Báo cáo nghiên cứu cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) công bố chiều 30/10 tại Hà Nội.
Trong những năm qua, Chính phủ thể hiện cam kết mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa DNNN. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong đó, xác định rõ danh mục DNNN cổ phần hóa đến năm 2020, bao gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn.
Tuy nhiên, trên thực tế việc tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược luôn gặp thách thức, khó khăn…Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà đầu tư chiến lược chưa quan tâm đầu tư vào các DNNN cổ phần hóa và giải pháp chính sách nào để cải thiện tình hình?
Nghiên cứu độc lập về đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp cổ phần hóa của CIEM cho thấy từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 4.500 DNNN, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa DNNN với mức độ thấp hơn kì vọng.
Về thực trạng thu hút đầu tư chiến lược vào cổ phần hóa DNNN, theo báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn nhà nước và thu hút vốn đầu tư tư nhân. Doanh nghiệp thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng qua hình thức đấu giá (IPO) năm 2015 chỉ bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán. Nhà nước vẫn giữ 81% vốn. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).
CPH DNNN trong giai đoạn này là các tập đoàn, tổng công ty có qui mô tương đối lớn về vốn, thị trường và năng lực sản xuất. Đây là những DNNN được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn và có khả năng thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hoá.
Tổng hợp và phân tích các thông tin đối với 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011 – 2016, nghiên cứu của CIEM ghi nhận tổng vốn điều lệ của 46 tổng công ty đạt 171.225 tỷ đồng, trong đó tổng vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ là 124.835 tỷ đồng (chiếm 73% tổng vốn điều lệ), phê duyệt bán cho cổ đông chiến lược 28.369 tỷ đồng (chiếm 16.57% tổng vốn điều lệ).
Trong số 46 DNNN này, có 14 doanh nghiệp (chiếm 30,4%) trong phương án cổ phần hoá không bán cho nhà đầu tư chiến lược; có 2 doanh nghiệp (chiếm 4,4%) bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt; 17 doanh nghiệp (chiếm 37%) bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt; 9 doanh nghiệp (chiếm 19,6%) không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 doanh nghiệp còn lại (chiếm 8,7%) không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.
Thực tế trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt.
Xét tiếp đến tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này rất nhỏ chỉ chiếm 8,7% (4/46 tổng công ty). Trong đó phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần thấp (cao nhất là 20%).
Chia sẻ về nguyên nhân của việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã rời bỏ sau quá trình tìm hiểu để mua cổ phần của DNNN của Việt Nam, ông Adam Stikoff, Giám đốc điều hành Amcham tại Hà Nội cho rằng quá trình cổ phần hóa DNNN của Việt Nam còn nhiều bất cập khiến nhà đầu tư nản chí như việc công khai thông tin chưa tốt, nhà đầu tư không biết họ sẽ mua những gì. Quá trình định giá chưa phù hợp với thông lệ quốc tế khiến nhà đầu tư khó thẩm định được việc cổ phần họ mua có công bằng hay không và dựa trên cơ sở nào.
Trong khi đó, nghiên cứu của CIEM cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư chiến lược chưa quan tâm đầu tư vào các DNNN cổ phần hóa. Đó là việc khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược nước ngoài; Định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý; Nhiều DNNN không có sức hấp dẫn với cổ đông chiến lược; Thiếu công khai, minh bạch thông tin; Quy trình phức tạp và phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.
Nhằm tăng sức hấp dẫn của các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào cổ phần hóa, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương kiến nghị cần quy định, tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả đối với nhà đầu tư chiến lược quốc tế; Đổi mới cơ chế xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh đó cần nâng cao tính công khai, minh bạch thông tin trong quá trình cổ phần hoá; Nâng cao vai trò của nhà đầu tư chiến lược vào quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa.