thường cho DNTN Huy Phương số tiền hơn 2,8 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Huệ là người được yêu cầu thi hành án, nhưng cung cấp thông tin không đúng, góp phần dẫn đến thiệt hại nên phải bồi thường cho DNTN Huy Phương số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
DNTN Phú Lợi là người phải thi hành án nhưng do khai báo không trung thực, dẫn đến hậu quả thiệt hại đối với lô sắn lát của DNTN Huy Phương nên cũng phải bồi thường số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.
Đối với lô sắn lát và hạt ươi của DNTN Phú Lợi: HĐXX phúc thẩm nhận định: chấp hành viên kê biên cưỡng chế tài sản các lô hàng nói trên của DNTN Phú Lợi là không đúng.
Tuy nhiên, việc kê biên, tạm giữ lô sắn lát và hạt ươi của DNTN Phú Lợi chỉ xảy ra trong thời gian 56 ngày đã được hủy bỏ, giao lại toàn bộ tài sản và hàng hóa nói trên cho DNTN Phú Lợi. Tại các biên bản ký nhận lại tài sản, DNTN Phú Lợi đã xác nhận là hàng hóa (sắn lát và hạt ươi) còn nguyên vẹn, không ảnh hưởng gì, chất lượng vẫn đảm bảo.
Đến tháng 01/2016, DNTN Phú Lợi đã tự ký hợp đồng bán lô sắn lát cho các công ty của Trung Quốc với mức giá giảm xuống 40% giá trị, từ đó đòi Cục THADS bồi thường số tiền gần 43 tỷ đồng là không đúng.
Đối với lô hạt ươi, DNTN Phú Lợi đã nhận lại từ tháng 10/2015, tại thời điểm nhận lại, chất lượng lô hạt ươi vẫn đảm bảo, đến hơn 3 năm sau thì cho rằng do hành vi của ông Chánh làm cho doanh nghiệp bán không được, nên yêu cầu Cục THADS tỉnh Bình Định phải bồi thường toàn bộ lô hạt ươi số tiền 6,8 tỷ đồng là không đúng.
HĐXX phúc thẩm đã nhận định, hành vi của chấp hành viên Nguyễn Văn Chánh không có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại lô sắn lát và lô hạt ươi của DNTN Phú Lợi. Do vậy, HĐXX tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu bồi thường của DNTN Phú Lợi, Cục THADS tỉnh Bình Định không phải bồi thường cho DNTN Phú Lợi.
Đối với hình phạt của bị cáo Nguyễn Văn Chánh, HĐXX cũng đã xem xét lại tính chất phạm tội, mức độ hậu quả thiệt hại và các tình tiết tại phiên toà phúc thẩm. HĐXX quyết định giữ nguyên mức án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Chánh 7 năm tù.