Từ đầu năm 2021 đến nay, liên tiếp xảy ra hai lần bùng phát dịch bệnh Covid-19 dẫn đến việc hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Công ty cổ phần(CP) Bến xe Hà Nội (Hà Nội) đã có những giải pháp thiết thực để đồng hành cùng các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách vượt qua khó khăn.
Duy trì thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh
Dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Ninh… ghi nhận ca mắc và chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng, tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường hơn trước. Nhưng hàng ngày, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn có hàng ngàn người thường xuyên di chuyển, giao thương qua các địa phương, tiềm ẩn nguy cơ, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng trên địa bàn thành phố còn cao.
Trước tình hình đó, Công ty CP Bến xe Hà Nội kiên quyết thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về các nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, để kiên trì thực hiện mục tiêu “kép”: Vừa đảm bảo an toàn cho Nhân dân, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.
Trao đổi với PV Báo Công lý, anh Trần Hoàng (Trưởng phòng Kế hoạch - đầu tư và công nghệ, công ty CP Bến xe Hà Nội) cho biết: “ Công tác phòng, chống dịch tại các bến xe rất phức tạp, đầu tiên là phải chủ động tăng cường vệ sinh môi trường tại các bến xe, nhắc nhở đối với các cán bộ nhân viên khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ các quy định về việc phòng chống dịch như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn, vệ sinh nơi làm việc… Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải và hành khách thì ngoài công tác tuyên truyền về dịch bệnh theo chỉ đạo của Bộ Y tế, còn phải đảm bảo an toàn không dẫn đến sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”.
Các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã được trang bị các khu vực để nước sát khuẩn dành cho hành khách đi xe. Ngoài ra, đối với hành khách khi đi qua các cửa ra vào bến đều phải đeo khẩu trang, có sự kiểm tra y tế, rà soát nhiệt độ và nhân viên bến xe thường xuyên đôn đốc nhắc nhở hành khách, lái phụ xe là phải thực hiện khai báo y tế.
Yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách phải thống kê danh sách hành khách và số điện thoại để tiện cho công tác tra cứu khi cần thiết. Mặt khác, tại các bến xe còn trang bị các vị trí khu vực cách li dự phòng cho các trường hợp mà hành khách có dấu hiệu nhiễm bệnh khi có biểu hiện (ho, sốt, khó thở..), trong khi chờ các lực lượng y tế đến hỗ trợ về việc kiểm tra dịch bệnh.
Ghi nhận tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát thì các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động bình thường, cho thấy các bến xe, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đều chấp hành thực hiện tốt nội quy về phòng chống dịch. Kết hợp chặt chẽ với lực lượng Công an Thành phố và chính quyền địa phương để quản lí sát sao các phương tiện vận tải hành khách, gắn với di biến của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội với các địa phương có ca mắc mới, các khu vực nguy cơ cao về dịch bệnh.
Đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách
So với các ngành nghề khác, thì ngành giao thông vận tải (GTVT) có đặc thù riêng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực du lịch và vận tải hành khách. Điều đó được thể hiện ở các chuyên ngành vận tải đều bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch, đơn cử như ngành vận tải hàng không, hàng hải, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa đều bị giảm về sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa.
Theo thống kê của công ty CP Bến xe Hà Nội thì lượng xe khách sụt giảm, từ đầu năm tới nay trên 3 bến xe chính là Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình trong các tháng dịch thì lượng xe chỉ hoạt động khoảng 30%-40%, lượng khách cũng giảm đến 70%, do các hoạt động vận tải hành khách phải yêu cầu: Giãn, giảm, thậm chí dừng hoạt động tùy từng tuyến dịch và thực tế dịch bệnh tại các địa phương.
Tâm lý của hành khách đi xe cũng rất e ngại về việc hạn chế đi lại. Do đó, lượng hành khách đi lại trên các bến xe liên tỉnh nói chung trong thời gian dịch giảm rất nhiều, dẫn đến doanh thu, cũng như các hoạt động vận tải bị ảnh hưởng rất nặng nề, kéo theo đó là các bến xe cũng bị ảnh hưởng.
Đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn thành phố, công ty CP Bến xe Hà Nội đã kịp thời có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ứng phó với dịch Covid-19 theo Chỉ thì số 11/CT-TTg ngày 4/3 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai các nhiệm vụ cụ thể: Thực hiện việc cắt giảm số chuyến/lượt hoặc tạm dừng hoạt động để giảm tối đa thiệt hại; tiếp thu, thống kê những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị vận tải, bến xe… tổng hợp báo cáo, đề xuất kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh việc phối hợp để tổ chức lại cơ cấu đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cho phù hợp là việc làm tối ưu nhất giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, thì công ty CP Bến xe Hà Nội còn hỗ trợ các đơn vị vận tải về thiết bị y tế như: nước sát khuẩn, khẩu trang… giảm giá dịch vụ đối với các địa điểm phòng bán vé, bến bãi đậu xe.
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cần phải chủ động đối mặt với những khó khăn, xây dựng các giải pháp tiết giảm chi phí xuống mức thấp nhất, phù hợp với điều kiện dịch bệnh từng thời điểm.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)