Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Tống Toàn| 24/04/2016 21:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sự việc cột điện của đại công trình gãy đổ “do gió” khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình, với chất lượng bê tông, cọc sắt như thế liệu có đủ sức chống đỡ khối thép khổng lồ bên trên?

Sự việc đổ hàng loạt cột điện đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hoà xảy ra vào khoảng sáng 22/4. Ngày 23/4, chúng tôi có mặt tại hiện trường nơi sự cố xảy ra thuộc địa bàn xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nhiều cột điện nằm giữa cánh đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do gió gây ra từ đêm trước, cột thì nghiêng, cột gãy một nửa, dây điện bị đứt, võng nằm ngổn ngang. Nghiêm trọng nhất, trụ số 199 bị gió thổi bật tung cả móng, cả cột điện cao vài chục mét nằm dài trên ruộng lúa. Hàng chục công nhân đang khẩn trương tiến hành tháo dỡ phần hư hỏng của những chiếc cột điện này.

Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Móng trụ 199 đã bị phá

Cảnh tượng khiến người ta liên tưởng phải có một trận "siêu bão" đi ngang qua mới làm đổ cột điện được thiết kế bê tông cốt thép ở phần móng và thân là khung thép kiên cố. Tuy nhiên điều ngạc nhiên là những vườn cây, ngôi nhà tạm bợ, lợp mái bằng nhựa, tôn và nhà dân ở sát khu vực cột truyền tải điện 500 kV đổ gãy này không có biểu hiện ảnh hưởng do gió lớn đi qua. Thậm chí, vườn chuối nằm sát chân cột điện bị đổ này vẫn đứng yên không có một cây nào rạp lá hay gãy thân.

Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Mái lợp tạm bợ không hề hấn sát hàng loạt cột điện bị đổ

Theo một số người dân địa phương nơi xảy ra cột điện bị gãy đổ cho biết, sức gió hôm 22/4 không thực sự lớn, nếu cột điện làm đúng theo tiêu chuẩn thì không thể nào đổ sập được. Ông Khang, người dân có trang trại ở cạnh đó, cũng là người theo dõi toàn bộ sự việc cho biết: "Lúc đổ cột điện gió khá to, nhưng mức gió như thế mà làm đổ cột điện kiên cố thì không có, tôi nghĩ là cột điện cao thế thì gió phải giật cực mạnh mới đổ. Cột này làm tác động đổ cột kia, tôi thấy có sự chuyển động của cột khoảng 10 phút, cột này nghiêng sau đó vặn rơi cột kia. Không biết còn bao cột điện khác có tình trạng như thế này?".

Tại vị trí chiếc cột điện bị hư hỏng nặng nhất, trụ số 199, khi chúng tôi có mặt tại hiện trường, phần móng của 2 chân cột gãy đổ đã bị phá ngay trong đêm. Khi được hỏi, ông Khang khẳng định: "Có 2 người lạ mặt, lúc tối cho máy xúc tiến vào nhưng tôi không cho, thừa lúc tôi về ăn cơm họ đã cho máy xúc tiến vào vườn cam của tôi nhưng tôi không đồng ý và yêu cầu nếu tiến vào sẽ phải đền bù vườn cam cho tôi".

Tuy nhiên, theo ông Khang, khi ông đi về nhà cách trang trại không xa thì nghe tiếng máy móc hoạt động, khi ông quay ra thì máy xúc đã làm việc được khoảng 15 phút. Thấy vậy, ông liền báo cho người trông hiện trường ngủ ở trang trại và sau đó về đi nghỉ. Sáng ra đến hiện trường thấy phần móng của 2 chân cọc đã bị máy múc đào bới.

Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Vườn chuối và cây cối vẫn còn nguyên trước gió lớn

Theo Công an huyện Yên Dũng, phía Công an huyện đã phối hợp cùng với cấp trên lập biên bản yêu cầu giữ nguyên hiện trường. Việc phá bỏ hiện trường này đã vi phạm pháp luật, tang vật bỏ lại là một chiếc máy xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hoà là đường dây mạch kép, có chiều dài 139 km truyền tải điện năng từ Cụm nhiệt điện Quảng Ninh - Mông Dương vào hệ thống điện quốc gia, cung cấp điện cho nhu cầu phụ tải khu vực phía Bắc. Đường dây có tổng mức đầu tư hơn 2.260 tỷ đồng, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang.

Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?

Bê tông bị phá vỡ liên kết vì chất lượng như thế này   

Đường dây là dự án năng lượng cấp I do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (NPT) làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung làm đại diện chủ đầu tư quản lý điều hành. Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 là đơn vị tư vấn thiết kế, Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 và Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam là hai đơn vị thi công công trình.

Sự việc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Nhiều người đặt câu hỏi, với mấy cọc thép vừa bé, vừa ngắn gắn ở chân cột cùng với chất lượng bê tông như vậy làm sao đủ sức chống đỡ khối thép khổng lồ bên trên?

Theo người am hiểu về ngành điện lực thì với sức gió nhẹ như thế không thể gây đổ cột, thậm chí bật cả gốc. Điều đáng nói ở công trình này, Ban A miền Trung là đơn vị nghiệm thu, rồi bàn giao cho NPT là vừa đá bóng, vừa thổi còi; vừa làm ra sản phẩm rồi chính Tổng Công ty lại nghiệm thu. Câu hỏi đặt ra liệu có sự thông đồng với nhau hay không? Cũng theo vị này, hiện nay trên cả nước, lĩnh vực xây lắp cột điện gần như chỉ có 4 nhà thầu và thường đưa ra giá thành rất cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cột điện 500kV gãy đổ: Vừa đá bóng, vừa thổi còi?